Dự lễ đón nhận có đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành T.Ư, tỉnh Hà Tĩnh cùng đông đảo bà con nhân dân xã Xuân Liên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Hiện nay, di tích nhà thờ Tiến sỹ Nguyễn Bật Lãng tọa lạc tại thôn Lâm Hải, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân. Đây là trung tâm của con cháu trong dòng tộc về tế lễ trong những dịp giỗ, lễ tết thường niên để tưởng nhớ, tri ân bậc tiền nhân đã có công lớn gây dựng một dòng tộc có bề dày lịch sử và khoa bảng trong vùng.
|
|
Đón nhận bằng xếp hạng Nhà thờ Nguyễn Bật Lãng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. (Ảnh: Phong Trần) |
Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng còn gọi là Lượng, hiệu là Xuân Sơn tiên sinh. Ông sinh năm 1546 trong một gia đình có truyền thống nho học. Là cháu huyền tôn của Lưu quận công Nguyễn tướng công làm quan đại thần vào thời vua Lê Thánh Tông(1460-1497). Sinh trưởng trên quê hương xứ Nghệ nổi tiếng đất học, trong dòng họ danh gia vọng tộc, cùng họ với Nguyễn Xí công thần khai quốc thời Lê Thái Tổ, Nguyễn Bật Lãng đã thừa kế truyền thống hiếu học của quê hương, thừa hưởng những nét tinh hoa nơi đất học.
Ông thi đỗ tiến sỹ vào năm Đinh Sửu (1577) đời vua Lê Thế Tông. Sau khi đậu tiến sĩ, Nguyễn Bật Lãng ra làm quan giúp triều Lê, ông nhận chức Chính sứ ty Chân Lộc đại phu Nam tước Thái thường Tự khanh, phụng sai Nhị xứ hùng nghĩa quân doanh. Trong cuộc đời mình, Nguyễn Bật Lãng đã cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lê Trung Hưng.
|
|
Long trọng lễ rước bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (Ảnh: Phong Trần) |
Đặc biệt, khi về trí sỹ, Nguyễn Bật Lãng đã dành nhiều tâm lực, trí lực cho việc mở mang khai khẩn đất đai, xây dựng xóm làng ở nhiều nơi. Ông còn mở lớp dạy chữ cho con em trong làng để truyền bá đạo học, nâng cao dân trí và đứng ra kêu gọi mở đường giao thông, lập chợ phát triển kinh tế.
Công lao của Tiến sỹ Nguyễn Bật Lãng với quê hương đất nước được sử sách ghi nhận, liệt ông vào hàng nhân vật lịch sử tiêu biểu của xứ Nghệ và được các triều đại tôn vinh ghi nhận. Triều Lê đã phong cho ông chức Tự khanh, tước Nam; sau khi mất, triều Nguyễn cũng đã ban sắc phong cho ông là Trung đẳng thần.
|
|
Đông đảo người dân vui mừng tham gia lễ rước... (Ảnh: Phong Trần) |
Tưởng nhớ công lao của ông, hằng năm vào ngày đông chí thì người dân làng Cam Lâm và con cháu dòng tộc trong vùng đều về đây để tổ chức lễ tế Danh thần Nguyễn Bật Lãng tại đền thờ một cách long trọng. Và vùng Cam Lâm còn có một tục lệ là đúng ngày lễ khai hạ hàng năm ở đền làng Cam Lâm trước lúc làm lễ các vị chủ tế đều phải tổ chức làm lễ tại nhà thờ Nguyễn Bật Lãng, rước linh vị về đền rồi mới được tiến hành tổ chức lễ tế. Tục lệ này hiện nay đang được bảo lưu đúng theo phong tục của nhân dân trong vùng.
Với những giá trị văn hóa của di tích Nhà thờ Nguyễn Bật Lãng (xã Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), ngày 29/1/2019, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận Nhà thờ Nguyễn Bật Lãng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.