Cò nghỉnh mũi trước cổng chuồng, hai chân dang ra, thấy chủ đi đến, nó hạ cái đầu xuống, đôi mắt chớp chớp. “Cái gì nữa đây Cò?” Lột cái khăn tắm trên đầu, quơ quơ đám muỗi mòng đang bu trên người con Cò, Hai Thân chợt nhớ: “Cũng dạo này năm ngoái, trời chiều, trâu đi ăn về chuồng như mọi khi, nhưng Tý thấy là lạ, một số con nghé đã vô chuồng mà con Cò vẫn ở ngoài, đôi mắt giận dữ rồi cắm đầu chạy dong ra ngoài ruộng, làm cho bầy trâu tót ra luôn”.
Thằng Tý lười biếng không rượt theo lùa về. “Kệ tụi bây, chừng nào vô thì vô”. Tối ấy, Hai Thân đi đám giỗ ở hàng xóm chưa về, bỗng dưng trái đạn 105 từ ngoài chợ bắn vô nổ ngay trên nóc chuồng trâu làm sập hết một mái. Thằng Tý bị một miếng vào bả vai. “May phước cho ông Thân, nếu như đám trâu có ở trong chuồng thì thịt trâu cả làng ăn không hết!” - người hàng xóm đến thăm nói vui với Hai Thân! Hai Thân cũng thấy mình hên thiệt, từ ngày con Cò về đây, vợ chồng ăn nên làm ra, làm ruộng trúng mùa liên tiếp trong nhiều năm, tính chuyện gì được chuyện ấy!
Nhớ ngày mua con Cò, hôm ấy, vừa áp Tết, có người khách lạ bước vô nhà, vẻ mặt lo lắng nói: “Anh ơi! Không nói giấu gì ông anh, tôi đang đi kéo lúa, thì nghe tin ở nhà vợ bệnh nặng lắm, tôi định bán con trâu để lo cho vợ. Anh coi được, đồng ý mua thì tôi để rẻ cho”. “Trâu ở đâu?” “Ở dưới bờ kinh kìa!” Người khách lạ dẫn Hai Thân xuống bờ kinh xem con trâu nghé. Vừa thấy màu lông con trâu, Hai Thân không thích nên buột miệng nói ra: “Cái màu lông gì mà lem lem giống như con bò, còn đôi sừng thì ngoéo ngoéo kỳ cục”. Nghe thế, người khách lạ nài nỉ: “Anh mua con trâu này đi, làm ăn được lắm! Nó có số lợi chủ”. “Giá bao nhiêu?” “Sáu mươi giạ lúa”. “Giá như vậy là hơi mắc, nhưng thấy gia đình anh đang đau ốm, tôi không trả giá làm gì. Tôi còn có năm mươi giạ, nếu đồng ý thì làm giấy tờ”. Người khách lạ suy nghĩ một hồi: “Kẹt lắm mới bán giá này!” Người khách lạ chia tay với Cò bằng cách vuốt vuốt lên đầu: “Ở đây nghe con, năm sau có dịp đi qua đây, tao sẽ ghé thăm mày!”.
Một điều rất lạ là từ khi có Cò về, đôi trâu nhà của ông Thân không những không trở chứng như trước mà còn siêng năng hơn. Cò gần như nắm quyền đầu dẫn trâu về chuồng.
Hôm đó, trời vừa chập choạng tối. Hai Thân đang ngồi uống nước trà, bỗng có một bóng đen tọt vô nhà. Chú hết hồn nhìn lại, thấy người đội nón tai bèo quen quen nên hỏi: “Bảy hả Bảy?” “Dạ con đây! Lâu quá con không ghé thăm chú, nay có việc nhờ chú giúp”.
Chú Thân nhìn Bảy dè dặt:
- Cái gì mà thận trọng quá vậy? Nói đi!
Bảy kéo chú Hai Thân ra vườn ngồi xuống bên bụi tre:
- Con cần chuyển một số gạo mà đồn bót đóng dày đặc, các ngã ba sông đều có chốt. Chỉ còn có cách đi tắt qua giang đồng này. Mà gạo thì nặng, vác xa làm sao nổi. Nên con nhờ chú giúp bằng cách kéo cộ trâu xuống đó.
Chú Hai Thân ngồi ngẫm nghĩ một hồi:
- Được! Nhưng tụi bây phải canh gác cẩn thận nghen! Gạo để đâu? Mấy giờ kéo?
- Mười giờ tối nay, chú ra cuối vườn có gạo ở đó. Nè! Chú Hai ơi, tuyệt đối không nói cho người thứ hai biết! Lộ ra là chết!
- Ừ! Tao biết mà!
Từ đó, đường cộ trâu của chú Hai Thân thành đường dây chuyển tải của cách mạng qua đồn bót mà không ai ngờ được. Con trâu Cò khôn hết chỗ nói, những lần sau khỏi cần người đi theo, cứ chất đồ lên cộ là nó kéo tới bãi. Ở đó, có người đón nhận lấy đồ xuống, rồi nó kéo cộ không về. Cứ như thế mà đi, về không xê dịch.
