Trong một lần cơ nhỡ, lang thang ở đất Sài Gòn, trong người không một xu dính túi buộc anh phải vào công viên nằm ngủ với cái bụng rỗng. Một ông lão mù hát rong đi ngang qua thương tình, mua cho anh một tô hủ tiếu ăn cho đỡ đói.
Trong giây phút đó, anh đã rung động trước tấm lòng của ông lão kém may mắn. Thế là anh ấp ủ suy nghĩ, nếu có cơ hội anh sẽ cưu mang những số phận kém may mắn để bù đắp cho họ. Rồi anh trở thành người "hâm" thực sự khi trực tiếp nuôi 30 đứa con trong ngôi nhà nhỏ của gia đình mình. Anh là Tạ Duy Sáu, nhà ở xóm Đại Hữu, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
|
Cô “con gái” Tạ Minh Châu - thành viên mới nhất của gia đình. |
Gian truân cuộc đời…
Trong ánh nắng ấm áp của những ngày đầu hạ, men theo tuyến đường liên xã còn thơm mùi nhựa mới chúng tôi tìm đến mái ấm nhỏ có 30 đứa con của vợ chồng anh Sáu. Không quá khó để tìm được nhà anh, bởi ngay từ đầu xã hỏi tên anh thì ai cũng biết.
Vừa bước chân vào còn chưa thở hết một hơi, bỗng có một phụ nữ trạc tầm 30 từ trong nhà xồng xộc chạy ra, mắt nhìn thẳng vào tôi, quỳ xuống, hai tay vái lạy, xong đứng dậy cười sằng sặc bỏ chạy. Tôi chưa kịp định thần. Đúng lúc anh Sáu về, miệng hồ hởi: "Không phải sợ, nó hiền lắm. Chỉ thi thoảng mới bị lên cơn thôi chứ chưa bao giờ làm chi ai cả! Mình vừa ra xã làm cái giấy khai sinh cho con bé Minh Châu. Đây là thành viên "nhập khẩu " mới nhất của gia đình mình, mẹ nó sinh ra nhưng để lại ở bệnh viện. Tội nghiệp!". Rồi, lục lại trong quá khứ, anh kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và cơ duyên của anh đến với những phận người kém may mắn ấy…
Tạ Duy Sáu sinh năm 1978, là con út trong một gia đình thuần nông nghèo ở vùng quê xứ Nghệ. Nhà nghèo, gia đình lại có 6 anh em nên không một ai được học hành tử tế. Ngay từ thuở thiếu thời, mấy anh em Sáu đã phải chạy từng miếng cơm manh áo, ăn bữa nay lo bữa mai. Cuộc sống của cả gia đình cứ thế trôi đi, đến một ngày, tai họa ập xuống khi lần lượt một anh và một chị của anh qua đời vì bệnh tật. Một thời gian sau, một người chị của anh tiếp tục bị liệt mà không có tiền chữa chạy. Lúc này, kinh tế gia đình đã kiệt quệ hoàn toàn, thương người chị bị bệnh tật, thương bố mẹ cũng đã già yếu, Sáu quyết chí rời gia đình đi vào miền Nam làm ăn để phụ giúp gia đình.
Năm đó, Sáu mới 17 tuổi. Cái tuổi "ăn không no, nghĩ không đến" ấy, anh cũng không nghĩ chuyến đi định mệnh đó đã đưa cuộc đời anh theo một ngã rẽ khác. Đi theo đám bạn cùng lứa vào ĐắkLắc làm cà-phê, mỗi tháng được 250 nghìn đồng. Anh nhớ lại: "Vào thời điểm đó, năm 1995 thì 250 nghìn là to lắm. Thế là mình lên xe đi, cùng đi có 7 người nữa. Lên chiếc xe bịt kín thùng, chạy 10 tiếng mới vào đến nơi. Xuống xe mình mới biết là bị lừa vào làm lao động khổ sai ở bãi đá Sapphire ở xã Trường Xuân - ĐắkLắc".
