Chùa Nhất Trụ (chùa Một Cột) là ngôi chùa cổ từ thế kỷ 10 thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật gắn với lịch sử hình thành kinh đô Hoa Lư, trong đó nổi bật nhất là cây cột kinh bằng đá nằm trước sân chùa.

Hiện, cây cột kinh bằng đá được các nhà nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị Unesco công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Theo từ điển bách khoa toàn thư mở, thạch kinh chùa Nhất Trụ là một minh chứng sinh động cho nền nghệ thuật điêu khắc đá Việt Nam. Thạch kinh xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 971, khi vua Tống cho khắc kinh Đại tạng lên cột đá để cúng dường.

 

Chỉ hai năm sau, Nam Việt Vương Đinh Liễn, con trai Vua Đinh Tiên Hoàng đã cho dựng 100 cột kinh Phật bằng đá, khắc kinh Đà la ni ở Hoa Lư. Từ đây về sau tạo thành một dòng chảy thạch kinh trong văn hóa Việt Nam.

 

Cột kinh cổ nhất Việt Nam. Ảnh:Wikipedia.
Cột kinh cổ nhất Việt Nam. Ảnh:Wikipedia.

 

Kinh tràng Hoa Lư là biểu tượng của Pháp trong Tam Bảo nhà Phật (gồm: Phật, Pháp, Tăng), với mong muốn làm nên những cuốn kinh Phật bền vững tới muôn đời sau. Sau nhà Đinh, Lê Hoàn cho dựng thạch kinh ở chùa Nhất Trụ. Từ đây về sau nhân dân Việt Nam có truyền thống dựng Thạch Kinh trước điện thờ Phật.

Khi khai quật lòng đất cố đô Hoa Lư, cách đền thờ vua Đinh khoảng 2 km, các nhà khảo cổ đã tìm ra được gần 20 cột kinh thời Đinh. Đó là những cột đá có 8 mặt, dài trong khoảng từ 0,5m đến 0,7m. Trên tất cả các cột này đều có khắc bài thần chú Phật đinh tôn thắng đà la ni. Các cột đinh này được dựng trong các năm khác nhau. Trên một cột kinh tìm được năm 1964, ngoài bài thần chú trên, còn có một bài kệ bằng chữ Hán khá dài, liên quan đến Phật điện Đại Thừa.

Chùa Nhất Trụ là một trong những chùa cổ thời Đinh - Lê nằm trong khuôn viên kinh thành Hoa Lư còn tồn tại đến ngày nay. Chùa nằm ở vị trí trung tâm, là di tích quan trọng nhất trong quần thể di tích các ngôi chùa và vốn là nơi tu hành và họp bàn việc nước của các nhà sư thế kỷ 10 như Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn Hạnh.

 
 
Dan Viet