Sáng 25/7, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân Đà Nẵng đã dâng hương tưởng nhớ Danh tướng Nguyễn Tri Phương cùng các nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận đầu chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha 1858-1860.

Sáng 25/7, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2016), hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân Đà Nẵng đã tề tựu dưới chân tượng đài Nguyễn Tri Phương trong khuôn viên Di tích quốc gia Thành Điện Hải, dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của vị Danh tướng cùng các nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận đầu chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha giai đoạn 1858 -1860.

 


Sau phút mặc niệm, trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” trầm hùng, lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cùng các hội viên Hội Tù yêu nước quận Thanh Khê, các đoàn viên, thanh niên của Bộ chỉ huy Quân sự TP, Sở VH-TT, Công an Đà Nẵng, Quận Đoàn Hải Châu, Bảo tàng Đà Nẵng... đã kính cẩn dâng hương dưới chân tượng đài Danh tướng Nguyễn Tri Phương.

Phát biểu tại lễ dâng hương, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng ôn lại câu chuyện cách đây 158 năm, ngày 01/9/1858, tiếng súng đại bác từ 16 chiến hạm của đội quân viễn chinh phương Tây đã nổ rền trên cửa biển Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh thực dân xâm lược và đô hộ Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc 1858 - 1860, chính sự sắp đặt của lịch sử đã đặt trên vai người Đà Nẵng – từ các bậc tướng lĩnh chỉ huy cho tới những người dân nghèo, lam lũ, thay mặt cả nước và cùng cả nước gánh vác trách nhiệm nổ tiếng súng đầu tiên đánh Pháp trên mảnh đất quê hương.

 


“Đây cũng là lúc đòi hỏi người Đà Nẵng phải có lòng dũng cảm và đức hy sinh. Lòng dũng cảm để đương đầu với sức mạnh vũ khí tối tân của phương Tây ở một chiến trường được xem là mục tiêu quân sự hàng đầu của quân viễn chinh xâm lược, còn đức hy sinh để sẵn sàng chấp nhận dấn thân vào cuộc đối đầu không cân sức ấy!” – ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nói.

Ông nhấn mạnh, dưới sự chỉ huy lần lượt của các vị tướng Đào Trí, Lê Đình Lý... và đặc biệt là Danh tướng Nguyễn Tri Phương, nhân dân Đà Nẵng và các vùng phụ cận cùng quan quân triều đình đã cầm chân được quân thù, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của liên quân Pháp – Tây Ban Nha.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nói rất xúc động: “Và từ cuộc chiến anh dũng ấy của quân và dân ta, từ mảnh đất lịch sử nơi chúng ta đang đứng đây vẫn nghe như còn vang vọng tiếng rền vang của súng thần công, tiếng hô xung phong giết giặc cùa hàng ngàn nghĩa sĩ và máu của họ đã đổ xuống thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ của chiến hào Thành Điện Hải!” .

 


Ngay sau lễ dâng hương, mọi người đã cùng tham quan Di tích quốc gia Thành Điện Hải, nơi ghi dấu những trận đánh oai hùng của quân dân Đà Nẵng trong buổi đầu đánh Pháp. Đây là một di tích lịch sử quan trọng của TP bên sông Hàn, nơi từng là tiền đồn chống thực dân Pháp ngay từ buổi đầu khi chúng đặt chân lên đất nước ta và là kiến trúc quân sự thời Nguyễn còn lại duy nhất ở Đà Nẵng hiện nay.
 

Theo Công lý

.