Ai vào đây cũng bị bóc lột sức lao động dã man, lại không được trả tiền. Ba năm bị bắt đi làm thổ phỉ, không một tin tức về cho gia đình, không được đi đâu ngoài bãi đá. Ốm đau, bệnh tật cũng không có bác sĩ hay thầy thuốc gì cả. Nếu một ai có ý định trốn đều bị xử lý theo luật rừng, không thương tật cũng phải bỏ mạng nơi đây.
Năm 1998, CQCA tỉnh ĐắkLắk đã phá được vụ án ở bãi đá Sapphire này, toàn bộ lao động bị bắt cóc đều được giải thoát và trả về địa phương. Không dám về quê sau ba năm đi làm không có tiền, anh Sáu lang thang vào Sài Gòn mưu sinh với hi vọng đổi đời. Nhưng với số tiền các đồng chí CA cho về quê, anh chỉ đủ lộ phí tới Sài Gòn rồi hết sạch. Đêm đầu tiên ở một thành phố xa hoa không có một đồng tiền, anh phải ôm bụng đói vào ngủ ở ghế đá công viên. Đúng lúc, một ông lão mù đi hát rong qua, thương tình mua cho anh tô hủ tiếu. Cảm nhận được sự nhân ái của một người khuyết tật, trong khi những con người khỏe mạnh lại tìm cách lừa gạt, bóc lột mình. Từ khoảnh khắc đó, anh luôn ấp ủ ước mơ được cưu mang những số phận kém may mắn và bù đắp cho họ, để họ cảm nhận được một chút ý nghĩa của cuộc đời. Và rồi sự nghiệp làm "bảo mẫu" của anh bắt đầu…
|
Hai cháu bị bệnh thủy tinh bẩm sinh được nuôi tại gia đình. Ảnh:Phan Lâm |
Mang yêu thương sưởi ấm những tâm hồn bất hạnh
Rồi ước mơ kỳ cục ấy cứ lớn dần trong anh, bám riết trong từng suy nghĩ và theo anh từng bước trên đường đời gian khổ. Đầu năm 2001, trong một lần đi bán báo dạo trên đường phố Sài Gòn, anh gặp chị Lê Thị Lương, người con gái kém anh hai tuổi, cùng quê Nghệ An. Cùng cảnh ngộ, gia đình chị cũng gặp khó khăn nên phải vào đây đi bán báo kiếm tiền mưu sinh. Hai tâm hồn cùng quê hương, đồng điệu cùng một tiếng nói ở nơi đất khách quê người, nên khi anh Sáu tâm sự cùng chị Lương về ước mơ được chia sẻ nỗi đau, cưu mang những số phận bất hạnh thì được chị ủng hộ và giúp đỡ hết mình. Cuối năm 2001, anh chị về quê ra mắt gia đình và làm đám cưới, rồi họ chung tay bỏ số tiền bao năm bươn chải, bán báo ở Sài Gòn, mua máy lạnh về làm xưởng kem, tạo công ăn việc làm cho 7 người tàn tật trong địa phương có nguồn thu nhập, đặt những viên gạch đầu tiên để thực hiện ý tưởng giúp đỡ những con người khuyết tật.
Xưởng kem chỉ tạo được việc làm cho một phần rất ít việc làm cho người tàn tật, trong khi con đó những đứa bé sinh ra bị bỏ rơi, dị tật bẩm sinh và hàng tá trường hợp đau thương khác. Thế là anh chị bàn nhau bán xưởng kem, thế chấp ngôi nhà bố mẹ để lại, cầm trong tay 500 triệu xây dựng Trung tâm bảo trợ xã hội mang tên Hiền Lương, chuyên thu nhận nuôi dạy những đứa trẻ không may mắn bị bệnh tật, cơ nhỡ không có cha mẹ. Hiện nay, tại Trung tâm này, anh Sáu có 30 đứa con đang được chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng, trong đó chỉ có ba đứa con ruột của anh chị là bình thường. Còn 27 đứa trẻ còn lại có 17 đứa bị bại não - não không hoạt động, ba trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, mỗi đứa một hoàn cảnh, bệnh tật, bị bỏ rơi được anh Sáu mang về nuôi dưỡng. Đồng thời trung tâm cũng tạo công ăn việc làm cho 22 người thiểu năng, không có khả năng lao động có thu nhập ổn định bằng việc làm chổi bán.
