“Em!

Cho đến giờ phút này, ngồi trong buồng giam, anh không cảm thấy ân hận. Họ có thể xử anh hàng chục năm tù, anh vẫn vui. Anh - một tên cướp sẽ bị mọi người chê bai, khinh bỉ, nhưng với em, chắc chắn anh không bị đối xử như vậy. Anh đã làm tròn bổn phận của một thằng đàn ông, biết yêu và biết hy sinh vì tình yêu. Em có biết không, anh đang ngồi đây – trong bốn bức tường lạnh lẽo. Nghĩ đến em dịu dàng như tranh lụa, anh thấy mình hạnh phúc, tràn đầy hạnh phúc. Dăm, mười năm tù, một giấc ngủ ngày thôi. Anh sẽ về với em, sẽ vì em tất cả - một tên cướp đáng yêu... Hôn em! Hôn em thật nhiều. À, cái hôn hôm nay có nhiều râu lắm đấy. Đã hai tháng nay, anh chưa cạo râu mà. Cái hôn ngọt như canh có mỳ chính đấy. Đùa tý, đừng giận anh nhé. Em chả vẫn nói: “Hôn không có râu chẳng khác nào ăn canh không có mỳ chính” đấy thôi. He…he.
                         Anh của em
                       Lại Văn Học”


Kiểm sát viên Nguyễn Hoà bật cười khi đọc bức thư của tên cướp, do người quản giáo trực phòng khách của trại giam đưa cho. Bức thư thu được trong gấu áo của một phạm nhân ra trại. Người này khai: Anh Học nhờ chuyển.


- Thư hắn viết hay đáo để. Mà người yêu của hắn là ai vậy? Anh kiểm sát điều tra vụ án này, chắc là biết - người quản giáo hỏi.
- Có trời mới biết được – Nguyễn Hoà trả lời - Từ xưa đến nay, khi điều tra một tên tội phạm, có ai ghi vào hồ sơ là người yêu của hắn tên là gì nếu không có liên quan hoặc đồng phạm. Nhưng trong trường hợp này, mình cảm thấy có vấn đề gì đó liên quan đến vụ án đấy! Ông đã nhìn thấy người yêu của hắn đến đây tiếp tế chưa?
- Có. Một cô gái rất trẻ, khá xinh, da trắng, tóc “phi dê”. Chỉ thỉnh thoảng đến, nhìn trước nhìn sau, gửi lại gói quà rồi đi ngay. Tên cô ta là Hương Lan hay Hương Quế gì đó.
- Nhà ở đâu?
- Ấy là tôi đọc cái tên người gửi đề ở túi quà tiếp tế. Chả biết có phải của người đưa quà hay của ai đó thân thiết gửi vào.


  Nguyễn Hoà ngồi thừ. Anh với ấm tích nước chè xanh rót đầy cốc, rồi uống liền một hơi. Anh mở cặp, lục xem lại từng trang hồ sơ vụ án.Tất cả chứng cứ của vụ án đã đầy đủ để kết tội bị can. Anh vừa phúc cung tên cướp trước khi ký Quyết định truy tố hắn, nhưng chưa phát hiện có điều gì đáng phân tâm trong quá trình điều tra. Hắn nhận tội từ đầu, lời khai trong các bản cung trước sau như một. Chỉ từ khi ra tới đây, đọc bức thư tình gửi  người yêu của hắn, anh cảm thấy chưa yên tâm. Thời hạn điều tra sắp hết, chép miệng cho qua cũng chẳng có vấn đề gì. Cách đây ít phút, tên cướp còn khẩn cầu anh sớm cho hắn ra tòa để hắn lãnh án còn yên tâm cải tạo. Có lẽ nào hắn bị oan? “Anh đã làm tròn bổn phận của một thằng đàn ông, biết yêu và biết hy sinh vì tình yêu…”, như vậy, động cơ, mục đích phạm tội của tên cướp không phải như hắn khai là cần tiền giúp gia đình mà là “hy sinh vì tình yêu…” Có điều gì đó uẩn khúc trong sự việc này? Người yêu hắn chắc chắn có liên quan đến vụ án mà chưa được xác minh rõ. Bị cáo là người có học, với tư duy và tâm hồn họa sĩ thì đọc được bản chất sự việc không phải chuyện dễ… Nguyễn Hoà gấp hồ sơ cho vào cặp. Anh đạp xe về cơ quan và không ký Quyết định truy tố tên cướp Lại Văn Học để chuyển sang Toà, cho dù ai đó nhắc nhở, thúc giục. Ngày ngày, anh chầu chực ở phòng tiếp khách cổng  trại giam để nhìn tận mắt chủ nhân của bức thư. Do tò mò hay do một động cơ nào khác, đã có nhiều “dấu hỏi” lơ lửng trong đầu Nguyễn Hòa...   

