Nói đến Tà Nung là người ta nói đến vùng độc canh cây cà phê của Đà Lạt. Nhưng, hình ảnh đó đã đi vào dĩ vãng! Nay, những rẫy cà phê cỗi cằn dần được thay bằng những đồi hoa bốn mùa khoe sắc, những nhà kính, nhà lưới ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo diện mạo mới cho vùng ngoại ô xa nhất của Đà Lạt. Cách nghĩ mới, cách làm mới của những chủ nhân vùng đất này đang khiến Tà Nung chuyển mình, thay da đổi thịt, trở thành một địa chỉ mới lạ, một cái tên được nhiều người biết đến trên bản đồ du lịch của xứ sở ngàn hoa Đà Lạt...
Tỉnh lộ 725, nối Đức Trọng - Đà Lạt, mềm như suối tóc, vắt ngang qua những đồi cà phê trùng điệp. Đầu tháng Chạp, cà phê bung hoa trắng xóa. Mùi hương mơ hồ thoang thoảng hòa vào đất trời chớm xuân, rạo rực cả những chồi non đang nhú. Nhưng, điều cuốn hút, níu chân con người lại chẳng bởi những đồi cà phê miên man hoa trắng, cũng chẳng bởi mùi hương hoa se sẽ nồng nàn, mà là những vườn hoa dân dã lạc giữa chốn quê yên ả.
Mới sáng, điểm check-in hoa tam giác mạch tại thôn 4, Tà Nung, khách đã dập dìu. Chỉ cần bỏ ra 10.000 đ vé vào cổng, khách có thể ngắm hoa, chụp ảnh, sử dụng các dịch vụ tạo hình bao lâu tùy thích. Dịp này, ngoài hoa tam giác mạch, điểm check in còn có cải vàng, thạch thảo và hướng dương. Chị Nguyễn Thị Ngọc - người trông coi điểm ghi tên khi đến (hay thường được gọi là check-in), chia sẻ: “Từ khi có những vườn hoa check-in, Tà Nung không còn buồn tẻ như xưa nữa. Khách từ các nơi đổ về ngắm cảnh, chụp ảnh ngày một đông, bất kể cuối tuần hay ngày thường. Có ngày, vườn hoa tiếp cả ngàn lượt khách”.
Những vườn hoa check-in thông thường không trồng hoa để bán, không lạm dụng công nghệ, chỉ trồng những loài hoa dân dã, là “đặc sản” của các vùng quê trong Nam ngoài Bắc, tạo không gian dấu ấn, nhẹ nhàng để du khách tham quan, chụp ảnh.
Điểm check-in của chị Nguyễn Thị Nga là khu Đồi Dầu, Tà Nung không có tam giác mạch, cũng chẳng có cải vàng hay thạch thảo, mà chỉ có hoa cánh bướm. Cả vườn hoa rực rỡ, sống động như hàng ngàn cánh bướm ngũ sắc dập dờn. Chị Nga, kể: Trước đây, vườn chỉ trồng cà phê, nhưng giá rớt kéo dài nên chị đốn bỏ chuyển sang trồng khoai lang xuất khẩu, kết hợp sản xuất khoai lang dẻo, một đặc sản của Đà Lạt. Nhưng giá khoai bấp bênh, thu nhập không ổn định. Từ một năm nay, gia đình chị đã bỏ trồng khoai, chuyển hướng sang trồng hoa chuyên phục vụ khách tham quan, chụp ảnh. Anh chị đang dựng một nhà lắp ghép giới thiệu đặc sản của Tà Nung và Đà Lạt, trong đó có sản phẩm khoai dẻo, do chính gia đình làm ra. Từ khi trồng hoa làm dịch vụ, vợ chồng chị sắm điện thoại cảm ứng, lướt mạng, chơi “phây” (Facebook), vừa để xem thiên hạ làm ăn thế nào, vừa để tìm hiểu tâm lý khách hàng, để quảng bá sản phẩm của mình.
Ở Tà Nung, câu chuyện về chàng trai trẻ thế hệ 8x Nguyễn Anh Dũng, thôn 6, được khá nhiều người biết đến. Dũng vốn đã công tác trong ngành Bưu điện, nhưng từ chỗ có “máu” làm ăn, Dũng bỏ ngành bưu điện, chuyển sang mở quán cà phê. 3 năm trước, khi ở tuổi 30, chớp thời cơ giá rẫy cà phê xuống thấp, Dũng gom hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng được hơn 2 tỷ đồng, tậu gần 0,5 ha đất. Mạnh dạn đốn bỏ toàn bộ diện tích cà phê đang thời kỳ kinh doanh, Dũng đầu tư dựng nên giữa vùng quê hẻo lánh một nhà lưới để trồng hoa, một trong những nhà lưới đầu tiên ở Tà Nung. Nay, Dũng đã có cơ ngơi là khu nhà kính chuyên sản xuất hoa cung cấp cho thị trường. “Mỗi tháng bình quân xuất khoảng 30.000 cành hoa các loại cho thị trường TP. Hồ Chí Minh. Thu nhập tính ra bằng năm, bảy lần trồng cà phê”- Dũng nói.
|
|
Trồng hoa ứng dụng kỹ thuật cao đang là xu thế ở Tà Nung. |
Còn ông Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Nung, thì chia sẻ: Chủ trương của thành phố Đà Lạt là chuyển dần diện tích cà phê ít hiệu quả sang trồng hoa, xây dựng tại Tà Nung thành một vùng chuyên canh rau, hoa công nghệ cao, mở rộng không gian hoa cho xứ ngàn hoa Đà Lạt, kết hợp làm dịch vụ du lịch. Tỉnh, thành phố có nhiều chương trình hỗ trợ vốn, giống, phổ biến kỹ thuật sản xuất hiện đại, người dân cũng rất chủ động học cách làm mới. Ba năm qua, hàng chục ha cà phê tại Tà Nung, chủ yếu là diện tích già cỗi đã được chuyển sang trồng hoa công nghệ cao. Nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số trước giờ chỉ quen với cây cà phê, cuộc sống chỉ đủ ăn, nay đã tiên phong hưởng ứng chủ trương chuyển đổi sang trồng hoa, áp dụng công nghệ mới, trở thành mô hình tiêu biểu, những “điểm sáng” điển hình. Nghề trồng hoa phát triển, kéo theo nhiều dịch vụ du lịch khác, thu hút khách đến thăm quan. Quán cà phê Mê Linh ở thôn 4, nằm giữa đồi hoa, mới xuất hiện hai, ba năm nay, rất đơn giản, bình dị nhưng giờ nổi tiếng cả Đà Lạt. Cùng với việc chuyển đổi mô hình kinh tế hộ, nhiều khu du lịch trên địa bàn đã được đầu tư. Văn hóa cồng chiêng gắn với lễ hội và cộng đồng làng bản được khôi phục.
|
|
Nghề trồng hoa cho người dân thu nhập cao, ổn định.
|
“Chỉ vài năm, từ vùng quê hẻo lánh, nay, không chỉ du khách trong nước mà cả khách nước ngoài cũng biết đến Tà Nung. Cuộc sống khấm khá, làng quê “lột xác” tươi đẹp. Đấy, ngay cả khu cổng chùa của xã, mấy năm nay trồng hoa tam giác mạch, hoa cải, đẹp như công viên, khách về đây mê lắm. Người ta ví Tà Nung như nàng... sơn nữ đang được đánh thức. Dân Tà Nung giờ “khí thế” lắm!”- ông Hùng phấn khởi.
Nguyễn Huân