Dư luận đang quan tâm đề cập nhiều đến những công trình xây dựng khoảng 20 năm trở lại đây tại Việt Nam có chức năng phục vụ các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng. Cùng với đó là việc trùng tu, tôn tạo tùy tiện những ngôi chùa cổ. Tôi cũng rất băn khoăn không biết nên gọi những công trình này là gì, bởi lẽ không thể gọi là những “ngôi chùa”- theo như hình dung của chúng ta về những “Ngôi Chùa” đã được xây dựng trước năm 1954 ở miền Bắc hay trước 1975 ở miền Nam.

 


Tại Quảng Ninh cũng có một bản sao mới hoàn thành: cũng có ban thờ Phật (kích thước lớn gấp mấy lần bình thường), nhưng không chỉ thờ Phật. Vị trụ trì muốn nơi đây là Thánh đường thờ các Anh hùng liệt sĩ Việt Nam, họ đang lập danh sách các liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh tại Việt Nam trong thế kỷ 20.

Trong tổ hợp kiến trúc này có nhiều tầng gác  để làm nơi ở cho các nhà sư, có bề rộng để đỗ ôtô của chùa và của khách thập phương; có những hành lang có mái chạy vòng quanh sân lát đá rộng mênh mông. Có những cổng ngõ mô phỏng cổng thành thời nhà Minh. Tam bảo có trang trí bằng những bức tranh tường, phóng to từ những bức tranh tôn giáo xuất bản ở Ấn Độ, Đài Loan hay Thái Lan… Trông xa thì có chỉ có cái vỏ mô phỏng chùa Việt với mái cong, cột  tròn (phóng to nhiều lần), đến gần thì không thể thấy cái tỷ lệ con người, thậm chí có những cánh cửa khổng lồ, to nặng tới mức không có khung cửa, bản lề  nào mang nổi, thế là đành làm cửa đẩy có bánh xe – giống như cửa nhà kho vậy.

Những công trình thể loại này  được lặp lại ở Đà Nẵng, Ninh Bình. Thái Bình và nhiều địa phương khác.  Để có không gian lớn, nhiều công trình san đồi bạt núi, cây để tạo mặt bằng,  mở đường lớn, thay đổi  thô bạo cảnh quan thiên nhiên, địa mạo tự nhiên.     

Một thể loại nữa đang được các địa phương cổ vũ xây dựng, đó là “Thiền Viện” - một loại hình mới xuất hiện với nhiều nội dung khác hẳn với những “ngôi chùa” truyền thống mà chúng ta đã đề cập ở trên. Những xu hướng này  phải chăng đáp ứng chu cầu tín ngưỡng mới, khi người dân đến với các công trình tôn giáo không vì tâm thế hướng nội, tụ tập giác ngộ để vượt ra khỏi thế giới tục lụy như xưa mà nay cần nhập thế hơn, lồng ghép nhu cầu nghỉ dưỡng/du ngoạn, hay bổ sung những sinh hoạt của đời thường, những sự kiện phô trương, hướng ngoại hơn… và chính vì vậy quy mô, hình thức các tổ hợp này cần đáp ứng.

Điều đáng nói là nhiều địa phương rất hào hứng cấp đất xây dựng những công trình này với hy vọng là điểm thu hút khách du lịch tâm linh đem lại những khoản thu cho ngân sách, tạo nhiều dịch vụ đi theo mang lại nhiều việc làm và lợi ích cho địa phương. Nhiều chủ đầu tư cũng hào hứng tham gia: có khi cùng lợi ích, có khi là cách cứu rỗi dễ dàng, còn các kiến trúc sư (KTS) thì không có mấy cơ hội tham gia nên càng mờ mịt về nhận thức, thiếu hiểu biết về biến thể của các “chùa mới” này.

Có vài KTS có cơ hội tham gia thiết kế thì cũng không nghiên cứu thấu đáo mà dễ dàng thỏa hiệp để cho ra đời những công trình “chùa mới” phóng to tỷ lệ từ các ngôi chùa cũ.

Có một mẫu số chung cho các công trình này là giá trị nghệ thuật kiến trúc- điêu khắc rất hạn chế. Bên cạnh sự phô trương kích thước, hầu hết các công trình còn thể hiện sự vụng về trong tạo hình, gia công các chi tiết trang trí, tượng tròn… Điều đáng băn khoăn hơn cả là các công trình này không duy trì hồn cốt trong các ngôi chùa Việt “bằng những phương tiện vật chất tổi thiểu để biểu đạt những giá trị tối đa”.

Lấy những cái nhỏ gọn tinh tế để tạo sự khác biệt của phương Nam để đối với quy mô lớn, xa hoa của phương Bắc. Phải chăng đây là sự vụng dại của những thử nghiệm thể loại mới hay đây là sự thụt lùi của các công trình có chức năng tín ngưỡng  giáo đương đại. Có điều dễ thấy là có quá nhiều những yếu kém về nghệ thuật và những thông điệp cần thiết vượt lên sự tầm thường của những công trình thể loại này.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã tóm tắt gợi ý của Hòa thượng Viên Minh về một hướng cho chùa Phật Nam tông Việt Nam như sau: Chùa Việt Nam không tỉ mỉ như Trung Hoa mà ưa đơn giản, không nhẹ nhàng như Nhật Bản mà ưa trầm tư, không màu mè như Triều Tiên mà thích thanh nhã, không u mật như Tây Tạng mà ưa quang minh, không nguy nga như Thái Lan mà yêu bình dị.

Một ngôi chùa Nam tông (nguyên thủy) Việt Nam cần thể hiện được 3 yếu tố.

Thứ nhất tính đặc thù của Phật giáo nguyên thủy. Hiểu nguyên thủy ở đây là tính yên nguyên của Đạo khi chưa chia thành các phái, nghĩa là có những đặc điểm này: bằng trí tuệ hơn là đức tin; Tin vào tự tánh hơn là tha lực; Giác ngộ ở thực tại, không tìm cõi Phật ở bên ngoài; Chỉ bằng sự thật hơn là qua biểu tượng, ẩn ngữ, tu hành là sống thuận pháp hơn là cầu nguyện, không áp dụng hệ thống tư tưởng khác, không thiên về nhập thế cực đoan. Qua tinh thần này kiến trúc phải giản dị, sáng sủa, thanh nhu, mạnh mẽ. Tránh dùng biểu tượng hoa mỹ, lòe loẹt, âm u. Phải tôn nghiêm (thí dụ không dùng đèn nhấp nháy), chỉ thờ một tượng Thích Ca.

Thứ hai là tính dân tộc Việt Nam. Thật khó nói mẫu chùa Việt Nam nhưng cái thần là:  khiêm tốn, khoan thai, u nhã, hòa hợp với thiên nhiên. Kiến trúc Lý, Trần (chùa Thày, chùa Tây Phương, chùa Một Cột…) là đỉnh cao tính Việt, tính sáng tạo…

Thứ ba là tính hiện đại: Rất cần vì vẻ đẹp không lặp lại, chùa cổ đẹp vì phản ánh đời sống hiện đại của thời đã qua. Phải tìm riêng cho ta phong cách, đó phát triển  khoa học kỹ thuật và vật liệu mới.  

Từ những phân tích nói trên về kiểu chùa Nam tông ở miền Nam là chính (do ảnh hưởng Ấn Độ), thiết nghĩ các chùa Bắc ông (Đại thừa) miền Bắc cũng có thể tham khảo.  
 

Theo Đại đoàn kết

.