                                                                                                        
Hôm nay là thứ ba – ngày quy định cho thân nhân vào trại thăm nuôi. Nguyễn Hoà cọc cạch đạp xe đạp đến trại giam rất sớm. Anh trao lại “bức thư tình” kia cho người quản giáo và dặn: “Cứ đưa cho cô gái ấy, xong nhớ kiểm tra túi quà thật kỹ xem có thư vượt lao vào không”. Uống vội cốc nước chè xanh chưa ngấm của người quản giáo rót mời, anh vọt lên chòi gác ngồi với chiến sỹ bảo vệ để dễ quan sát người ra vào trại.   


Khách vào thăm nuôi phạm nhân hầu hết là bố, mẹ hoặc vợ dắt con đến thăm chồng. Trông họ mệt mỏi, tiều tụy, tay xách nách mang. Mãi không thấy cô gái trẻ tóc “phi dê”, da trắng, môi đỏ, Nguyễn Hoà sốt ruột. Gần trưa, khi người ra vào đã vắng, từ xa một chiếc “Dream 100” lao vút vào cổng trại. Ngồi trên xe là một cô gái đội mũ trắng kiểu tai bèo sụp xuống, kính râm to che gần kín mặt. Đoán là người tình của tên cướp, Nguyễn Hoà vội lao xuống. Nhưng chưa tụt hết thang chòi canh thì chiếc “Dream” đã rồ máy, lao vút ra đường, phía sau mái tóc kiểu “Ô van” bay xoà nhoè trong bụi đỏ. Hoà chỉ kịp nhớ biển số sau xe... A.436. Vừa vào phòng tiếp dân của trại, người quản giáo đã nói ngay:


- Trời! Anh chậm quá, cô ấy đã đi rồi. Đây, túi quà của cô ấy gửi can phạm. Vẫn cái tên người gửi Hương Lan, người nhận Lại Văn Học.
- Có thư từ gì gửi vào không? Hoà hỏi.
- Có - người quản giáo nói – Nhưng không phải thư tình đáp lại.
Nguyễn Hoà cầm bức thư không phong bì lên đọc: “Cả nhà trách mắng anh. Ai cũng bảo đối với anh chỉ vì quá nuông chiều, quý yêu. Nhắc anh cố gắng cải tạo để được về sớm nhất. Không sẽ hỏng một đời. Không ai ngờ anh lại đi cướp của. Khổ gia đình, khổ cả anh em”. Đọc xong thư, Nguyễn Hoà lấy bút chép lại, rồi xoay ngang, xoay dọc, gạch xoá nhằng nhịt lên trang giấy. Lát sau, bỗng anh cười vang:
- Đây rồi! Ông bạn ơi, lại đây...
Người quản giáo chưa hiểu mô tê gì, vội ghé sát Nguyễn Hoà, chăm chú nhìn vào trang giấy gạch xoá gần hết.
- Đây nhé! Một lối thư tình theo kiểu mật mã cổ lỗ. Ông thấy chưa... Nếu tôi lấy những chữ cuối của các câu văn trong bức thư này ghép lại thì sẽ thành câu: “Anh yêu nhất đời của em”, đúng không nào?
Người quản giáo ngạc nhiên trước sự tò mò một cách thông minh của anh kiểm sát viên trẻ.
- Thế là có vấn đề đấy. Chào ông! Tôi đi đây.


Nguyễn Hoà đẩy chiếc xe đạp cọc cạch, cũ rích ra cổng trại giam. Thoắt cái, anh đã biến mất.


Theo biển số xe, lục tìm trong cuốn sổ dày cộp của Cảnh sát giao thông, Nguyễn Hoà đã tìm được tên của chủ xe, nơi thường trú. Và một điều làm anh không thể ngờ là: Chủ chiếc “Dream” có biển số ... A.436 kia không phải ai khác lại chính là Nguyễn Khắc Hào - nạn nhân trong vụ cướp mà Lại Văn Học là thủ phạm.