Ngồi dưới mái nhà của tình thương cao cả mang tên Hiền Lương, tiếng cười nói rôm rả, hòa lẫn với tiếng bi bô tập nói và cả tiếng ú ớ của những đứa trẻ khiếm khuyết, vợ chồng anh Sáu kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm đã ăn sâu trong tiềm thức của anh. Những kỷ niệm vui thôi, nhưng theo như anh Sáu nói thì "nó cũng đã lấy đi không ít nước mắt của những người biết suy ngẫm"…
Kỷ niệm ấy là những lần không có tiền để mua thức ăn, mua sữa cho các con , anh Sáu đã phải mang xe vào kho lấy gạo mang đi bán để lấy tiền chi tiêu cho cuộc sống. Anh kể: "Không đâu xa, mới cuối năm đây thôi tôi đã phải xuất kho bán gần hết gạo trong kho để lấy tiền cho bọn trẻ ăn tết. Những bao gạo của những người có lòng hảo tâm, gạo công đức đấy, nên mình cũng không muốn bán vì có người bảo mình bán là để vụ lợi bản thân. Nhưng bán rồi, khi hết gạo mình lại phải chạy vạy khắp nơi để có tiền mua gạo, mua thức ăn cho chúng chứ không ai chịu cho mình cả. Chẳng nhẽ, mình làm vậy là sai, là có tội?".
Ngồi cạnh chồng, chị Lương cũng chia sẻ vào câu chuyện: "Anh Sáu đã "suýt" nữa bị CA bắt vì tội "buôn bán trẻ em" đấy chú ạ!". Chị kể lại: Vào năm 2007, trong chuyến đi công tác ở bản Phiềng, huyện Quế Phong, anh Sáu đã "nhặt" một bé trai bị một người phụ nữ bỏ lại trong chiếc nôi, treo trước cửa một ngôi chùa. Ngay lập tức anh mang đứa trẻ đến xã làm thủ tục để đưa về nuôi dưỡng, khi về trung tâm có người đàn ông hiếm muộn đến xin được nhận đứa bé làm con nuôi và được anh chấp nhận. Làm phúc phải tội, ai đó đã tung tin là anh bán đứa bé với số tiền kha khá. Thế là ngay giữa đêm khuya, CA đánh cả xe "U-oát" đứng trước cửa, "xin" được đưa anh về phục vụ điều tra. "Cây ngay không sợ chết đứng, rồi họ cũng phải bắt tay thông cảm vì không làm việc rõ ràng, để ảnh hưởng đến tiếng tăm của mình trong dư luận quần chúng" - anh Sáu nói thêm.
Mỗi đứa một hoàn cảnh, nhưng chúng lại về chung một mái nhà mang tên Hiền Lương của vợ chồng anh Sáu để được chăm sóc, để sống và để cảm nhận một chút hơi ấm còn lại của cuộc sống được mang lại từ đôi bàn tay ấm áp ấy. Đó có thể là những kỷ niệm vui, cũng có thể buồn, nhưng ở mỗi đứa trẻ anh Sáu lại tìm thấy được một cảm xúc, một cung bậc tâm hồn khác nhau. Và ở đó, anh lại tìm thấy được niềm tin, sự hy vọng về một ngày mai tươi sáng cho 30 đứa con của anh. Dù rằng, cuộc đời này anh vẫn biết còn đó những gian truân khổ ải.
Phan Lâm - Bá Cường