Có một lần, chú nhận kéo hai chú thương binh vô cùng nguy hiểm. Trời tối đen như mực, 2 thương binh được để nằm trên cộ trâu đắp miếng đệm sợ trực thăng soi thấy. Trâu vừa lên đường, chú Hai Thân cũng thức canh theo từng điếu thuốc. Thường khi điếu thuốc thứ hai mươi là trâu kẽo kịt về. Nhưng lần này, chú đã đốt đến hết gói thuốc rồi mà không nghe tăm hơi gì. Bốn bề yên lặng, chốc chốc, vài tràng đạn từ đồn bắn vu vơ. Chú Hai nóng ruột, đứng ngồi không yên. Nhìn đồng hồ gõ bốn giờ, chú Hai rút cây roi trâu ra vườn, lần theo đường cộ trâu. Đến bãi thường lệ. Con trâu Cò đứng giậm chân ành ạch xuống đất, bốn bề vắng hoe. Không có ai. Chú đến kéo cái mền đắp hai chú thương binh, rờ xem: Sốt cao, người nóng mê man. Chú Hai nhìn trời sắp sáng, bối rối: “Làm sao bây giờ đây?” Đang lúc lo lắng thì Bảy ở trần, đầu đội nón tai bèo xuất hiện cầm khẩu AK lăm lăm trên tay, hơ hãi nói:
- Xin lỗi chú Hai, để chú chờ lâu. Trên đường đến đây bị biệt kích, số anh em còn chiến đấu ở đó, con mở đường máu mới đến đây được.
Vừa nói, Bảy vừa xốc ôm thương binh xuống xuồng. Bơi được vài giầm, Bảy còn ngoái lại:
- Cám ơn chú nhiều lắm!
Đêm ấy, vành trăng non treo lơ lửng trên trời. Chú Hai máng ách, cộ chất đầy gạo, con Cò theo lối mòn đi không xê dịch. Đến chuyến chót, thằng Bảy được tin báo lính sắp nông theo bờ kinh đi vô, có thể đi nhiều mặt. Chú Hai lầm bầm: “Sớm dữ vậy! Mới hơn ba giờ khuya đã đi càn rồi!”. Bảy tức tốc cho anh em cất giấu số gạo ở bãi, và nhanh chân chạy ra đồng ngăn chặn đàn trâu lại. Như dự tính, Bảy gặp đàn trâu ở giữa đồng đang cắm đầu mải miết kéo gạo. Anh phóng tới cặp trâu đi đầu, Cò nghinh cổ lên, mũi hít hít, có lẽ nó bắt được mùi quen nên hạ đầu xuống. Vài loạt đạn nổ giòn giã ở ngoài vàm kinh. “Lính tới rồi!” Bảy dòm quanh quẩn, thấy có cái gò đìa cỏ lác xanh um. Anh kéo hết gạo vô đám cỏ ngụy trang cẩn thận rồi vỗ đầu Cò: “Nhanh về đi”. Còn anh tìm một căn hầm gần nhất để trốn tạm cho nó đi qua luồng.
Cò dẫn đàn trâu thủng thẳng đi về, gần tới bìa vườn, lính cũng vừa trờ tới. Thấy trâu mà không có người, thằng lính đến bắt dây vàm con Cò. Tay vừa chộp gần đến sợi dây, không ngờ con cò hạ đầu xuống chỉa hai cái sừng hốt gọn thằng lính trong gọng sừng. Thằng lính hết hồn ngã ngửa ra. Cò lắc một cái thật mạnh. “Trời ơi! Chết tui rồi!” Con Cò cất đầu lên vít tên lính lên trời rồi cắm đầu chạy. Đám lính trờ tới, phát hiện ra đồng đội bị trâu chém thì trâu Cò đã chạy được một khoảng xa, chúng chỉ biết bắn dõi theo tràng đạn lửa tua tủa trong màn sương đục. Nghe tiếng súng nổ, chú Hai lần ra vườn, đến khi nghe tiếng chân trâu về dồn dập, chú mừng. Chú biết, tính của con Cò bình thường thì ngoan hiền như cục đất, nhưng khi thấy nhiều người lạ thì mắt đỏ ngầu lên dữ tợn lắm, không ai lường được chuyện nó làm.
Chú Hai dẫn Cò buộc gần cửa chuồng thì nghe cái mùi tanh là lạ. Chú nhìn kỹ: mặt và sừng con Cò đầy máu me. Chú hoảng hồn, thấm nùi giẻ lau sạch vết máu. Hình dung một phần chuyện đã xảy ra, chú vội vàng nói với thằng Tý- con trai lớn của chú: “Lùa trâu qua sông gấp cho nó lên đồng ăn chiều tối mới về nghen!”...