Linh tính nghề nghiệp cho Nguyễn Hoà biết vụ án không đơn giản. Phía sau hành động cướp của, hành hung gây thương tích của can phạm là một một câu chuyện, là một đường dây có thể đưa vụ án sang một hướng hoàn toàn khác. Anh quyết định bỏ ra mấy ngày để tìm hiểu, xác minh thêm về nạn nhân...


 Nguyễn Hòa đã biết rõ hơn về Nguyễn Khắc Hào, người đang giữ chức Giám đốc của một công ty dịch vụ và lương thực. Do tài ngoại giao, tài làm kinh tế của Hào, công ty mấy năm gần đây phất lên như diều gặp gió. Riêng Hào, tiền ném ra tiêu như chủ nhà băng, rượu ngoại uống thay nước. Không quán đặc sản hay “mát xa” nào của thành phố mà Hào không đặt chân đến. Về năng lực làm việc của Hào, nhất là trong thời kỳ kinh tế thị trường này thì khỏi phải bàn. Anh ta được một vài đồng chí lãnh đạo cấp trên xếp vào loại năng động, sáng tạo. Nay Sài Gòn, mai Cà Mau, thoắt cái đã có mặt ở Hà Nội, rồi Thái Bình. “Tình hình giá gạo ở thị trường ổn định cũng có phần đóng góp nhỏ bé của tôi”, anh ta thường khiêm tốn nói vậy trước những tràng vỗ tay, những ánh mắt nể phục. Một ông chủ đại lý gạo chuyên cung cấp cho Công ty dịch vụ lương thực của Hào đã không giấu nổi ý muốn câu ông Giám đốc giàu có, tài ba cho dàn con gái rượu của mình. Đáp lại, Hào thường xuyên lui tới nhà ông, lúc thì mang dăm ký mực khô Ninh Thuận, khi khác lại mang vài két bia Ken để ông uống chơi. Khi có bạn hàng mời đi ăn đặc sản, Hào đều xin phép mời cô út của ông đi cùng cho vui. Một chuyến du lịch Đà Lạt đối tác mời, Hào cho xe đến đón cả nhà. Từ ngày quen biết với Hào, gia đình ông chủ đại lý gạo đã thay đổi hẳn, đi đâu cũng xe đưa, xe đón, nhà lúc nào cũng như ngày hội. Việc Hào để mắt đến, rồi xin cưới cô con gái út đang học lớp cô nuôi dạy trẻ như một việc hiển nhiên phải đến. Hào vung tiền ra mua một căn nhà ba tầng mặt đường ngay trung tâm thành phố để cưới vợ. Thấy chưa ưng ý, Hào thuê thợ đập đi và xây lại hoàn toàn theo kiểu kiến trúc cổ, na ná giống kiến trúc của toà nhà Đại sứ quán của một nước bạn ở Thủ đô Hà Nội. Xây xong, Hào nhờ bạn bè đi tìm một hoạ sĩ có khả năng phiên bản bức họa nổi tiếng thế giới: “Lê-ô–na-đờ-Vin–xi lên bức tường phòng khách. Tìm mãi, Hào cũng chọn được một hoạ sĩ theo ý muốn. Người đó chính là Lại Văn Học. Anh ta gầy gò, vai xo, mặt tái xanh, tay chân dài nhẵng. Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật, không xin được việc làm, Học quay ra nghề vẽ truyền thần. Hàng ngày, anh ta đạp xe đến nhà Hào, vẽ và được trả công rất hậu hĩnh. Nhưng ít có lúc nào ông chủ để ý ngắm nhìn bức tranh mà hoạ sĩ đang phiên bản.     

                                                                      
Việc trang trí nội thất phòng khách quá chậm mà “lấy vợ thì phải cưới liền tay” người đời đã dạy vậy. Gần 50 tuổi đầu, đã qua hai đời vợ, Hào thừa hiểu điều đó nên quyết định cưới sớm hơn dự định. Đám cưới của Hào, chú rể đội khăn xếp, mặc áo the, còn vị hôn thê thì trưng diện kiểu cô Tấm đi hội. Chao ôi, khách dự cưới sao mà sang trọng, oai phong đến thế. Xế hộp nối đuôi dài hàng cây số.


