Chuyện gia đình người họa sĩ rời phố cổ Hà Nội lên núi

Dịch giả Trịnh Lữ nhớ lại: “Trở về Ba Vì, tôi cảm giác như cuộc sống mà cha tôi đã gọi là “cuộc sống Suối Hoa”, lại ùa về. Năm 1944, đang sống ở phố cổ Hà Nội, cha tôi bỗng đưa cả gia đình lên đỉnh núi Ba Vì. Ông mong muốn trở thành một gia đình bản địa, như người Mường, người Dao ở đó. Đó là một quyết định khiến nhiều người rất bất ngờ, không thể hiểu. Nhưng, chúng tôi hiểu cha nên không ngạc nhiên”.

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc từng học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau khi tốt nghiệp năm 1938, ông mở xưởng nội thất gỗ MÉMO. Thời điểm làm nhà ở Ba Vì, ông mới 32 tuổi, người Pháp và dân Hà Nội gọi ông là Monsieur Mémo, vì đồ gỗ của nhà MÉMO rất được ưa chuộng. Trong khi làm nhà ở Ba Vì, ông cũng là người làm toàn bộ nội thất cho nhà số 48 Hàng Ngang của gia đình cụ Trịnh Văn Bô. Bác Hồ đã từng về đây ở, viết Tuyên ngôn Độc lập, nên những đồ gỗ MÉMO mà Bác Hồ dùng ở đấy, nay đã thành những di vật lịch sử. 

leftcenterrightdel
Ngôi biệt thự hoang phế thời Pháp cần được phục dựng để phục vụ cộng đồng. 

Dịch giả Trịnh Lữ bồi hồi nhớ lại cuộc sống trên đỉnh non Tản ấy: “Cha tôi mua lại thửa đất số 8 với diện tích 1.460m2, giá 4.000 đồng Đông Dương. Ông dựng nhà, dưới chân núi nhờ người nuôi một đàn bò. Sau nhà, ông cho làm một trại gà nhìn xuống sông Đà. Mấy anh chị tôi rất thích khi mỗi buổi sáng đi nhặt trứng ở những chuồng gà làm bằng gỗ hình tam giác. Trước nhà là vườn rau. Nước lấy ngay ở con suối chảy qua trước nhà. Nước suối sạch đến mức không cần phải đánh phèn hay lọc than gì cả. Thắp sáng bằng đèn Hoa Kỳ và đèn “măng - xông”, dùng dầu hỏa thông thường.

Có bà Nghiễm, sống dưới chân núi, chăm đôi ngựa thồ chuyên chở nhu yếu phẩm cho gia đình. Có “ông bếp già” lo việc cơm nước. Mưa rừng, sương núi, những đàn chim trĩ, muôn loài bướm, bọ cành cây, chim chóc đủ màu, cua suối… Rồi con Vàng, con Bạc, hai chú chó bắt cua rất giỏi, mà mỗi lần run sợ, chui nấp trong nhà là chúng tôi biết có hổ đến gần,… Bố Ngọc không cho ai dùng súng bao giờ. Nhà thơ Quang Dũng có lần đem súng săn lên nhà, bị bố Ngọc trách mãi. Đến những năm cuối đời, chú Dũng vẫn vừa cười vừa nhắc lại mỗi lần gặp chúng tôi”. 

Ngày đó, nhiều người bạn thân vẫn thường lên nhà của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc ở Ba Vì chơi, trong đó có: Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng và nhà thơ Quang Dũng. Con trai cả của ông Hoàng Đạo Thúy lên ở nhà Ba Vì từ lúc 13 tuổi, sau này bén duyên với con gái họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và trở thành anh rể của dịch giả Trịnh Lữ. 

Gần nửa thế kỷ sau, qua nhiều năm sống ở Mỹ, dịch giả Trịnh Lữ về nước, thôi thúc ông đi tìm lại ngôi nhà xưa trên núi Ba Vì như “đi tìm thời gian đã mất”. Từ năm 2007, một mình ông đạp xe lên độ cao 400m của ngọn núi Ba Vì, đi bộ lang thang tìm kiếm, nhưng chỗ nào ông cũng linh cảm không phải. Cho đến lần lên núi ngày 30/5/2009, ông tình cờ gặp Đội quay phim khảo sát của dự án phục dựng phế tích tại Trạm Kiểm lâm, bỗng linh cảm chắc lần này sẽ khác. Quả nhiên, ngay hôm sau, ngày 1/6/2009, ông đã gặp ông Đỗ Hữu Thế - Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì (lúc bấy giờ là Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm), được ông Thế nhiệt tình dẫn đi tìm, căn cứ vào bản đồ đất của gia đình, bản đồ núi Ba Vì của quân đội Pháp cùng một máy định vị Garmin.

 Sau 3 giờ len lỏi trong rừng, khi từ lòng một con suối cạn bước lên quãng rừng thưa, họ thấy trong sương mù một góc tường đá  với rễ cây bao bọc sừng sững ngay trước mắt. Linh tính mách bảo ông biết mình đã tìm được dấu tích căn nhà cũ. Ông mô tả lại bố trí mặt bằng của ngôi nhà. Rồi tất cả cùng trèo lên nóc tường nhìn xuống. Ông Đỗ Hữu Thế bảo: “Đúng như bác mô tả rồi”.  10h sáng, sương mù bỗng tan đi. Nắng chiếu lấp lánh khiến toàn bộ ngôi nhà hiện ra, như thức dậy cùng cây lá. Ông Thế cho hay: “Bây giờ, cháu mới biết có phế tích này, để cháu vào sổ ngay...”.

