Mặc dù chủ tịch xã Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) khẳng định rằng hoạt động của các doanh nghiệp tại khu vực bãi bồi ven sông Đuống thuộc địa phận thôn Cống Thôn, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) là trái pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay hoạt động lấn chiếm, xây dựng nhà kho diễn ra một cách công khai mà không hề có sự can thiệp từ các cơ quan chức năng huyện Gia Lâm.
Nhà xưởng “ma” mọc như nấm, dân kêu trời
Theo phản ánh của nhiều người dân, khu vực đất Cống Thôn thuộc địa bàn xã Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) xuất hiện nhiều nhà xưởng, bến bãi trái phép những không được các cơ quan chức năng xử lý. Điều đáng nói là toàn bộ diện tích khu đất lên tới hàng chục ha nhưng không hề được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.
Khu vực này xuất hiện tới hàng chục nhà máy, nhà xưởng lớn nhỏ, hoạt động được nhiều năm nay. Chủ yếu là nơi tập kết vật liệu và các xưởng sản xuất gạch, than và các mặt hàng về xây dựng. Mỗi ngày, trong khu vực này có hàng trăm xe tải lớn nhỏ ra vào chuyên chở hàng hóa, khung cảnh tấp nập. Không những gây mất trật tự an toàn giao thông mà việc các nhà xưởng lấn chiếm, lập bến bãi đã vi phạm hành lang an toàn đê điều, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
|
Các nhà xưởng mọc lên nhếch nhác, bụi bặm, khiến người dân xung quanh khu vực này vô cùng bức xúc. |
Các nhà xưởng, nhà kho ở đây hoạt động suốt ngày suốt đêm, và việc chây ì, không tuân thủ pháp luật khiến nhiều người dân bức xúc.
Bà Loan, một hộ dân ở đây cho biết: “Không hiểu lãnh đạo ở đây có chủ trương ủng hộ các doanh nghiệp ở đây làm ăn hay không chứ việc tập kết, sản xuất ở đây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của chúng tôi. Máy cẩu, máy xúc, động cơ và xe tải cứ hoạt động suốt ngày đêm khiến cuộc sống chúng tôi đảo lộn nhiều năm nay, giấc ăn giấc ngủ bị phá suốt ngày. Hơn nữa việc di chuyển của các xe cơ giới hạng nặng khiến lòng sông bị sạt lở nhiều, sinh sống cạnh ven đê cũng lo lắng lắm. Không biết xã có định biến khu này thành khu công nghiệp hay không nữa?”
Được biết, toàn bộ các doanh nghiệp mở nhà xưởng, xây dựng trên khu đất Cống Thôn, xã Yên Viên hiện chưa được UBND TP Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm cho phép hoạt động vì vậy nên việc các bến bãi tập kết vật liệu, nhà xưởng mọc lên là hoàn toàn trái phép. Thế nhưng không hiểu vì sao các doanh nghiệp vẫn tồn tại đến tận bây giờ, thậm chí còn có chiều hướng ngang nhiên, lấn chiếm ngày càng táo tợn hơn.
Trả lời những thắc mắc của báo chí, ông Nguyễn Văn Kỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết:“Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại nơi đây không chỉ mới diễn ra mà nó đã có ở đó từ rất lâu rồi… Có DN thuê đất từ những năm 1996, 1997 và phát triển dần. Cũng bởi đất nông nghiệp khu vực này là đất cát, sản xuất kém hiệu quả, không trồng được cây; thậm chí vẫn còn diện tích đất bỏ hoang nên người dân đã cho các DN thuê lại. Các DN đang làm thủ tục nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Việc hoạt động của các DN như vậy là trái phép. Các DN đang xin phép và sắp tới có thể có phép theo đúng quy định.”
UBND huyện Gia Lâm "tiếp tay" cho sai phạm?
Trước hàng loạt sai phạm nối tiếp những sai phạm và những cơn giận giữ ngút trời của người dân xã Yên Viên. Phóng viên có liên hệ qua điện thoại với ông Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, thế nhưng không hiểu lý do vì sao đồng chí chủ tịch không trả lời. Trong khi đó các đơn vị cấp xã cũng cho biết là vụ việc đã báo cáo lên cơ quan cấp huyện. Một sự im lặng khó hiểu của người lãnh đạo cao nhất huyện Gia Lâm.
|
Ông Nguyễn Văn Kỷ- Chủ tịch UBND xã Yên Viên: “Các DN đang làm thủ tục nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp phép” |
Ở một diễn biến khác, trao đổi với cơ quan ngôn luận, GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định, nếu đất nông nghiệp chưa được chuyển mục đích sử dụng, việc các DN tự ý xây dựng trụ sở, xưởng sản xuất, làm bến bãi tập kết VLXD như vậy là trái pháp luật, về nguyên tắc phải thu hồi đất. Nếu quyền sử dụng đất thuộc các hộ dân, UBND cấp huyện phải ra quyết định thu hồi; nếu quyền sử dụng đất thuộc các DN, UBND cấp tỉnh ra quyết định thu hồi.
Thực trạng hoạt động sản xuất, làm bến bãi tập kết VLXD trái phép của các DN trên phần diện tích đất nông nghiệp thuộc địa phận quản lý của xã Yên Viên diễn ra trong thời gian dài, tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua nhưng Lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm lại im lặng khó hiểu? Có hay không lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm "bao che" cho hoạt động sai trái này?
Để pháp luật được nghiêm minh, kính đề nghị UBND T.p Hà Nội cũng như huyện Gia Lâm cần sớm vào cuộc dẹp bỏ nạn lấm chiếm đất nông nghiệp, lấn chiếm hành lang đê./.
theo Vhvn