Sau ngày cưới, người hoạ sĩ lại tiếp tục đến nhà Hào hoàn thành nốt hai phần ba công việc.


Vào một đêm mùa Đông, đang nổi trận lôi đình vì cô vợ trẻ xử sự thô lỗ với một vị khách quý tới bàn chuyện kinh tế, Hào bị một tên cướp xô vào đánh  hút chết, cướp một số vàng. Nhưng Hào đã chống trả, hô hoán và nhân dân vây bắt được tên cướp tại chỗ.  

                                                                                            
Hồ sơ về nạn nhân chỉ chừng ở đó. Điều khó hiểu là chiếc xe Dream mang biển số ...A.436 đích xác là của Hào. Vậy người đi chiếc xe đó đến thăm hoạ sĩ tại trại giam là ai? Cô ta mượn xe của Hào hay chiếc xe đó Hào đã nhượng bán mà người mua chưa kịp thay đăng ký và biển số?          

                    
Hai ngày sau, Kiểm sát viên Nguyễn Hoà lại cọc cạch đạp xe đến trại, anh yêu cầu người giám thị trại giam, người quản giáo gọi bị can Lại Văn Học ra.  Xin lỗi bị can xong, anh mỉm cười và trao cho Học “Quyết định trả tự do” trước sự ngỡ ngàng của Ban giám thị trại và chính bản thân tên cướp. Sự việc cứ như là chuyện đùa vậy. Tên cướp bị bắt quả tang, sắp đưa ra toà xét xử lại được tha, kiểm sát viên nhận lỗi... Ban giám thị trại giam ngơ ngác. Chỉ người ký lệnh tha và người được tha biết rõ sự việc.


- Sự thật của vụ án đã được chứng minh. Anh không phải khai báo gì thêm... Bây giờ, anh hãy kể lại sự việc như kể một chuyện đời thường cho các bạn đồng nghiệp tôi nghe – Nguyễn Hoà nói.
Người được tha tù đưa mắt dò xét ý chừng muốn xem các ông pháp luật có thủ đoạn gì đây. Đoán biết được sự bán tín, bán nghi của chàng hoạ sĩ, Nguyễn Hoà rút trong cặp tài liệu đưa cho anh ta bức thư tình mà Hoà đã thu giữ được. Anh thanh niên chộp vội lấy bức thư, ngước nhìn Hoà như dò xét. Bắt gặp cái nhìn chân thật của Hoà, anh ta cúi xuống, chậm rãi:
-  Các anh đã biết, vậy… tôi xin kể: Tôi là người vẽ thuê cho anh Hào, vẽ cái bức “La – giô – công” ấy. Còn hắn, dưới con mắt của mọi người, ngay cả tôi nữa, lúc đầu tôi cũng lầm tưởng hắn là một người tài năng - một nhà kinh tế giỏi. Tôi không phải là người tò mò, nhưng hai tháng làm thuê trong nhà hắn, những câu chuyện làm ăn của hắn với các “nhà kinh tế” khác cứ lọt vào tai tôi. Ôi, thật kinh khủng, một mảng mầu xám xịt vấy bẩn lên bức tranh hoành tráng… Còn Hương Lan, người vẫn giấu chồng vào nhà giam tiếp tế cho tôi ư? Chuyện hơi dài - Học trầm tư suy nghĩ, giọng nghẹn lại, lạc đi.
- Anh cho tôi xin điếu thuốc. Hai tháng nay tôi không cầm đến điếu thuốc. Đã định bỏ hẳn nhưng bây giờ thì…


Châm điếu thuốc hít một hơi thật sâu vào tận đáy phổi, môi Học hơi bệch ra, dấu hiệu của cơn say sau nhiều ngày không được hút. Giọng Học nghèn nghẹt khói:


- Tôi không rõ Hương Lan đã được tôi cứu thoát, hay chính nàng đã cứu tôi khỏi lối sống bàng quan đã thấm vào xương tủy từ ngày tôi cầm bút vẽ truyền thần. Thế giới hội họa là thế giới câm lặng, khước từ mọi hỗn tạp, chỉ có cuộc đối thoại duy nhất, suốt đời người họa sĩ, đó là đối thoại với mảng màu. Tôi cũng vậy, tôi chỉ vẽ, ít khi để ý tới những chuyện diễn ra xung quanh mình mà giới chúng tôi hay gộp chung vào là chuyện chính trị. Tôi đến vẽ thuê, việc của tôi là làm chủ nhân ưng ý để rồi có dăm ba triệu đồng. Với những ông chủ vừa giàu, vừa ngu dốt lại sĩ như hắn ta, tôi sẵn sàng làm tất cả mọi yêu cầu, kể cả cho nàng Li - sa có răng vàng. Mình có ký tên dưới bức vẽ đâu mà sợ mất sĩ. Vâng, Hào có những yêu cầu rất lạ, chẳng hạn như đề nghị cho áo La - giô - công màu tươi hơn một tí, đừng mờ ảo như vậy, rồi mắt nàng phải ướt át, phải đam mê hơn nữa... Kể cũng hơi ngượng, nhưng tôi đã vui vẻ làm theo.


Thế rồi, một buổi sáng, khi Hào đi vắng, Hương Lan lặng lẽ đến sau tôi. Biết nói thế nào với các ông nhỉ… Nàng quả là đẹp, đẹp thanh khiết và đượm buồn, buồn xa xăm, u tịch. Xin lỗi, tôi khó có từ nào diễn tả dễ hiểu hơn. Tuy hơi choáng váng nhưng đó là bà chủ, người sẽ trả tiền cho cái túi lép kẹp của tôi, nên tôi chỉ khẽ chào đáp lễ rồi lại cặm cụi vẽ. Nàng đứng chiêm ngưỡng, rồi bất ngờ cất tiếng:
- Anh Học ạ, Hương Lan hơi ngờ ngợ cái màu áo, cái đôi mắt kia đấy. Hình như em xem ở đâu đó, người ta nói rằng sự bí ẩn của La – giô – công chính là sự tương phản về sắc độ ánh sáng, chính là bí quyết của…


Thú thực, tôi đỏ bừng cả mặt mũi. Nàng đã chỉ đúng chỗ hèn kém của tôi- một thằng họa sĩ tốn cơm gạo ăn học mà lại vứt bỏ lòng tự trọng vì gạo cơm.  Tôi nhục nhã quẳng bút vẽ rồi lí nhí xin phép gia chủ, vớ lấy cái xe đạp cà tàng bỏ về.


Hương Lan ngỡ tôi giận nàng, ngay tối hôm ấy cùng chồng tới nhà xin lỗi tôi, mời tôi tiếp tục công việc. Và…từ sự kính nể dẫn tới thân thiện, chia sẻ, chúng tôi yêu nhau từ đấy, yêu say đắm, vụng trộm, yêu đến mê mụ. Anh chẳng lạ gì, Hào đi suốt ngày, thời gian đó là của hai đứa tôi, một họa sĩ nghèo và cô nữ sinh sớm có chồng giàu. Thỉnh thoảng sau những giây phút cuồng nhiệt, Hương Lan lại rũ buồn. Nàng gục trên ngực tôi như một thiên thần thánh thiện than thở về những ác độc của lũ quỷ Sa Tăng. Nàng kể lại những chuyện thô bỉ của chồng với nàng sau hàng nước mắt…Lúc đầu, tôi nghe loáng thoáng cho qua, nhưng sau, nhìn những giọt nước mắt long lanh tràn ra từ đôi mắt bồ câu chân thật của nàng, tôi muốn uống lấy tất cả.


Chuyện chỉ có vậy, nếu không có lần ấy, cái lần tôi đã dùng bó bút vẽ quất vào đầu thằng khốn nạn…
Họa sĩ với tay rút một điếu thuốc nữa, rồi nhìn đăm đăm vào đốm lửa. Từ phía anh, những chùm âm thanh khản đục lờ lững bay ra trong mịt mù khói thuốc:


- Tối ấy trời mưa, mưa to lắm, đang nằm ngủ lơ mơ ở nhà, tôi sực nhớ  khi ra về quên đóng cửa sổ, rất có thể nước mưa tạt vào sẽ làm ướt đống gói màu tôi để ở góc tường. Mà màu vẽ thì đắt kinh khủng, lại khó kiếm, nếu bị ướt thì lôi thôi, phức tạp với chủ. Không tiện đi xe, tôi trùm áo mưa, lững thững cuốc bộ. Rồi cũng chẳng cần bấm chuông cổng, tôi nhón chân nhảy qua hàng rào cây xanh vào nhà ông Hào như mọi lần. Con chó béc -giê to sụ của hắn đã quen tôi, lao ra mừng rối rít. Nó hy vọng mỗi lần tôi đến, đều có một gói quà, tất nhiên là quà cho loài chó nhưng rất hậu. Thế là tôi bước lên hành lang, định gọi cửa, nhưng linh tính cho tôi biết trong nhà đang có chuyện chẳng lành. Có tiếng người rít sau kẽ răng, có tiếng nức nở của Hương Lan, hình như cả tiếng nguyền rủa, nghe không rõ lắm. Tim tôi đập thình thịch. Như một thói quen bản năng, tôi túm mấy cây bút vẽ to bằng ngón tay cái, dài gần nửa mét. Men theo tường, tôi luồn vào cửa sau thông với nhà bếp, khe khẽ bước vào. Thật kinh khủng, Hương Lan của tôi, người yêu của tôi đang bị trói ngửa trên giường, trần truồng quằn quại, mồm bị nhét giẻ. Còn thằng Hào, cũng trần truồng như thế, vừa tu rượu vừa chửi tục tĩu, vừa tưới rượu lên người Hương Lan.


Mặt họa sĩ tái đi, ngón tay cầm điếu thuốc run bần bật:
- Thằng chồng làm những việc đê tiện nhất để làm nhục vợ theo cách trong những bộ phim “con heo” mà hắn đã học được. Không những thế, hắn vừa làm tình theo kiểu thú vật, vừa đấm đá, cào cấu vợ:
- Mày đã làm nhục ông, mày cắt đường làm ăn của ông. Ông đang mắc nợ người ta gần trăm tỷ đồng đấy-Thằng Hào lồng lộn - Người ta là Tổng giám đốc, mấy khi hạ cố qua đây. Mày tát người ta, mày nhổ nước bọt vào mặt người ta, mày la làng. Trời ơi, mày biết không, người ta có hàng chục, hàng trăm những bông hoa nhỏ bé còn xinh đẹp, ngon lành hơn mày. Cao giá thế cơ à? Thì cho mày biết mày cao giá đến mức nào. Nói cho mày biết, mày cũng chỉ là cái đệm thịt của ông thôi. Mày dám làm hại ông à, thì ông cho mày biết mày chả là cái thá gì…


Đứng sau khe cánh cửa, đầu óc tôi choáng váng như lên cơn sốt. Đi báo Công an ư, thế thì hèn quá. Hơn nữa, tôi sẽ trả lời ra sao về việc đang đêm lại lẻn vào nhà người khác. Nhảy vào can thiệp ư, tôi cũng thấy mình thật khó xử và vô lý. Dù sao, Hương Lan cũng đang là vợ của hắn. Tôi cứ lúng túng mãi, chưa biết xử trí bằng cách nào thì thằng Hào rút trong ngăn kéo tủ ra hai thứ: con dao găm và một túi nhỏ đựng đầy vàng. Hắn trút vàng ra một bên và đặt con dao một bên người Hương Lan, gằn giọng:
- Mày chọn đi, hoặc là chết, hoặc còn là vợ tao, được giàu sang sung sướng. Cả nhà mày sống mở mày, mở mặt nhờ tao, mày thừa biết đấy. Nếu muốn sống, đêm nay mày phải đến khách sạn xin lỗi ông ấy, rồi ở đấy đến sáng mai mới được về…


Thằng Hào rút giẻ khỏi miệng Hương Lan, nhưng nàng cứ như lịm đi. Điên tiết hắn cầm con dao sáng loáng gí vào cổ nàng, đầu gối hắn thúc vào bụng nàng, khiến Hương Lan sặc sụa. Đến đây thì không kìm được nữa, tôi túm bó bút lông, xô cửa xông vào, vụt tới tấp vào người hắn. Bị đòn bất ngờ, thằng Hào bật ngửa ra, nhưng nó rất khỏe kịp vùng day, vừa xông vào vật lộn với tôi vừa hô hoán. Đoạn sau thì các ông biết rồi…


