(BVPL) Việc một số hộ dân thôn Bằng Tạ, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì tập trung đông người, ngăn cản hoạt động kinh doanh tại Khu du lịch Đầm Long có thể vi phạm pháp luật Hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Dân vô cớ tái đòi đất lần 2
Mặc dù đã nhận tiền bồi thường cao hơn so với quy định của nhà nước tuy nhiên thời gian qua các hộ dân thôn Bằng Tạ, xã Cẩm Linh, huyện Ba Vì đã tập trung đông người, cản trở hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư khu du lịch Đầm Long để yêu cầu chủ đầu tư phải giao trả lại đất, hoặc nếu muốn tiếp tục thuê đất, phải thỏa thuận bồi thường. Trước những đòi hỏi của người dân, UBND huyện Ba Vì đã phải lập đoàn thanh tra làm rõ và kết luận.
Theo kết luận của UBND huyện Ba Vì, chủ trương thực hiện dự án khu du lịch Đầm Long đã được Đảng ủy, HĐND&UBND xã Cẩm Linh, nhân dân đồng tình nhất trí ủng hộ. Dự án được công khai, phù hợp và nằm trong Quy hoạch sử dụng đất tại xã Cẩm Lĩnh 2000-2010 đã được phê duyệt là thực hiện đúng theo quy định về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
UBND huyện Ba Vì cho biết, sau khi được UBND huyện Ba Vì phê duyệt dự án đầu tư, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái đa dạng Đầm Long và nuôi trồng thủy sản kết hợp với phát triển du lịch Đầm Long thôn Bằng Tạ. Các chủ đầu tư đã tiến hành tự thỏa thuận với các hộ dân có đất nông nghiệp để tạo mặt bằng thực hiện dự án. Các hộ dân đã chấp thuận phương thức thanh toán tiền bồi thường, hỗ trự đối với diện tích đất nông nghiệp của cá hộ tại khu Đầm Long và ký nhận tiền, giao mặt bằng để các chủ đầu tư thực hiện Dự án.
Trên cơ sở đó, chủ đầu tư và UBND xã Cẩm Lĩnh có văn bản đề nghị UBND huyện thu hồi đất trên. Sau đó UBND huyện Ba Vì ban hành Quyết định thu hồi đất đối với diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ của chủ đầu tư. Việc UBND huyện Ba Vì ban hành Quyết định thu hồi đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ là đảm bảo đúng quy trình, thủ tục.
UBND huyện Ba Vì nhấn mạnh, thời điểm thực hiện dự án có quy định về việc chủ đầu tư và các hộ dân tự thỏa thuận cách tính bồi thường hỗ trợ thực hiện dự án nhưng chưa cụ thể. Việc bồi thường, hỗ trợ đã được chủ đầu tư và người dân có đất thống nhất, thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện, quyền lợi của người dân có đất được chủ đầu tư chi trả theo thỏa thuận giữa 02 bên. Số tiền thực tế chủ đầu tư dự án chi trả cho người dân cao hơn so với quy định của nhà nước tại thời điểm đó.
Theo UBND huyện Ba Vì, sau khi nhất trí chấp thuận nhận tiền từ các chủ đầu tư, các hộ dân giao diện tích đất từ năm 2002, chủ đầu tư tiếp nhận diện tích đất trên và triển khai thực hiện theo đúng dự án đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương. Từ năm 2002 đến năm 2013 không có tranh chấp đất đai liên quan đến đất tại dự án Đầm Long. Các hộ dân đã thỏa thuận và nhận tiền đền bù, hỗ trợ nên việc các hộ dân hiện nay tiếp tục đòi quyền lợi về đất đã được nhà nước thu hồi cho thuê đất đúng quy định là không có cơ sở.
|
ảnh minh họa ( nguồn: internet) |
Trao đổi với phóng viên ông Vũ Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết: Dự án đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động của địa phương và 70-80 hộ gia đình kinh doanh ở các ki ốt trong Khu du lịch Đầm Long, mỗi năm khu du lịch còn thu mua hàng nghìn tấn nông sản của nông dân để phục vụ du khách... Tuy nhiên, từ ngày 3-12-2016 một số hộ dân thôn Bằng Tạ, xã Cẩm Lĩnh tụ tập đông người tại cổng Khu du lịch Đầm Long cản trở không cho khách vào khu du lịch, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Ban Bồi thường GPMB huyện Ba Vì cho biết, nếu tính giá bồi thường theo quy định của Nhà nước tại thời điểm năm 2002, tổng kinh phí đền bù thiệt hại về đất và hoa màu trên đất cho 364 hộ với 139.656m2 đất là gần 873,6 triệu đồng. Trong khi thực tế các hộ đã nhận được tiền bồi thường từ các chủ đầu tư gần 1,85 tỷ đồng, cao hơn mức giá của Nhà nước gần 973,9 triệu đồng.
