Theo Nghị định, ngày thành lập là ngày có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự ra đời bằng văn bản thành lập của cơ quan có thẩm quyền; ngày truyền thống là ngày đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ, quá trình hình thành hoặc phát triển được ghi nhận, có tính kế thừa, liên tục; ngày hưởng ứng là ngày được xác định thời gian (ngày, giờ) cụ thể, tập trung vào một chủ thể nhất định để tổ chức hoạt động nhằm kêu gọi cộng đồng hưởng ứng và thể hiện sự đồng tình ủng hộ bằng hành động; ngày tái lập là ngày đánh dấu sự thành lập lại bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền sau quá trình chia tách, sáp nhập, giải thể; năm tròn là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là "0"; năm khác là năm có các chữ số cuối cùng còn lại.

Về nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, Nghị định quy định các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền; chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn. Trường hợp bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm; không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm.

Về điều kiện, thẩm quyền công nhận ngày truyền thống, Nghị định quy định để được công nhận ngày truyền thống, các bộ, ngành, địa phương phải đáp ứng các điều kiện: có tài liệu lịch sử thể hiện ngày cụ thể đánh dấu bằng sự kiện đáng ghi nhớ; ngày diễn ra sự kiện đáng ghi nhớ phải cách thời điểm đề nghị công nhận ít nhất là 10 năm; có tính giáo dục truyền thống lịch sử và ý nghĩa đối với bộ, ngành, địa phương; thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận ngày truyền thống của bộ, ngành, cấp tỉnh.

Về tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, Nghị định quy định đối với năm tròn, Bộ, ngành, cấp tỉnh tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trong đó xác định về thời gian, địa điểm, chương trình, thành phần của lễ kỷ niệm.

Bộ trưởng, người đứng đầu ngành cơ quan trung ương phê duyệt kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm của bộ, ngành.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm của cấp tỉnh và tại địa phương.

Người đứng đầu bộ, ngành, cấp tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống theo kế hoạch đã được phê duyệt và chịu trách nhiệm về việc tổ chức lễ kỷ niệm bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

Đối với các năm khác, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, hội thảo, tọa đàm và các hoạt động thiết thực khác kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống. Không tổ chức lễ kỷ niệm.

Về hiệu lực thi hành, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2018.

Nghị định này bãi bỏ những nội dung quy định về tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Điều 17 Chương 4 Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại, đón tiếp khách nước ngoài.

Xem chi tiết Nghị định tại đây: nghi-dinh-111-2018-nd-cp.pdf

PV