- Anh chạy trốn và bị bắt trên đường chạy. Khi Công an ập đến nhà, ông Hào tay ôm đầu đầy máu, bàn ghế xô đổ, vàng rơi tung tán trên sàn nhà, trên giường. Một vụ cướp có sử dụng hung khí - Kiểm sát viên tiếp lời khi họa sĩ nghẹn lặng.
- Vâng, đúng như thế.
- Thế còn Hương Lan?
- Tôi không rõ lúc đó nàng có “chiến đấu’’ cùng tôi hay không, nhưng khi tôi bị dẫn trở lại nhà Khắc Hào, nàng đã mặc quần áo tươm tất, đang ngồi khóc.
- Hiện trường xem ra cũng hợp lý.
- Toàn cảnh một vụ cướp vàng? – Họa sĩ buồn bã thở dài.
Nguyễn Hòa khẽ mỉm cười. Anh muốn kéo dài thêm câu chuyện:
- Có điều khó hiểu là thái độ sau đó của Hương Lan đối với anh?
- Cuộc đời này đan chen bao mảng màu sáng, tối… Cô ấy là người bị hại cùng với Khắc Hào, ai cho cô ấy nói. Trong tù, tôi nghe tin Hương Lan đã đưa đơn ra toà xin ly dị, nhưng Khắc Hào chưa chịu ký, còn cho người rình mò theo dõi, dọa giết. Nàng vẫn vào tiếp tế cho tôi. Và tôi chắc trăm phần trăm là anh đã nói chuyện với cô ấy, nên biết rõ sự thật…
-  Cũng may là mấy chiếc bút lông của anh chỉ gây thương tích nhẹ cho ông Hào. Nếu ông ấy bị thương tích trên mười một phần trăm thì… Anh cũng sẽ tiếp tục ngồi bóc lịch. Anh không khai báo sự thật vụ việc, trước hết là vi phạm luật pháp, sau là… xét đúng nghĩa… anh có phần hèn nhát đấy!


Người họa sĩ cúi xuống lặng đi, nước mắt lăn dài trên má:


- Đúng! Tôi là một thằng hèn, hèn toàn cảnh. Anh tha lỗi cho tôi. Lúc  đầu, tôi có khai đích thực tôi không phải là kẻ cướp. Tôi không biết, không thèm tơ tưởng đồng xu, cắc vàng nào cả. Tôi đánh tên Hào là để bảo vệ một con người đang bị hành hạ. Nhưng người hỏi cung tôi không tin. Khi tôi nhận tội cướp thì anh ấy ghi lia lịa vào biên bản. Kể cũng lạ thật, khi người ta khai nhận mình là xấu xa, độc ác thì các anh tin, tin một cách tuyệt đối, còn khi nói sự thật thì chẳng ai chịu tin cả. Tôi còn bị chụp mũ là ngoan cố, không thành khẩn. Họ còn nói với tôi: “Đây là vụ án điểm”. Tôi hỏi lại: “Án điểm là thế nào?”. Họ bảo: “Là tội phạm nghiêm trọng, phục vụ kịp thời tình hình …”. Nói các anh tha lỗi cho, nếu coi tội cướp là nghiêm trọng cũng đúng thôi. Nhưng còn khối việc những tên phạm tội nghiêm trọng hơn đang đục khoét làm mục ruỗng đất nước, cướp ngày, cướp công khai tài sản của nhân dân, làm mất lòng tin của nhân dân, làm sạm đen bức tranh hoành tráng của dân tộc Việt như trường hợp tên Khắc Hào mà các anh đã biết, thì các anh để họ nhởn nhơ, thả sức khua môi, múa mép. Đôi khi họ còn được ngợi ca, khen thưởng… Nhưng dẫu sao, tôi cũng rất cảm ơn các anh vì các anh đã có công tìm ra sự thật. Cảm ơn! Cảm ơn…      

                                                   
Nguyễn Hòa ngồi thừ, lặng lẽ. Anh thực sự choáng váng trước lý lẽ xót xa, đau đớn như bị mũi khoan khoan vào thân thể, đanh thép như một bản cáo trạng mà anh họa sĩ trẻ vừa ụp lên đầu anh. Sự đúng đắn của luật pháp luôn mỉm cười với những con người chân chính, luôn là chiếc roi trút những trừng phạt với những người dù vô tình hay cố ý làm sai. Trong việc này, anh đã có lỗi lớn về trách nhiệm của người giữ quyền công tố nhà nước. Đúng vậy! Anh bất giác nhận ra: chính anh đang là bị cáo.

 

Phạm Huỳnh Công

.