Theo kế hoạch thì hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới đang bắt đầu giai đoạn 2 của quá trình thực hiện.

 

 Đền Suối Mỡ (Bắc Giang) - thuộc quần thể di tích văn hóa sườn Tây Yên Tử. Ảnh: tư liệu.
Đền Suối Mỡ (Bắc Giang) - thuộc quần thể di tích văn hóa sườn Tây Yên Tử. Ảnh: tư liệu.


Nếu như giai đoạn 1 (vừa kết thúc vào hồi đầu tháng 2/2016) đã hoàn thiện hồ sơ, thì giai đoạn 2 (từ tháng 2/2016 đến tháng 6/2017) sẽ tập trung quảng bá, giới thiệu di sản ở trong và ngoài nước; mời các chuyên gia quốc tế về thẩm định thực địa. Theo đó, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử sẽ được đề cử trở thành di sản văn hóa thế giới.

Giá trị di sản văn hóa nổi bật

Lâu nay, việc lập hồ sơ quần thể danh thắng Yên Tử được nhiều người quan tâm. Trước hết bởi không gian của quần thể danh thắng này, so với dự kiến ban đầu  đã được mở rộng tới cả 3 địa phương (gồm Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương). Song cũng chính vì  việc bổ sung một di tích và có thêm một địa phương (Hải Dương) tham gia lập hồ sơ danh thắng Yên Tử, yêu cầu về một bộ hồ sơ khoa học và thuyết phục, chặt chẽ  vẫn được đặt lên hàng đầu.  

Riêng về phía Quảng Ninh, trong quá trình lập hồ sơ danh thắng Yên Tử, địa phương này đã mời ông Paul Dingwall - chuyên gia của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tham gia trong vai trò tư vấn. Sau quá trình khảo sát thực địa, ông đã thẳng thắn bày tỏ: Việc lập hồ sơ đề cử Yên Tử trở thành di sản thế giới là con đường rất gian nan, đòi hỏi nỗ lực rất lớn cả về thời gian, công sức.

Trong khi Quảng Ninh đang chọn tới 5 tiêu chí đề cử, ông Paul Dingwall đề xuất là nên giảm bớt đi, tạo thuận lợi khi chứng minh các tiêu chí cũng như tầm quan trọng của nó. Giảm tiêu chí cũng không làm giảm giá trị của Yên Tử mà giúp tập trung vào những giá trị chính, nổi bật trong hồ sơ. Vì thế ông tham gia rằng, quần thể danh thắng Yên Tử nên đề cử là di sản văn hóa chứ không nên đề cử di sản hỗn hợp. Yên Tử có 2 giá trị quan trọng nhất theo tiêu chí số 5 và tiêu chí số 6 của UNESCO.

Trong đó, tiêu chí 5 thể hiện là một ví dụ nổi bật về hình thức cư trú của con người, tiêu biểu của một nền văn hoá. Nó thể hiện sự tương tác giữa con người và môi trường. Yên Tử đã được các nhà sư lựa chọn để tu hành, vì có phong thuỷ tốt, cảnh quan hữu tình, họ cũng đã sáng lập ra một thiền phái Phật giáo ở nơi đây. Lựa chọn theo tiêu chí 6 cũng rất quan trọng vì Yên Tử thể hiện được nét đặc sắc của tín ngưỡng, tôn giáo, đạo Phật.

Tự hào là di sản văn hóa liên vùng

Cũng phải nhờ vào quá trình bắt tay làm hồ sơ giữa 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang, thì giá trị của một di sản văn hóa liên vùng mới được nhìn nhận rõ hơn. Bởi lâu nay những giá trị Phật giáo ở sườn Đông Yên Tử được quảng bá và biết đến nhiều hơn cả.

Trong khi khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử  gồm hệ thống các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh nằm ở sườn Tây và Bắc của dãy núi Yên Tử (trải dài từ huyện Sơn Động đến Yên Dũng), thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang.  Tây Yên Tử là nơi có hệ thống các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi liên quan đến sự hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần như Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Am Vãi (Lục Ngạn), Đồng Thông,...

Hệ thống di tích Tây Yên Tử cùng với Đông Yên Tử và Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều tạo thành quần thể di tích danh thắng Yên Tử đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2017.

Tại Lễ đón bằng công nhận chùa Vĩnh Nghiêm- Bắc Giang là di tích Quốc gia đặc biệt mới đây, một lần nữa ngôi chùa này được khẳng định là một “Đại danh lam cổ tự”, trung tâm đào tạo tăng đồ của cả nước, gắn với quá trình hình thành, phát triển của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và tên tuổi của Tam tổ Trúc Lâm: Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Đây được xem như bảo tàng văn hoá Phật giáo tiêu biểu ở Việt Nam. Từ xưa đã có phương ngôn “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm/Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành”.   

Tại đây Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề nghị: Bắc Giang cần khẩn trương qui hoạch tổng thể bảo tồn, xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích để bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di tích; tiếp tục nghiên cứu, làm rõ giá trị di tích chùa Vĩnh Nghiêm gắn với quần thể di tích và danh thắng Yên Tử để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới những năm tới.

Dẫu vậy, cũng vẫn còn đó những thách thức về di sản liên vùng. Theo các chuyên gia văn hóa, việc đề cử quần thể di sản Yên Tử với số lượng di tích lớn trong một không gian trải dài cả 3 tỉnh xưa nay chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Thêm nữa, hệ thống di tích làm nên giá trị của thiền phái Trúc Lâm ở 3 địa phương kể trên, trải qua thời gian có không ít di tích đã được tu bổ, tôn tạo khiến chuyên gia quốc tế bày tỏ sự quan ngại về tính xác thực, nguyên bản của di sản đề cử.

Vì vậy, cả 3 địa phương nói trên cần phải rất thận trọng  để có một bộ hồ sơ di sản xứng tầm.

 

Theo Đại đoàn kết

.