Từ năm 2009 tới nay, năm nào con cháu cụ Trịnh Hữu Ngọc cũng đều rủ nhau “về Nhà Ba Vì”. Lần nào, họ cũng bồi hồi xúc động, cả dâu, rể, đến các cháu, chắt của cụ Ngọc, ai cũng muốn được nghe câu chuyện “cuộc sống Suối Hoa” ở bên những bức tường đá ấy; đem hương hoa lên nhờ khói đưa lời thành tâm gửi tới Thánh Tản và anh linh bố mẹ, tạ ơn đã được các cụ nuôi dưỡng đầu đời trong cảnh Suối Hoa trên đỉnh núi.

Chẳng ngờ, hành trình đi tìm lại ngôi nhà xưa trở thành cơ duyên để dịch giả Trịnh Lữ bắt gặp rất nhiều phế tích đã bị lãng quên trên đỉnh Ba Vì, nhưng nó sẽ trở thành kho báu, nếu biết cách phục dựng. 

Đánh thức “Người đẹp ngủ trong rừng”

Ở độ cao 700m, một dinh thự lưng tựa đỉnh Ngọc Hoa, nhìn thẳng xuống sông Đà uốn cong như dải lụa. Ở độ cao khoảng 800m so với mực nước biển, vượt lên một đoạn dốc cao và khúc cua tay áo là khu phế tích gồm nhà thờ, những biệt thự nghỉ mát hoang sơ tuyệt đẹp. Bây giờ, khu nhà thờ chỉ còn lại cái khung với bức tường được phủ màu xanh của rêu và các loại cỏ cây, đan xen nhau như một bức tranh siêu thực. Hình ảnh giáo đường âm u giữa cỏ cây khiến cảnh vật như được phủ lên một màu hoài cổ xa xăm.  

leftcenterrightdel
Một góc “Nhà Ba Vì” xưa, nay thành phế tích. 

Kiến trúc sư Vũ Hồng Thúy nhận định: “Giá trị kiến trúc độc đáo nhất mà các công trình này mang lại chính là việc tạo ra một quần thể mà công trình xây dựng đã gần như bị “biến vào” trong rừng cây nhiệt đới rậm rạp. Dường như “chẳng có gì” được xây ở đó. Các ngôi nhà được kiến trúc sư nghiên cứu thiết kế cẩn trọng từng vị trí một, “né” từng gốc cây, “chọn từng góc nhìn”…

Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay: Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên thăm Vườn quốc gia Ba Vì đã ngỡ ngàng khi đứng trước vẻ đẹp thiên nhiên đầy hoang sơ, huyền bí và thầm khen người Pháp đã biến nơi này thành khu nghỉ dưỡng với 300 biệt thự lớn, nhỏ. Lúc đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chia sẻ: “Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì. Bảo tồn là để phục vụ con người, miễn là sự khai thác đó bảo đảm bền vững và không can thiệp vào tài nguyên...”.   

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải cũng từng tản bộ dưới những tán cây trên đỉnh Ba Vì và cho rằng, cảnh quan nơi này quá đẹp và nên phục hồi du lịch nghỉ dưỡng mà người Pháp xây dựng, dựa trên cơ sở bảo tồn môi trường rừng.

Ông Đỗ Hữu Thế - Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì mong muốn khai phá tiềm năng của các phế tích mà người Pháp xây dựng ở Ba Vì, trên cơ sở khôi phục những gì đã tàn phế. Đó giống như đánh thức “người đẹp ngủ trong rừng” để một ngày nào đó, những phế tích được phục dựng sẽ bừng tỉnh. Kiến trúc sư Vũ Hồng Thúy cho rằng, việc khôi phục những phế tích ở Ba Vì sẽ đem lại những giá trị đích thực của di sản trong đời sống đương đại, mang lại cho cộng đồng những không gian văn hóa nghỉ dưỡng nhân văn, xứng tầm. 

“Đừng vì những điều đôi khi rất nhỏ, như quả táo có hai màu xanh đỏ của bà hoàng hậu trong truyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn” mà bắt Bạch Tuyết phải ngủ im trong rừng suốt nhiều năm. Nhưng việc phục dựng phế tích phải trên cơ sở tôn trọng quá khứ, hài hòa với thiên nhiên, bảo đảm bảo vệ môi trường sinh thái của Vườn Quốc gia Ba Vì và có định hướng của các nhà sử học, các nhà khoa học, đừng để người đẹp một lần nữa phải nếm trái độc”, Kiến trúc sư Vũ Hồng Thúy chia sẻ.

Với dịch giả Trịnh Lữ, thời cuộc đã làm đứt gãy giấc mơ “cuộc sống Suối Hoa” ngày ấy, nhưng giờ đây, sau hành trình tìm lại ngôi nhà xưa và tận mắt thấy những ngôi biệt thự hoang phế, ông mong mỏi sẽ phục dựng cảnh sống ngày nào, đánh thức núi thiêng Ba Vì, không phải cho gia đình mình, mà cho tất cả mọi người.

Thanh Chương