Chấm điểm để lễ hội tốt hơn?
Cập nhật lúc 14:08, Thứ sáu, 11/12/2015 (GMT+7)
Sáng 10-12, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở và báo Văn Hóa (Bộ VH-TT&DL) tổ chức họp báo lấy ý kiến các cơ quan báo chí chấm điểm việc thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian năm nay. (chấm điểm, lễ hội, quản lý lễ hội, Bộ VH-TT&DL)
Sáng 10-12, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở và báo Văn Hóa (Bộ VH-TT&DL) tổ chức họp báo lấy ý kiến các cơ quan báo chí chấm điểm việc thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian năm nay.
Đây là năm đầu tiên Bộ VH-TT&DL tổ chức chấm điểm công tác lễ hội.
Bảng chấm điểm lễ hội dựa trên thang điểm 100, chia thành sáu mục lớn, trong đó gồm 21 mục nhỏ. Có bốn mức xếp loại lễ hội là: mức độ hoàn thành xuất sắc (loại A): 95-100 điểm, mức độ hoàn thành tốt (loại B): 85-94 điểm, mức độ hoàn thành (loại C): 51-84 điểm, chưa hoàn thành (loại D): dưới 50 điểm.
Bà Trịnh Thị Thủy - cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - giải thích về mục đích việc chấm điểm lễ hội rằng: “Những năm trước Cục Văn hóa cơ sở chỉ nắm bắt được tình hình lễ hội thông qua báo cáo của các địa phương và tổng hợp của cơ quan nhà nước. Năm nay, Cục Văn hóa cơ sở mời các cơ quan báo chí tham gia chấm điểm lễ hội nhằm mục đích giúp các địa phương và cơ quan quản lý cấp bộ có điều kiện, cơ sở đánh giá hiệu quả quản lý, tổ chức lễ hội ở mức độ cụ thể qua thang điểm xếp loại, với từng tiêu chí".
"Qua đó sẽ thấy công tác tổ chức lễ hội có mặt nào tích cực cần phát huy và có những hạn chế cần khắc phục, điều chỉnh. Địa phương nào làm tốt công tác tổ chức quản lý lễ hội sẽ được khen thưởng”.
Ông Trần Đăng Khoa - tổng biên tập báo Văn Hóa - kỳ vọng các cơ quan báo chí tham gia cùng Bộ VH-TT&DL để việc chấm điểm lễ hội diễn ra hằng năm. Ông nói: “Thanh tra Bộ VH-TT&DL không thể nào đi hết 8.000 lễ hội trải khắp 63 tỉnh thành trên cả nước được. Chúng tôi mạnh dạn đề nghị các cơ quan báo chí tham gia cùng Bộ VH-TT&DL bởi chúng tôi nhận thấy phần lớn những bất cập trong công tác quản lý lễ hội là do báo chí phát hiện, đưa ra, thì lúc đấy cơ quan quản lý nhà nước mới biết để vào cuộc”.
Ban tổ chức cũng cho biết sau khi có kết quả chấm điểm lễ hội, ban tổ chức sẽ có văn bản gửi kết quả về các sở VH-TT&DL và UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tuy nhiên, tại buổi họp báo vẫn còn những ý kiến băn khoăn, hoài nghi về hiệu quả thực tế của việc chấm điểm lễ hội. Các cơ quan hữu quan vẫn chưa trả lời thỏa đáng những câu hỏi được đặt ra như: mục đích của việc chấm điểm lễ hội có nhằm để công tác tổ chức, quản lý lễ hội những năm sau được tốt hơn, hay chỉ mang tính thi đua theo hình thức, phong trào?
Những địa phương điểm cao sẽ được khen thưởng, còn những địa phương bị điểm thấp vẫn chưa có những biện pháp xử lý cụ thể, rõ ràng? Bảng chấm điểm lễ hội đề cập đến 21 nội dung đánh giá, nhưng đều rất chung chung, khó giải quyết được những vấn đề cụ thể nổi cộm của lễ hội trong thời gian qua như: tình trạng bạo lực lễ hội gia tăng, tranh cướp lộc dẫn đến xô xát, giẫm đạp lên nhau, đánh nhau...
Các nhà báo cũng góp ý không nên đưa vào danh sách chấm điểm tất cả 63 tỉnh, thành phố, với khoảng 8.000 lễ hội mỗi năm, mà chỉ nên chọn lọc một vài lễ hội thường được dư luận quan tâm, hoặc lễ hội thường xuyên tái diễn những vấn đề nổi cộm. Ban tổ chức cũng chỉ nên lựa chọn một vài tiêu chí tiêu biểu nhất để giải quyết triệt để từng vấn đề nổi cộm, thay vì lựa chọn nhiều nội dung chấm điểm nhưng lại chung chung.
Vì không giải đáp được những băn khoăn của các cơ quan báo chí nên kết thúc họp báo, ông Trần Đăng Khoa nói: “Nếu các phóng viên thấy việc chấm điểm lễ hội không thiết thực, không hiệu quả thì các bạn không tham gia chấm nữa, hoặc đề xuất nên bỏ việc chấm điểm lễ hội”.
Theo Tuổi trẻ
.