Dễ dẫn đến vi phạm pháp luật Hình sự
Một lần nữa khẳng định việc này, ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Về quy trình, thủ tục thực hiện dự án Khu du lịch Đầm Long của các nhà đầu tư làm đúng như cam kết với chính quyền địa phương và nhân dân... Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn tồn tại một số sai sót của UBND xã Cẩm Lĩnh và Phòng Địa chính huyện thời điểm đó (nay là Phòng Tài nguyên và Môi trường) là sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng đã không hoàn thiện hồ sơ và đề nghị cơ quan có thẩm quyền hiệu đính GCNQSDĐ của các hộ có đất thu hồi mà chỉ gạch tên thửa đất trong GCNQSDĐ khiến người dân hiểu lầm về quyền lợi, dẫn tới những đòi hỏi không có căn cứ pháp lý, gây nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân hiểu được chủ trương chính sách. UBND Ba Vì khẳng định những đòi hỏi của một số hộ dân thôn Bằng Tạ về đòi quyền sử dụng đất hoặc bồi thường lại lần 2 đối với các thửa đất đã bị thu hồi để thực hiện dự án Khu du lịch Đầm Long là không có cơ sở pháp lý.
Ông Tiến cho biết, hiện nay khu du lịch Đầm Long đang phải đóng cửa khiến hàng trăm hộ kinh doanh của xã Cẩm Lĩnh và người lao động phải nghỉ việc, đồng thời làm tình hình an ninh trật tự tại địa phương có những diễn biến phức tạp. UBND huyện, đặc biệt là Công an huyện Ba Vì cần khẩn trương vào cuộc, tuyên truyền, giải thích cho người dân về trình tự, thủ tục cùng những căn cứ pháp lý thực hiện dự án, đồng thời nhanh chóng có biện pháp khắc phục những sai sót về thủ tục giấy tờ về đất đai và giải quyết dứt điểm tình trạng trên, để Khu du lịch Đầm Long sớm hoạt động trở lại, không làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư trên địa bàn huyện Ba Vì cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Nứa – Văn phòng luật sư Vũ Tiến – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: nếu sự việc diễn ra như trên thì việc người dân, chính quyền, và chủ đầu tư đã thực hiện xong thủ tục thu hồi đất thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau nhiều năm người dân tiếp tục tái đòi quyền sử dụng đất, đền bù,... lần 2 là không đúng với các quy định pháp luật về đất đai. Đặc biệt, người dân tập chung đông người làm mất an ninh trật tự, cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật Hình sự đáng tiếc xảy ra. Cụ thể người dân có thể phạm “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ Luật Hình sự 1999 sửa đổi năm 2009.
Luật sư Nứa nhấn mạnh, theo quy định “Gây rối trật tự công cộng” là hành vi gây náo động, hò hét gây mất trật tự ở những nơi công cộng như ngoài đường phố, khu dân cư, công viên…Hành vi này gây nên sự xáo trộn, hoảng sợ cho những người xung quanh. Tùy theo mức độ mà cơ quan chức năng có thể xử theo các khung hình phạt nặng, nhẹ khác nhau. Cụ thể:
Theo, tiểu mục 5.1 Mục 5 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP, người dân có thể bị một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm theo khoản 1 Điều 245 Bộ Luật Hình sự nếu có những hành vi: Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;...
Nghiêm trọng hơn, cũng theo Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP người dân có thể phạm vào Khoản 2, Điều 245, Bộ Luật Hình sự mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu: gây rối có tổ chức, có hành vi phá phách, gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên, xúi giục người khác gây rối,...
Chính vì vậy, theo Luật sư Nứa, trước mắt cơ quan chính quyền địa phương cần nhanh chóng giải thích, tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rõ sự việc, hiểu rõ các quy định của pháp luật để tránh sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Minh Châu - Bích Nọc