Đến lúc "dán nhãn" cho phim truyền hình Việt
Cập nhật lúc 22:40, Thứ hai, 14/11/2016 (GMT+7)
Cảnh nhân vật Phong chơi bời trong quán bar trên du thuyền giữa Vịnh Hạ Long trong phim "Tuổi thanh xuân" 2 phát sóng tối 9-11 trở thành chủ đề tranh cãi vài ngày qua. Trong số những ý kiến trái chiều, các trăn trở về việc nên "dán nhãn", phân lại giờ chiếu phim truyền hình Việt tái xuất. (khung giờ vàng, phản cảm, văn hóa, phim truyền hình Việt, "Tuổi thanh xuân")
Cảnh nhân vật Phong chơi bời trong quán bar trên du thuyền giữa Vịnh Hạ Long trong phim "Tuổi thanh xuân" 2 phát sóng tối 9-11 trở thành chủ đề tranh cãi vài ngày qua. Trong số những ý kiến trái chiều, các trăn trở về việc nên "dán nhãn", phân lại giờ chiếu phim truyền hình Việt tái xuất.
Trong cảnh quay, nhân vật thiếu gia Phong (Mạnh Trường đóng) bị bao vây bởi các cô gái mặc gợi cảm. Không chỉ có phân đoạn ôm hôn mà còn có phân đoạn dùng lưng phụ nữ làm bàn đặt rượu lên và thi nhau uống. Phía đạo diễn đã lên tiếng giải thích trên các phương tiện truyền thông rằng muốn làm nổi bật tính cách nhân vật, thể hiện chân thật sự tráng tác của các thiếu gia lắm tiền. Đây là năm 2016 nên không thể lấy tư duy làm phim thập niên trước để áp đặt.
Tuy nhiên, sự giải thích này vẫn chưa được công chúng chấp thuận, tranh cãi vẫn nỗ ra theo hai hướng. Một hướng thấy cảnh quay bình thường, chấp nhận được và một hướng cực lực lên án vì lo ngại ảnh hưởng đến văn hóa, cách nhìn con người Việt Nam.
|
Cảnh thiếu gia Phong ăn chơi |
Trong số đó, một số ý kiến đáng ghi nhận: "Không biết có phải do mình còn trẻ mà cụ non quá hay không, mình thấy phim Hàn Quốc họ lồng văn hóa của họ rất khéo vào trong phim, còn Việt Nam đã lồng là lồng vô duyên luôn, còn không là lồng những cái văn hóa như thế này đây này. Thật không hiểu nổi hợp tác với Hàn Quốc mà không học hỏi được gì, ngược lại thì vậy đây...!"; "Đang là một bộ phim khá trong sáng, bỗng nhiên lồng vào những cảnh tục tĩu lố lăng. Nhìn "Vườn Sao Băng" phiên bản Hàn mà học tập, chẳng cần có những cảnh như thế người ta vẫn vẽ nên được F4 nhà giàu tầm cỡ nhất nhì", "Xã hội hiện nay có những cảnh đó không? có mà... Nếu có thì tại sao lại không được viết vào tác phẩm, không được cho lên màn ảnh. Cái gọi là có những cảnh quay dễ dãi, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh con người và du lịch Việt Nam. Chỉ là che dấu đi sự thật, mà che dấu sự thật mới là cái tội"...
|
Bị lên án là dung tục, phản cảm |
Chưa bàn đến vấn đề đúng sai nhưng một điểm lưu ý cũng được khán giả vạch ra là "Tuổi thanh xuân" 2 chiếu trên kênh VTV3, một kênh "của mọi nhà" và mọi đối tượng khán giả từ già đến trẻ. Những cảnh được cho là không hợp với trẻ em được phát sóng khung giờ vàng phim Việt là vấn đề đáng lo ngại nhất. "Đây là phim truyền hình, chiếu cho quảng đại công chúng xem, trong đó có không ít trẻ em. Nên hạn chế những cảnh thế này! Đây là lột tả thế giới ăn chơi nhưng cũng có thể xem là truyền bá về thế giới này" - Một cư dân mạng viết.
Phim phản ánh chân thật đời sống xã hội, việc ăn chơi trác táng của bộ phận giới trẻ giàu có với những hình thức còn khủng khiếp hơn vẫn có. Tuy nhiên, nếu muốn chân thật hóa những hình ảnh đó trong phim mà không vấp phải chỉ trích thì tốt nhất nên có cảnh báo trước phim. Đây là hình thức mà các đài lớn của nước ngoài như Star Movie hay HBO đều có.
Họ cảnh báo sẵn là trong phim có cảnh quay bạo lực, nhạy cảm... để người xem cân nhắc có nên để con em mình xem cùng không. Hoặc, phim này được chiếu ở những khung giờ khuya hơn, không có đối tượng trẻ em, thiếu niên xem. Thiết nghĩ, để tránh những tranh luận, gây ảnh hưởng không tốt cả nhà sản xuất lẫn người xem, phim truyền hình đến lúc cũng nên được "dán nhãn" hoặc cảnh báo cảnh nhạy cảm.
Đây là một thay đổi theo hướng chuyên nghiệp bởi "Tuổi thanh xuân" 2 không phải phim đầu tiên bị chỉ trích cảnh nhạy cảm. Trước đó, phim "Hoa nắng" phát sóng giờ vàng VTV3 cũng bị lên án vì cảnh một thanh niên trẻ liếm ngực cô gái đến hai lần trong sự cổ vũ và phấn khích của các bạn trong nhóm. Một số cảnh trong các phim "Gió nghịch mùa "(HTV), "Kiều nữ và đại gia" (HTV), "Cha dượng" (HTV)... cũng không phù hợp cả gia đình cùng xem. Việc dán nhãn cảnh báo trước là giải pháp tối ưu để khán giả có sự chuẩn bị mà nhà làm phim cũng không ca thán bị gò bó, không được thỏa sức làm phim chân thật.
Theo Minh Khuê/Người lao động
.