(BVPL) - Hiển hiện trước mắt chúng ta là tập ký chân dung “TẠ ĐÌNH ĐỀ những góc khuất cuộc đời” của TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC. Tập ký, cho tôi thêm lần khẳng định: Năng khiếu văn học của Dương Thanh Biểu đã phát lộ từ người lính, từ công việc của Ngành Kiểm sát nhiệt huyết với đời, với xã hội.

 


Với nghề văn - nghề báo, ai cũng biết ký chân dung là thể loại giao thoa đậm đà giữa văn học và báo chí. Thể loại mà nhân vật phải có thực, họ là thành viên của xã hội, người viết phải mô tả phản ảnh về con người đó, dựng thành hình tượng, thành bức tranh toàn diện, sống động về chính nhân vật đó chứ không phải là ai khác. Muốn thế, người viết phải kỳ công, phải đi, phải đến, nghe, nhìn, xem xét, nghiên cứu, tổng hợp, phân tích tư liệu thu thập được để mô tả, phản ánh. Hơn thế, càng không được lặp lại nguyên xi những gì mà người khác đã viết, đã nói về nhân vật, và càng không được liệt kê lịch sử nhân vật theo thời gian…Cho nên viết ký chân dung Tạ Đình Đề sẽ là cực kỳ khó. Vì rằng đã có cả trăm, thậm chí cả ngàn bài báo, bút ký, ghi chép về huyền thoại Tạ Đình Đề trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng từ báo in, báo nói, báo hình và báo mạng đều đặn suốt già nửa thế kỷ qua. Các thế hệ người đọc trong Nam, ngoài Bắc đều lưu dấu ấn về Tạ Đình Đề. Viết không mới, tư liệu không kỹ càng, không chính xác, đổ vỡ là cầm chắc…Ấy vậy mà Dương Thanh Biểu – một cây viết trẻ (đúng hơn là cây viết mới) lại làm nên một cách ngoạn mục.

Thành công của tập ký chính là những góc khuất của cuộc đời Tạ Đình Đề được trải trên 300 trang sách có ngọn, có ngành. Ở đó cho thấy tác giả Dương Thanh Biểu rất kỳ công khai thác tài liệu. Tôi và nhà văn Tạ Duy Anh đã có lần đi với Dương Thanh Biểu cùng Tạ Đình Tiến con trai thứ của ông Tạ Đình Đề tìm về nơi chôn nhau cắt rốn của nhân vật. Xếp trái cây vào đĩa, đặt lên mộ chí Cụ Đề ở nghĩa trang xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội) thắp nén hương thơm, chắp tay khấn lạy… đứng kề bên, tôi nhận ra tâm đức thành kính, bái phục tài cao trí đức từ cõi lòng sâu xa của Dương Thanh Biểu đối với Tạ Đình Đề mà ông sẽ viết. Ngày ấy, Dương Thanh Biểu tìm gặp người thân của Cụ Đề, chăm chú lắng nghe, hỏi han, quan sát, tỷ mẩn ghi chép… hệt như công việc của một nhà báo cẩn trọng, hệt như sự kỳ công, kỹ lương, tỷ mẩn của một Kiểm sát viên giàu lòng trách nhiệm khi tác nghiệp… Ngày ấy, Dương Thanh Biểu đã gieo vào lòng chúng tôi một niềm tin, rằng: Tác giả sẽ không chỉ dựa vào tài liệu vốn có của nghề Kiểm sát, của công việc, của chức vụ với những lần tác nghiệp nghề kiểm sát đã tiếp cận nhiều lần với ông Tạ Đình Đề, khi thì là người hiếu kỳ đi xem xử án ông Đề, khi là Kiểm sát viên điều tra, khi là chức vụ lãnh đạo (Phó Viện trưởng) xem xét quyết định, khi là người đồng cảm tãi rãi lòng dạ với ông Đề… mà tác giả còn rất kỳ công vào Nam, ra Bắc gặp gỡ nhiều đối tượng từ người trong cuộc, tới anh em, con cháu, bạn bè thân thích, tới hồ sơ, tài liệu, lai lịch, gia phả và cả hồ sơ những vụ án để tìm ra, để nói ra cho hết nhẽ góc khuất của cuộc đời thực, số phận thực, vinh quang và nghiệt ngã đến đắng lòng của cụ Tạ Đình Đề… Dương Thanh Biểu kỳ công khai thác tài liệu, cũng bởi cái tâm, cái đức với cuộc đời, với xã hội, như ông tự bạch: “Việc ông Đề bị oan ức cứ đeo bám tôi suốt mấy chục năm trời làm nghề Kiểm sát. Khi đã về hưu, tôi vẫn không quên được hình ảnh ông Đề. Tôi đã lục tung cả “kho lưu trữ” để đọc lại hồ sơ của hai vụ án mà ông Đề là bị can, bị cáo. Tôi đã tìm gặp những người làm công tác điều tra, truy tố và xét xử ông Đề ở vụ án trên; gặp gỡ những vị lão thành, những vị tướng một thời đã sát cánh cùng ông, xông pha trận mạc, chiến đấu chống quân thù; rồi gặp hỏi chuyện những con người một thời đã cùng ông Đề, vượt qua biết bao gian khổ để xây dựng Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt; gặp những người họ hàng thân thích của ông, những cầu thủ bóng đá của ông, những người cùng cảnh lao tù với ông…Và cả những ký ức, khi ông Đề còn sống, tôi đã nhiều lần được trò chuyện cùng ông”.

