Trong 10 di sản được công bố lần này có Lễ hội đền Bà Triệu thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa). Lễ hội được tổ chức vào các ngày 20-23/2 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ tới vị anh hùng Triệu Thị Trinh - người đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô vào năm 248.

Lễ hội đền Bà Triệu thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân, tôn vinh trước những cống hiến, hy sinh lớn lao của Bà Triệu và các nghĩa sỹ đối với công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc ta; đồng thời khơi dậy nét đẹp văn hóa, truyền thống lâu đời đậm đà bản sắc xứ Thanh.

leftcenterrightdel
 Lễ hội đền bà Triệu- tái hiện hình tượng người anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô

Bên cạnh đó, 9 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục công nhận lần này gồm: Nghề làm tàu hũ ky của xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa các huyện: Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hoá, Na Hang, Yên Sơn thuộc tỉnh Tuyên Quang; Lễ Đại Phan của người Sán Dìu, tỉnh Tuyên Quang; Hát sắc bùa của người Mường, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội Mường Xia, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Lễ mừng thọ của người M'nông, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk; Lời nói vần của người Ê-đê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk; Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị nước mặn, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; Nghề dệt thổ cẩm của người M'nông, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, xã Đăk Nhau, xã Đồng Nai, xã Thọ Sơn, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Được biết, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Hữu Hoa