Nguồn gốc lễ “rước người” độc đáo

Truyền thuyết  kể rằng, vùng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) là do một số nhóm Tiên Công và dân cư từ kinh thành Thăng Long đến đây quai đê, lấn biển, tạo dựng thành. Ở quê hương mới, mỗi độ xuân về, các cụ Tiên Công (những người đầu tiên có công khai phá và tạo lập nên vùng đảo Hà Nam) lại nhớ những buổi hội hè, đình đám chốn kinh thành xưa, nên đã mời các bô lão tuổi tác cao nhất trong làng xã “trộm” đóng y phục giống như đức vua ngồi lên võng đào, kiệu rồng để con cháu xúm lại nghinh rước lên miếu đường và bày soạn vật phẩm tế lễ.

leftcenterrightdel
 Lễ rước các cụ thượng thọ được duy trì hàng trăm năm nay.

Mọi hoạt động diễn ra như thể ở triều đình với lọng che, phường nhạc bát âm, hát xướng... dần dần đã hình thành một lễ hội “rước người” độc đáo của vùng đảo này.

Còn theo bia ký, gia phả ở miếu Tiên Công, khoảng từ năm 1434 đến 1500, có 17 vị Tiên Công, quê ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long (nay là Hà Nội) cùng gia đình xuôi theo dòng sông Hồng ra cửa sông Bạch Đằng tìm kế mưu sinh.

Lúc đầu, tất cả sinh sống trên thuyền bằng nghề đánh bắt tôm cá, dãi chài. Vào một đêm, khi lên trú ở một gò nổi của bãi triều, nghe thấy tiếng ếch nhái kêu, biết nơi này có nước ngọt, các vị Tiên Công đã cùng gia đình quyết định dừng lại khai khẩn đất đai, cải tạo thành ruộng lúa, lập làng.

leftcenterrightdel
 Cụ ông Phạm Văn Thành và cụ bà Lê Thị Quyến (khu phố 6, phường Phong Cốc, TX Quảng Yên) là cặp song thọ duy nhất được rước trong lễ hội năm nay.

Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao của các vị Tiên Công đã tìm ra nước ngọt, khai sinh ra khu vực đảo Hà Nam trù phú ngày nay. Ngoài ra, vào ngày này, các cụ cao tuổi (80 tuổi trở lên, gọi là cụ Thượng) được con cháu mặc áo gấm đưa lên nhà thờ họ, sau đó về đình làng. Lễ hội sau này được chính thức gọi là Lễ hội Tiên Công.

Năm 2018, Lễ hội Tiên Công đã trở thành 1 trong 12 di sản văn hóa phi vật thể mới được xếp vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Lễ hội Tiên Công ở vùng đảo Hà Nam mang ý nghĩa giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”  đã được nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị hơn 300 năm qua.

leftcenterrightdel
 Lễ hội thu hút hàng chục nghìn du khách và người địa phương tham dự.

Điểm nhấn chính của Lễ hội là hoạt động rước các cụ Thượng thọ (tròn 80, 90, 100 tuổi trở lên) lên miếu Tiên Công lễ tổ vào ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch (ngày chính hội). Các đoàn rước sẽ xuất phát từ các nhà thờ tổ, con cháu đội các mâm lễ vật đi trước, mâm lễ có trầu cau, rượu, xôi, gà hoặc thủ lợn, hương án trên có kết hoa. Mỗi gia đình, dòng họ tạo thành một đám rước cá nhân hoặc đám rước tập thể. Các đám rước nhập lại khi đến gần bia Tiên Công tạo nên một không khí tưng bừng náo nhiệt nhưng rất trang trọng, thiêng liêng. Đại diện các dòng họ sẽ dâng lễ vật và tế trên bia Tiên Công.

Lễ “Rước thọ”, “rước cụ thượng” là linh hồn của Lễ hội Tiên Công, đây cũng là một nét đẹp truyền thống đặc sắc riêng có của người dân vùng đảo Hà Nam, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các vị Tiên công, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng. Góp phần giữ gìn phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “kính lão đắc thọ” của người Việt và đề cao tình đoàn kết dòng tộc, xóm làng.

leftcenterrightdel
 Các cụ thượng thọ sẽ được con cháu rước bằng võng đào hoặc kiệu hoa.

Năm 2024, Lễ hội Tiên Công gắn với kỷ niệm 590 năm các Tiên Công khai canh, mở đất vùng đảo Hà Nam (1434 - 2024), đây là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tôn vinh các Tiên Công - những người đầu tiên đã có công quai đê, lấn biển, lập làng, khai sáng vùng đảo Hà Nam; đồng thời mang theo các giá trị văn hóa của kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến về với vùng đất này.

Lễ hội cũng là một trong những hoạt động của thị xã Quảng Yên hưởng ứng và chào mừng Năm du lịch quốc gia 2024. Tại lễ khai hội năm nay, lãnh đạo thị xã Quảng Yên và các đại biểu đã tiến hành nghi lễ dâng hương, gióng trống khai hội, tổ chức lễ Tế Yết khai hội. Trong 2 ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng, các cụ Thượng và gia đình cũng tiến hành dâng lễ tại miếu để tưởng nhớ, báo cáo với các vị Tiên Công.

leftcenterrightdel
 Người dân, du khách tham dự lễ hội nhường đường cho các đoàn rước.

Ngày chính hội là ngày mùng 7 tháng Giêng có 6 đoàn rước các cụ Thượng (80, 90, 100 tuổi) lên miếu Tiên Công, trong đó có 2 đoàn rước tập thể và 4 đoàn rước cá nhân. Ngoài ra, còn có hơn 100 cụ Thượng dẫn lễ lên miếu Tiên Công. 

Nghi lễ “rước người” chính là nét đặc sắc, độc đáo của Lễ hội Tiên Công, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các Tiên Công, các bậc cao niên, các đấng sinh thành. Nghi lễ này diễn ra ở các phường, xã của vùng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) gồm: Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải, Cẩm La và Liên Hoà. Trong đó, trung tâm lễ hội là tại Di tích miếu Tiên Công và 17 từ đường các dòng họ thờ Thuỷ tổ Tiên Công.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi lễ trong miếu Tiên Công.

Ngoài lễ “rước người”, trong 3 ngày diễn ra lễ hội, năm 2024, Ban Tổ chức còn tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, các trò chơi dân gian truyền thống lâu đời, như: Chơi đu, chọi gà, cờ người, tổ tôm điếm, hát đúm, đấu vật, đắp đê... đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, giao lưu cộng đồng và nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân; góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Lễ hội Tiên Công với những nét đặc sắc, độc đáo trong cả phần lễ và phần hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng động, sinh hoạt tâm linh, giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân dịp đầu xuân, đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, có sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng nhân dân và du khách. Lễ hội đã và đang tiếp tục được Nhân dân, chính quyền địa phương lưu giữ, bảo tồn, phát huy tốt.

Khánh An - Trúc Quyên