Đầu thế kỷ 20 là khoảng thời gian đỉnh cao của sự kết hợp giữa văn học và mỹ thuật để tạo ra những bức vẽ ấn tượng trên bìa các tác phẩm văn chương lớn.

“Giữ nguyên bìa cho cuốn sách qua các lần tái bản giống như luôn đựng quần áo trong chiếc túi của cửa hiệu nơi bán chúng”, tác giả Alan Powers viết trong cuốn Great Book Jacket and Cover Design. Cuốn sách này tập hợp 300 bìa sách cứng và mềm, trong đó có những phiên bản bìa của những cuốn sách từ lần xuất bản đầu tiên, hiếm hoi và khó tìm tại các thư viện trên thế giới. Những bìa sách ấn tượng nhất thế kỷ 20 đã để lại ấn tượng về những tác phẩm thực sự giá trị, vượt lên chức năng ban đầu.

Cuốn Great Book Jacket and Cover Design cũng đề cập đến việc thiết kế bìa kỹ thuật số trong thời hiện đại và ảnh hưởng của công nghệ.

 

Bìa cuốn Great Book Jacket and Cover Design.
Bìa cuốn Great Book Jacket and Cover Design.

 

Theo Sydney Morning Herald, từ trước đến cuối thế kỷ 19, bìa sách chỉ có vai trò giữ sách khỏi bị bám bẩn trong quá trình di chuyển và để ghi những thông tin cơ bản về cuốn sách. Người ta thấy viết bất cứ thứ gì lên bìa sách đều là lãng phí. Những người có học cho rằng, cuốn sách sẽ tự chứng minh giá trị của nó.

Đến đầu thế kỷ 20, mọi chuyện đã thay đổi. Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, khi người ta bắt đầu chú ý đến nhãn hiệu và tầm quan trọng của ấn tượng ban đầu đối với một sản phẩm, ở Anh và Mỹ, bìa sách cũng bắt đầu được thiết kế đẹp hơn. Vào giữa những năm 1930, với cuộc phiêu lưu của nhà xuất bản Penguin khi xuất bản sách bìa mềm giá rẻ và có màu cam bắt mắt, ngành công nghiệp xuất bản đã thay đổi mãi mãi.

Những năm 1920 và 1930 là đỉnh cao của sự kết hợp giữa bìa sách và các tác phẩm mỹ thuật. Những họa sĩ như Stanley Spencer, Duncan Grant và Vanessa Bell đều tham gia vẽ bìa sách. Vanessa Bell thiết kế rất nhiều bìa sách cho em gái bà - nhà văn Virginia Woolf. Phong cách trừu tượng kỳ ảo trong các bìa sách của bà đã trở thành biểu tượng cho nhà xuất bản Hogarth Press của Woolf.

 

 Bức vẽ của nhà văn J.R.R. Tolkien cho cuốn The Hobbit của ông ra năm 1935.
Bức vẽ của nhà văn J.R.R. Tolkien cho cuốn The Hobbit của ông ra năm 1935.

 

Bìa sách là một tác phẩm nghệ thuật không tồn tại lâu. Qua mỗi lần tái bản, một cuốn sách có thể lại được thiết kế bìa mới. Từ năm 1945, việc thiết kế bìa sách đã được giao cho các nhà thiết kế đồ họa. Công việc này trở nên kém hấp dẫn đối với các họa sĩ thực thụ, bất chấp những thành tựu mà các nhà văn lớn và các họa sĩ lớn trước đó từng đạt được.

Các họa sĩ không yêu thích công việc này, một phần vì sự gò bó về kích cỡ và màu sắc. Các nhà xuất bản cũng không trả nhiều tiền và dành nhiều thời gian cho họ sáng tạo. Một nghệ sĩ thiết kế bìa sách chuyên nghiệp như Vane Lindesay, người Australia, thường làm được 2 hoặc 3 bức ảnh bìa trong vòng một tuần. Ông vẫn duy trì khối lượng công việc đó trong vòng 50 năm nay.

Các nhà văn thường không có ảnh hưởng lắm với bìa sách của họ, nhưng đôi khi cũng có vài ngoài lệ, khi nhà văn có quen biết với họa sĩ và yêu cầu họa sĩ vẽ bìa cho họ. Hai nghệ sĩ nổi tiếng Albert Tucker, Sidney Nolan từng cộng tác vẽ nhiều bìa sách cho tờ báo văn học Angry Penguins. Các tác phẩm của nhà văn Lily Brett thường được chồng bà là họa sĩ David Rankin vẽ bìa. Nhà văn lớn J.R.R. Tolkien cũng từng vẽ bìa cho cuốn The Hobbit nổi tiếng của ông.

 

 Bức vẽ của họa sĩ Sidney Nolan cho cuốn Voss của nhà văn Patrick White. Ảnh: Ben Rushton.
Bức vẽ của họa sĩ Sidney Nolan cho cuốn Voss của nhà văn Patrick White. Ảnh: Ben Rushton.

 

Năm 1957, nhà văn Patrick White rất ưng ý với những bức vẽ của Sidney Nolan và cho rằng phong cách của họa sĩ này rất hợp với cuốn tiểu thuyết Voss của ông. White chưa từng gặp Nolan nhưng vẫn quyết định viết thư yêu cầu ông vẽ bìa sách. Những năm sau đó, White nhờ Nolan vẽ tiếp bìa cho các cuốn The Aunt’s Story và Riders in the Chariot.  Qua nhiều lần cộng tác, dù có lần mỹ mãn, có lần không, nhưng White và Nolan đã trở thành bạn bè thân thiết.

Sự hợp tác giữa những người nghệ sĩ lớn trong hai lĩnh vực khiến công chúng được thưởng thức thêm nhiều tác phẩm chất lượng cao về cả mỹ thuật lẫn văn học.

 
 
Pham Mi Ly ( VnE )