Tỉnh Thái Nguyên có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích, 57 di tích cấp quốc gia và 232 di tích cấp tỉnh; 550 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 khu, điểm du lịch đã được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận điểm du lịch và cơ bản các điểm này đều phát triển theo hướng sinh thái, cộng đồng, phát huy lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống.  

Xác định phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, Thái Nguyên đã xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 “Phấn đấu đưa du lịch Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc, sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả”.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phát triển du lịch.

Trên chặng đường phát triển của tỉnh Thái Nguyên, Du lịch đang từng bước thể hiện vai trò là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đem đến những trải nghiệm thú vị cho du khách.

Với gần 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế trên 20 nghìn lượt và tổng doanh thu từ du lịch đạt 2.114 tỉ đồng, tăng 18,75% so với cùng kỳ; năm 2023 được coi là bước phát triển nhảy vọt của du lịch Thái Nguyên.

Để đạt được kết quả đó, trong năm 2023, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Ban Chỉ đạo kịp thời được kiện toàn, bổ sung khi có sự thay đổi; Quy chế gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên được ban hành; công tác quản lý đảm bảo các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh được triển khai đến UBND các huyện, thành phố gắn với triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu xác định tại Đề án của tỉnh và Đề án các địa phương.

leftcenterrightdel
 Công bố quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận điểm du lịch cộng đồng Hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn, TP Sông Công.

535 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn toàn tỉnh được rà soát, kiểm tra chuyên đề việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động, kinh doanh. 5 điểm du lịch cộng đồng, sinh thái tại TP Thái Nguyên và các huyện Võ Nhai, Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương được hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, khai thác các tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh thắng: Di tích Lý Nam Đế (TP Phổ Yên); Cụm di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối, Chùa Khánh Long (huyện Phú Bình); Khu di tích Quốc gia Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái (TP Thái Nguyên); Di tích Quốc gia Đền Đuổm (huyện Phú Lương); Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Thiền viện trúc lâm Tây Trúc; Di tích núi Văn núi Võ; Di tích lịch sử 27/7 (huyện Đại Từ)...

Tại các địa phương trong tỉnh đã và đang thu hút đầu tư triển khai các dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Võ Nhai tiếp tục tổ chức khảo sát chuyên sâu phục vụ phát triển du lịch khám phá hang động mạo hiểm tại hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà.

Nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch, năm 2023, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức trên 20 lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm; truyền thông về du lịch; nghiệp vụ lễ tân, buồng cơ sở lưu trú; kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng; nâng cao năng lực quản lý, phát triển du lịch làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các nền tảng mạng xã hội...

leftcenterrightdel
 Du khách khám phá sườn đông Tam Đảo.

Công tác tác chuyển đổi số trong phát triển du lịch tiếp tục được quan tâm, áp dụng  triển khai thực hiện. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, tuyên truyền điểm đến du lịch, bản sắc văn hóa truyền thống trên các kênh báo chí truyền thông VTV, VOV, VTC và các cơ quan báo chí chuyên ngành, các tỉnh, thành trong cả nước.

Thái Nguyên đã thực hiện số hóa 6 điểm di tích, du lịch gồm: Khu di tích Quốc gia Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ; Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải; Điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè và Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân.

Đặc biệt, với phương châm ”liên kết, hợp tác phát triển du lịch” Thái Nguyên đã triển khai có hiệu quả các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch, các chương trình kích cầu du lịch. Phối hợp tổ chức các Đoàn Famtrip theo chủ đề giới thiệu các điểm đến và các dòng sản phẩm du lịch của tỉnh Thái Nguyên, dần từng bước khẳng định các điểm đến hấp dẫn và các dòng sản phẩm du lịch độc đáo với du khách trong và ngoài tỉnh và du khách quốc tế.

Hướng tới năm 2024, ngành Du lịch Thái Nguyên phấn đấu từng bước thể hiện vai trò là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đem đến những trải nghiệm thú vị cho du khách.

Trọng Tài