Gần hết vụ lúa, chú Hai đang tính tìm nơi khác để kiếm thêm chút đỉnh. Bỗng đêm ấy, Bảy tìm đến chú, nhờ giúp nốt một chuyến.
Chú Hai vuốt vuốt lên trán con Cò: “Đi sớm về sớm nghe!”. Cò chớp chớp đôi mắt, lỗ tai vẫy vẫy như hiểu được lời chú Hai. Cò giậm chân đi. Chú Hai như có linh cảm điều gì nên lo lắng dặn dò Bảy: “Thấy có gì bất trắc tháo ách trâu ra, nó tự biết tránh đạn và tìm chỗ an toàn. Loài vật tinh khôn lắm!”.
...Chuyến thứ ba cũng là chuyến chót. Chú Hai độ trâu đi gần tới bãi, bỗng có tiếng trực thăng gầm gú phía vàm kinh, quần đảo một lúc, chú Hai nghe có tiếng róc két. Chú phóng ra khỏi mùng, chạy ra phía vườn, thấy ba chiếc trực thăng đang soi đèn bay xiết vòng tròn ngay hướng bờ kinh nơi bãi xuống gạo. Nó bắn nhiều trái pháo sáng rực bờ kinh. Ruột gan chú rối bời: “Phen này… hết rồi!” Chú thất thểu đi vô nhà, ngồi đốt thuốc lặng lẽ không nói lời nào.
Nửa giờ sau, Bảy chạy vô tìm chú cho biết: “Thấy trực thăng quần đảo vòng đầu con kịp tháo ách trâu ra, vòng sau, nó bắn trái đạn nổ ngay cộ gạo văng tứ tung, không biết chạy đâu, con lo quá, về đây báo cho chú hay coi tính làm sao”. “Tính cái gì nữa! Bảy! Tức tốc vô xoá hết dấu vết hai cái cộ gạo, để sáng rõ người ta đi ruộng nhận ra thì không hay lắm!”
Bảy lo lắng:
- Không biết trâu có bị thương hay không? Cộ bị bể banh chành hết, chuyến này con hại chú rồi! Tụi con sẽ bồi thường lại cho Chú.
- Đừng nói vậy! Chú không chịu đâu. Các cháu vì cách mạng mà đôi lúc hy sinh đến bản thân nữa kìa! Còn… Chú một hai cây cộ, một hai con trâu mà tính làm gì?
Cả nhà lo lắng cho hai con trâu. Chú Hai trấn an: “Đừng lo, từ giờ tới chiều nó về cho mà coi”. Đúng như lời chú Hai, chạng vạng, Cò lù lù đi về, vẻ mặt dáo dác, trong đôi mắt còn đọng dấu kinh hoàng. Chú Hai đến gần vuốt ve, phát hiện ra con Cò bị gãy một sừng vì miếng đạn cắt ngang ngọt xớt.
Vừa sáng sớm, chú Hai đã hối thúc cho tụi nhỏ dắt trâu đi ăn xa vì đồng gần đã hết cỏ. Đang ngồi vót nang rỗ, chú Hai nghe tiếng đầm già quần đảo ở trên đồng. Thím Hai chột dạ: “Vào mùa màng mà máy bay quần đảo hoài, làm ăn cái gì được!”.
Chưa dứt lời thì chú Hai nghe: “Cốp sẻn”.
-Nó phóng pháo chỉ điểm rồi đó. Máy bay đến bây giờ!
Không quá năm phút sau, ba chiếc còng cọc đảo vòng lớn rồi siết vòng nhỏ thay phiên nhau trút bom. Chú Hai bỏ cây mác xuống mê nang rổ rồi chạy ra sân không ít, bom bỏ kiểu này.
Ở phía vườn, thím Hai chạy vô, hớt hải nói với chú Hai:
- Ông ơi vô coi nè! Trâu Cò kìa!
Chú Hai chạy theo thím Hai, thấy Cò mình mẩy đầy máu me, nó ngã qụy trước cổng chuồng. Nhìn đôi mắt con Cò chớp chớp, hơi thở dồn dập. chú nhận ra một vết thương khoét sâu hút ở đùi và nhiều vết khác, có đến bảy vết. Chú Hai hối thím Hai lấy nước sôi, nước muối lau rửa cho con Cò. Đang lúc bối rối thì thằng Bảy ghé vô, thấy Cò bị đạn nằm liệt, Bảy tức tốc đi lấy ống tiêm và thuốc cầm máu, rồi nói:
- Cò có công cán lớn, tụi cháu phải chăm sóc tận tình mới được!
Cò qua cơn nguy kịch.
Những ngày áp Tết, chú Hai đi cắt rất nhiều cỏ non dành cho Cò ăn.
Bên tách trà năm mới, chú Hai thì thầm nói với bà con láng giềng:
- Tội nghiệp con Cò, bị thương nặng như vầy mà ráng mò về chuồng.