Lên đường vì non sông, đất nước
Sinh và lớn lên trên mảnh đất của xã Tam Thanh (huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), ngay từ nhỏ ông Trương Văn Lân (SN 1922, hiện trú tại thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã chứng kiến không ít cảnh đau thương, mất mát của quân và dân ta dưới “trời bom đạn” và ách áp bức, bóc lột của thù trong, giặc ngoài. Cũng chính điều đó đã nung nấu trong ông một ý chí chiến đấu kiên cường đánh đuổi quân thù để bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện lời hứa với non sông, đất nước, năm 20 tuổi, ông Lân lên đường tham gia cách mạng, chiến đấu tại chiến trường huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Quá trình chiến đấu dưới những cơn “mưa bom, bão đạn” của quân địch, ông Lân gặp và nên duyên vợ chồng với bà Lê Thị Đắc (SN 1924). Bà Đắc lúc đó là cán bộ phụ nữ xã Tam Thanh, làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho quân cách mạng.
|
|
Mẹ Lê Thị Đắc và chồng bên tấm ảnh của người con đã hy sinh vì Tổ quốc. |
Ông Lân chia sẻ: “Lần đầu tiên gặp vợ (tức bà Đắc – PV), tôi không khỏi khâm phục trước hình ảnh người phụ nữ với thân hình nhỏ bé nhưng rất gan dạ, dũng cảm, vượt qua nhiều “cửa ải” của quân thù để hoàn thành nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân ta. Điều đó đã thôi thúc tôi quyết định kết hôn với người phụ nữ này. Sau đó, do bị bệnh nên tôi phải trở về địa phương để điều trị và tham gia công tác huấn luyện dân quân du kích với nhiệm vụ giữ cầu Hương An (tỉnh Quảng Nam) – nơi có con đường liên lạc của quân cách mạng”.
Năm 1945, bà Đắc đã hạ sinh người con trai đầu lòng Trương Ngọc Sử. Cùng lúc này, tình hình chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt, ông Lân đành để đứa con thơ cho vợ chăm sóc, tiếp tục cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Trong lúc ông Lân chiến đấu anh dũng ngoài chiến trường, ở nhà bà Đắc vừa tần tảo nuôi con, vừa tiếp tục làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho quân ta. Năm 1947, ông Lân bị thương nên được trở về địa phương và huấn luyện dân quân du kích chống giặc. Cũng trong năm này, vợ chồng ông Lân có thêm một người con gái Trương Thị Nhung (SN 1947). Hai năm sau, người con thứ 3 của vợ chồng ông là Trương Vinh Quang chào đời.
Sau đó, ông Lân được giữ chức vụ Bí thư Nông hội xã Tam Thanh, huyện Tam Kỳ cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
4 bố con lên đường phục vụ Tổ quốc, nhưng chỉ 1 trở về
Đến năm 1957, ông Lân cùng gia đình di dân vào khu vực xã Quảng Nhiêu (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) nay là xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar). “Lúc đó, nơi đây bao trùm bởi rừng núi âm u, rậm rạp, không có đường đi. Việc giao thương, đi lại của người dân chủ yếu là trong các cánh rừng. Để không bị lạc đường, người dân đi đến đâu thì bẻ lá rừng rải xuống đất làm dấu để nhớ đường về. Cũng vào thời điểm này, chính quyền Ngô Đình Diệm do đế quốc Mỹ dựng lên ra sức phá hoại hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam, thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, đánh phá điên cuồng, giết hại, giam cầm không ít cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước, đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân... Chính vì vậy, cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn, thách thức” – ông Lân kể.
|
|
Ngồi bên cạnh mẹ, chị Trương Thị Như Hoa không nén được nỗi đau khi nhắc lại sự hy sinh của 3 anh, chị. |
Trong lúc đi làm thợ rừng (cưa cây bán cho dân làm nhà, bắt thú rừng), ông Lân liên lạc với quân cách mạng và được giao nhiệm vụ làm cơ sở hoạt động bí mật cho quân cách mạng. Để tránh bị địch phát hiện, ông Lân tạo cho mình cái “vỏ bọc” của một thợ rừng để tìm hiểu, nắm bắt thông tin về tình hình quân địch rồi vào rừng báo cho bộ đội.
Ở hậu phương, với vai trò là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Nhiêu, bà Đắc không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của một người vợ, người mẹ với 11 đứa con thơ mà còn bí mật làm công tác liên lạc, tiếp tế lương thực, thực phẩm liên tục cho các cơ sở hoạt động của quân cách mạng nằm sâu trong các cánh rừng. Ông Lân nhớ lại: “Không ít lần, vợ tôi bị quân địch bắt vì nghi ngờ tiếp tế cho quân cách mạng. Đến khoảng năm 1965-1966, sau nhiều lần đóng giả lực lượng quân cách mạng vào nhà xin gạo, muối để tìm bằng chứng vợ tôi tiếp tế cho quân cách mạng không được, lính Mỹ đã bắt bà ấy và người con gái thứ 6 của tôi bỏ vào tù suốt nửa tháng trời. Sau khi không khai thác được thông tin gì, quân địch mới chịu thả mẹ con bà ấy ra”.
Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, từ năm 1964-1968, 3 người con lớn của vợ chồng ông Lân cũng lần lượt lên đường tham gia hoạt động liên lạc phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ khi mới chỉ 18-20 tuổi. Thế nhưng, cả 3 người con của ông đã ra đi không có ngày trở về.
Nói đến đây, ông Lân không sao cầm được nước mắt. Ông kể: “Vào một ngày năm 1967, sau 2 năm tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, trên đường trở về lấy lương thực, thực phẩm cho bộ đội sau khi dẫn đường đưa đoàn công tác của Huyện ủy ra vùng căn cứ, cháu Quang cùng với một đồng đội khác bị quân biệt kích bắn chết tại chỗ. Cả hai đã được lực lượng du kích của quân ta chôn cất chung một ngôi mộ trong rừng. Ngày hôm đó, tôi được báo tin cháu Quang hy sinh. Thế nhưng, với trách nhiệm của một Đại Đội trưởng Đội Hậu cần, thuộc Ban Binh vận của tỉnh Đắk Lắk và nhiệm vụ cấp bách nên tôi không được phép bỏ nhiệm vụ vì việc gia đình. Khoảng 1 tháng sau, khi tình hình tạm lắng xuống, tôi mới trở về cùng gia đình đi tìm nơi chôn cất con trai và đồng đội của cháu”.
Nén nỗi đau mất con, vợ chồng ông Lân tiếp tục làm nhiệm vụ phục vụ cho cuộc kháng chiến với mong muốn góp phần đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước. Thế nhưng, chỉ 2 năm sau khi cháu Quang hy sinh thì người con thứ 2 của ông Lân là Trương Thị Nhung bị địch bắn chết. Theo lời kể của ông Lân, chị Nhung hoạt động trong đơn vị Thị đội của tỉnh Đắk Lắk, được phân công tham gia hoạt động biệt động thành, làm nhiệm vụ lấy thông tin về tình hình quân địch và đưa lực lượng cách mạng vào thị xã Buôn Ma Thuột (nay là TP Buôn Ma Thuột). Hôm đó, trên đường đi tìm hiểu tình hình quân địch bằng cách ngụy trang đi bán gạo, chị Nhung bị lính Mỹ bắn chết tại khu vực đồn điền nông thôn Phước An (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk ngày nay).
Ngồi bên cạnh bà Đắc, chị Trương Thị Như Hoa (SN 1965, con út của vợ chồng ông Lân) nói trong nghẹn ngào: “Sau này, đồng đội của chị Nhung kể lại, trước khi hy sinh, chị Nhung bị lính Mỹ hãm hại dã man... Lúc đó, ba tôi (tức ông Lân - PV) hoạt động cũng gần nơi con gái hy sinh nhưng chỉ biết nuốt nước mắt, kìm nén nỗi đau để tiếp tục làm nhiệm vụ” – chị Hoa ngậm ngùi.
Dù vậy, mất mát do chiến tranh gây ra đối với gia đình ông Lân chưa dừng lại ở đó. Năm 1974, trong lúc đang trên đường đi vào khu căn cứ cách mạng thì anh Trương Ngọc Sử (con trai đầu lòng của ông Lân) cũng bị địch bắn chết. Lúc này, ông Lân đang giữ chức vụ Bí thư Chi bộ đội công tác Huyện đội H5 (huyện Cư M’gar ngày nay).
Ông Lân gạt nước mắt và nói: “Ngày đi, cả 4 bố con lên đường phục vụ non sông, đất nước nhưng khi về chỉ còn lại một mình tôi. Nỗi mất mát và đau thương đó cho đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn và khiến người cha như tôi không khỏi nhói lòng”.
Sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Lân trở về địa phương giữ chức vụ Bí thư Chi bộ xã, Chủ tịch xã Quảng Phú (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), nay là thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar). Đến năm 1979, ông làm Phó Bí thư Nông hội huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) đến ngày về hưu.
Với những công lao to lớn nói trên, ông Lân, bà Đắc đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cơ quan Trung ương, và địa phương. Năm 1994, bà Đắc được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đã có 3 con hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2016, ông Lân được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Ông Phạm Trung Kiên – Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho hay: “Để tri ân công lao to lớn của gia đình mẹ Lê Thị Đắc, vào các dịp lễ, Tết, Ban Thường vụ Đảng ủy và các ban ngành đoàn thể của xã đều đến thăm hỏi, tặng quà. Đồng thời, động viên, chia sẻ những khó khăn cùng gia đình Mẹ. Trạm y tế xã cùng thường xuyên tổ chức thăm khám, phát thuốc, chăm sóc sức khỏe cho Mẹ. Ngoài ra, UBND xã cũng thăm hỏi, hỗ trợ kinh phí những lúc Mẹ ốm đau, gặp khó khăn, hỗ trợ sửa chữa ngôi nhà Mẹ ở”.