Với diện tích 386.600 m² nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật quý báu, đặc biệt trong đó có 4 bảo vật quốc gia, bao gồm: Các máy bay chiến đấu huyền thoại MiG-21, xe tăng T-54B, cùng với bản đồ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Khám phá lịch sử qua công nghệ hiện đại

Ngay khi bước chân vào cổng, du khách được chiêm ngưỡng tòa tháp Chiến thắng cao 45m với hình ngôi sao năm cánh được xếp chồng nhiều lớp, tượng trưng cho năm 1945, dân tộc Việt Nam giành được độc lập. Tiến sâu vào trong là không gian trưng bày trong nhà của Bảo tàng, được xây dựng theo tiến trình lịch sử kháng chiến dân tộc.

Điều khiến khách tham quan thích thú, đó chính là cơ hội được khám phá lịch sử một cách hoàn toàn mới mẻ và độc đáo. Được biết, các công nghệ được ứng dụng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đều là những công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực trình chiếu và trải nghiệm. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể tới công nghệ sa bàn 3D Mapping với khả năng tái hiện chân thực, rõ nét các trận đánh trong lịch sử, kết hợp với màn chiếu công suất lớn khiến khách tham quan cảm giác như được góp mặt tại kí ức năm xưa. Ngoài ra, du khách còn có thể sử dụng thiết bị màn hình để tra cứu thông tin, tư liệu hay, quét mã QR để tìm hiểu thêm về hiện vật, thậm chí được tương tác trải nghiệm bắn pháo trên sông Lô như trong trận chiến năm 1947, lái máy bay nhờ công nghệ mô phỏng buồng lái 3D, qua đó giúp cho quá trình tìm hiểu về lịch sử dân tộc thú vị hơn.

leftcenterrightdel
 Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một công trình văn hóa đặc biệt tiêu biểu, nơi bảo tồn và phát huy tinh hoa di sản văn hóa quân sự của dân tộc.

Thăm quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, em Ngô Đức Tùng (14 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Khi ở trường em cảm thấy học về chiến dịch Điện Biên Phủ rất hay và kịch tính nhưng khó để em có thể tưởng tượng ra thực tế. Nhưng khi tới Bảo tàng thì em cảm thấy rất vui và bất ngờ vì có các video hình ảnh công nghệ, nhất là sa bàn 3D mapping vì em có thể xem tận mắt trận đánh, nhân vật lịch sử trong chiến dịch này.”

Sợi dây kết nối các thế hệ

Không khó để bắt gặp hình ảnh các em nhỏ nối đuôi nhau cùng tham quan trong Bảo tàng, hay các bác cựu chiến binh hoài niệm về một dấu mốc trong cuộc đời. Qua những câu chuyện kể, những hiện vật trưng bày, khoảng cách giữa các thế hệ như được rút ngắn. Các em nhỏ học được tinh thần yêu nước, sự hy sinh cao cả của cha ông, còn các thế hệ đi trước tìm thấy niềm vui khi được nhìn lại một thời huy hoàng.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh công nghệ 3D Mapping được sử dụng tại Bảo tàng.

Trở lại Việt Nam sau một thời gian dài, bạn Bùi Thùy Dương (19 tuổi, du học sinh Úc) chia sẻ: “Trong kì nghỉ vừa rồi, mình may mắn có cơ hội ghé thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, và chuyến đi này để lại trong mình rất nhiều cảm xúc. Bảo tàng được thiết kế hiện đại, giúp mình hiểu về lịch sử dân tộc một cách sống động và dễ tiếp cận hơn, thay vì cảm giác khô khan như khi đọc sách. Từng hiện vật, từng câu chuyện tái hiện lại những hy sinh và ý chí kiên cường của cha ông, khiến mình vừa xúc động vừa tự hào về nguồn cội. Mình chắc chắn sẽ quay lại đây thêm nữa, lần này là cùng gia đình và bạn bè để cùng trải nghiệm và trân trọng lịch sử quý giá này.”

leftcenterrightdel
 Khách tham quan có thể tương tác với bảng điện tử để xem thêm các thông tin, hình ảnh và video lịch sử.

Còn với bạn Gia Huy (19 tuổi, TP Hà Nội), chuyến tham quan bảo tàng càng trở nên ý nghĩa hơn nhờ cơ hội được trò chuyện cùng các bác cựu chiến binh. Huy chia sẻ: “Sau cuộc trò chuyện với những cựu chiến binh cũng đến tham quan bảo tàng, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và trân trọng. Những người lính đã từng ra trận, đối mặt với biết bao khó khăn, gian khổ và hy sinh, nhưng họ không hề oán trách hay hối tiếc. Mỗi câu chuyện của họ đều mang đậm tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào về những gì đã làm được trong cuộc chiến giành lại hòa bình cho dân tộc. Đứng trước những di tích, những cổ vật từ thời chiến, những ký ức về chiến trường, về đồng đội và những khoảnh khắc quyết liệt ấy đã ùa về qua lời kể của các bác cựu chiến binh, giúp tôi nhận thức rõ hơn về giá trị của hòa bình và sự hy sinh vô giá của những người lính. Họ đã chiến đấu không chỉ cho tự do của đất nước mà còn vì tương lai của thế hệ chúng ta. Sau cuộc trò chuyện, tôi càng thêm hiểu rằng, mỗi bước đi trong cuộc sống hôm nay của chúng ta đều được xây dựng trên nền tảng của những hi sinh lớn lao từ các thế hệ đi trước..”

leftcenterrightdel
 Một góc trưng bày độc đáo của bảo tàng.

Có thể thấy, Bảo tàng Lịch sử Quân sự không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ vật lịch sử dân tộc mà còn là ngôi nhà chung của những trái tim yêu nước. Nơi đây như một cuốn sách sống, nhắc nhở mỗi người dân về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc và tự hào hơn về lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Với những hiện vật quý được trưng bày tại đây, cùng với thiết kế xây dựng hiện đại, độc đáo, Bảo tàng Lịch sử Quân sự chắc chắn sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” cho du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, tìm hiểu, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam kiên cường, đoàn kết và luôn yêu chuộng hòa bình.

 

Huyền Anh