Xung quanh chủ trương của UBND TPHCM giao Công an thành phố xây dựng “quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe môtô hai, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe điện)”, tiến tới cấm lưu hành xe cũ, nhiều chuyên gia cho rằng không khả thi, chưa hợp tình, hợp lý.

 

 
Theo đại biểu HĐND TPHCM Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong, khi đề xuất cần phải dựa trên kết quả nghiên cứu nào đó, chẳng hạn xe máy chạy bao nhiêu năm thì không còn đảm bảo chất lượng. Từ trước đến nay nhà nước vẫn buông lỏng vấn đề kiểm tra chất lượng của xe gắn máy.
Cần thấu tình, đạt lý
 
Lo lắng, hoang mang là tâm trạng của nhiều người dân nghèo. Nhiều người bộc bạch: Không ai không muốn mình có xe mới nhưng với người thu nhập thấp, có tiền đổi xe là một vấn đề nan giải bởi còn gánh nặng mưu sinh. Nếu phải cấm thì cần có các giải pháp hỗ trợ và lộ trình cụ thể.
 
Ông Nguyễn Văn Hải, lái xe ôm tại hẻm 476 Lê Văn Sỹ (quận 3) nói: Trước kia tui chạy xe ba gác bỏ hàng ở chợ Ông Tạ (quận Tân Bình). Từ khi thành phố cấm lưu hành xe 3-4 bánh thô sơ, được địa phương hỗ trợ 5 triệu đồng, hai vợ chồng tui gom góp, vay mượn họ hàng để mua chiếc xe máy cũ chạy xe ôm. Cuộc sống dần ổn định trở lại. Nếu thành phố tiếp tục cấm xe máy cũ thì gia đình tui biết trông cậy vào đâu.
 
Ông Đặng Văn Khoa trăn trở: Khi giao thông công cộng chưa phát triển, xe máy là con ngựa sắt tất yếu cần phải có trong cuộc sống thường nhật của người dân.
 
Cấm xe máy cũ là vấn đề xã hội quá lớn, quá nhạy cảm và phức tạp trong cuộc sống người dân và đất nước, phải tính toán, cân nhắc thật kỹ. Cấm vào lúc này là chưa hợp tình, hợp lý và chưa thuyết phục cả về mặt lý luận lẫn kỹ thuật.
 
“UBND TPHCM không nên đơn phương đưa ra và quyết việc này. Cần phải thăm dò dư luận, trưng cầu ý kiến người dân, lấy ý kiến của Ủy ban MTTQ và HĐND TPHCM, không nên đi tắt. Chủ trương này liên quan trực tiếp đến số phận của hàng triệu người dân mà chủ yếu là người nghèo, thu nhập thấp” – ông Khoa thẳng thắn.
 
Theo Tiền Phong Online
.