Lay động lòng biết bao khi tác giả kể lại tâm sự của Tạ Đình Đề lúc ngồi trong nhà giam: “Thời gian dài tôi mệt mỏi vì cách hỏi cung cứ lặp đi lặp lại mãi về những việc mà tôi cho rằng đã trả lời rõ ràng…Đi cung xong, tôi dành những suy tưởng của mình cho vợ con, cho đồng đội năm xưa và đồng nghiệp hiện giờ tại Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt. Nằm trong bốn bức tường kín mít, tôi càng nhớ vợ con, nhớ đồng đội, đồng nghiệp thân yêu của mình. Có lẽ, trong khi trống vắng, cô đơn, con người ta càng nhớ về quá khứ và người thân nhiều hơn thì phải. Nhiều lúc, tôi không buồn ăn uống, ngủ nghỉ mà dành trọn thời gian cho người thân. Cứ mỗi lần nhớ về người thân, tôi có cảm giác nỗi trống vắng được vơi đi, lòng tin tưởng vào sự tốt đẹp của con người được đầy thêm. Chính điều đó đã tiếp thêm năng lượng cho tôi trong những ngày căng thẳng ấy”. Góc khuất mà tác giả kỳ công khai thác và thể hiện thật ấn tượng. Ấy là duyên số “trời cho” từ hoạt động cách mạng của ông Tạ Đình Đề với bà Đặng Thị Thọ. Là tình chồng vợ nặng sâu khi ông vướng phải vòng lao lý oan nghiệt. Là tình cảm của ông với đồng chí, đồng đội. Niềm tin và sự thật luôn làm ông vững vàng ngay cả trong lao tù. Tôi nằm lòng với đoạn hội thoại của Dương Thanh Biểu với Tạ Đình Đề về Bản cáo trạng số 899/XH ngày 4/7/1975 truy tố ông về tội cố ý làm trái chính sách, tham ô, hối lộ… Tác giả hỏi: - Vậy ông nghĩ gì và đã chuẩn bị những tư liệu, chứng cứ như thế nào để bảo vệ quan điểm của mình? Ông Đề rít một hơi thuốc lào thật kêu, thật dài rồi cười hà hà, thong thả nói: - “Có chuẩn bị gì đâu. Sự việc diễn ra trong thực tế ra sao thì khai báo đúng thế. Chỉ có điều, tài liệu hồ sơ như vậy mà mỗi người lại đánh giá mỗi cách. Phức tạp quá!... Trong trại tạm giam, tôi đã khai báo với Cơ quan điều tra những việc làm của mình và anh em đồng nghiệp đúng như thực tế. Sự việc xảy ra như thế nào thì khai báo đúng như vậy, không thêm, không bớt. Tôi tin rằng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ sự thật để bác bỏ những tố cáo, bịa đặt vu oan giá họa của kẻ bất nhân. Sau mỗi lần bị hỏi cung, tôi lại được ngả lưng, miên man suy nghĩ một chặp rồi thiếp đi lúc nào không hay. Có lúc, tôi mơ thấy những oan khuất của mình đã được tháo gỡ và làm sáng tỏ”!. Cái hay khi thể hiện sự việc, sự vụ, tác giả rất chú trọng miêu tả tâm trạng nhân vật ở những góc khuất đời thường, đời thật của nhân vật nên được lưu giữ lâu bền với người đọc, khác hẳn với những huyền thoại mà họ từng biết tới ông trên báo chí. Cho nên, tuyệt nhiên tập ký không hề bị cái bóng của những huyền thoại (người ta đã viết về Tạ Đình Đề) phủ lấp, pha loãng; ngược lại sự thật, sự thật những góc khuất cuộc đời của Tạ Đình Đề do tác giả tìm kiếm và cả những tư liệu điều tra của ngành thực thi tư pháp được ông lưu giữ, đưa ra đã tạo nên thành công của tác phẩm để người đời biết sâu hơn, toàn diện hơn, nhớ lâu hơn về nhân vật Tạ Đình Đề có một không hai, thủy chung với cách mạng ngay cả khi bị oan trái phải vào vòng lao lý.
 

Nhà văn - nhà báo Nguyễn Uyển

.