Cúng giải hạn: Tín ngưỡng hay kinh doanh?
Cập nhật lúc 14:57, Thứ năm, 13/02/2014 (GMT+7)
Cúng sao (còn gọi là giải hạn) được xem là một hình thức tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời. Thế nhưng hiện nay, phong tục này đang được một số nơi thương mại hóa bằng dịch vụ cúng thay và có thu tiền… (giải hạn, cúng sao, mê tín dị đoan)
Cúng sao (còn gọi là giải hạn) được xem là một hình thức tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời. Thế nhưng hiện nay, phong tục này đang được một số nơi thương mại hóa bằng dịch vụ cúng thay và có thu tiền…
Dạo một vòng quanh một số chùa ở TP.Biên Hòa, chúng tôi nhận thấy hình thức cúng sao “giùm” hiện đang được nhiều nơi áp dụng. Tuy không đưa giá cụ thể nhưng có chùa lại quy định, nếu khách muốn được cúng thì phải mua bộ đồ chuyên dụng để “giải hạn”, gồm 1 tờ giấy mỏng có in chữ màu đỏ, 1 hình nhân thế mạng bằng giấy… với giá từ 10-20 ngàn đồng, cao gấp nhiều lần giá trị thực. Dù đây là số tiền không nhiều nhưng không ít người cũng phàn nàn, cho rằng nếu nhân lên với số lượng hàng trăm, hàng ngàn lượt người mua thì số tiền thu từ sự chênh lệch này là không ít. Ngoài ra, một số nơi còn để thùng công đức kế bên chỗ ghi “sớ” cúng có in dòng chữ thùng công đức cúng sao giải hạn, cúng tam tai (được hiểu là bị hạn trong 3 năm liên tiếp). Tại một ngôi chùa ở phường Tam Hòa còn có người hướng dẫn, nhắc nhở bá tánh là bỏ mấy trăm ngàn đồng đều được, bởi đó là lòng từ tâm.
Tín ngưỡng bị lạm dụng?
Thực tế, nhiều người đăng ký cúng sao giải hạn nhưng lại không hiểu về ý nghĩa của tục này. Một số người khi được hỏi lý do vì sao phải cúng sao, người thì trả lời vì sợ bị “sao xấu” chiếu nên xin giải hạn; người lại cho rằng khi đọc tờ giấy xem bói vận mệnh tuổi, xem sách tử vi mua trước cổng chùa thấy năm nay có thể gặp xui xẻo nên nhờ chùa cúng thay để xin thần thánh phò trợ.
Nói về ý nghĩa của việc cúng sao giải hạn, Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, khẳng định đây là một tập tục không xuất phát từ đạo Phật. Các chùa tổ chức xin xăm, cúng sao là trái lệ, trái với lời Phật dạy. Theo Hòa thượng Thích Giác Quang, mọi việc đều xuất phát từ tâm, nếu nhờ người khác làm giùm với bất kỳ dụng ý nào thì đã vượt ngưỡng tâm linh và mang tính thực dụng. Càng tệ hơn nếu cúng chỉ để cầu xin thần thánh che đậy cho những việc làm xấu, vi phạm pháp luật… Theo thuyết nhân quả của nhà Phật, thì thành công hay thất bại trong đời người không do ai ban phát mà do bản thân mỗi người nỗ lực tạo nên.
Còn theo ông Trần Quang Toại, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho rằng cúng sao là một tập tục tín ngưỡng dân gian. Chủ trương của Nhà nước là “Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nên luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Tuy nhiên, nếu lợi dụng hình thức này để thu tiền bạc, tổ chức xem bói, cúng giải hạn đều không phù hợp với nếp sống văn hóa.
Theo Báo Đồng Nai
.