Gần 3 năm qua, kể từ khi Phòng Khảo cổ học dưới nước (thuộc Viện Khảo cổ học) đi vào hoạt động cho đến nay việc khai quật khảo cổ học di sản biển vẫn phụ thuộc phần lớn vào các chuyên gia nước ngoài. Có lẽ vì thế mà mong muốn của giới chuyên gia về một bảo tàng Di sản biển Việt Nam- để hạn chế sự hư hại từng ngày của những hiện vật khảo cổ học biển đảo, vốn đang được bảo quản chưa tốt cũng vẫn còn là giấc mơ xa.
|
Hiện vật khảo cổ học Trường Sa (công bố tháng 6/2014). |
Thiếu kinh phí
TS Lê Thị Liên, cán bộ Viện nghiên cứu Khảo cổ học cho biết, ngoại trừ Phòng Khảo cổ học dưới nước hiện nay, Việt Nam chưa có những trung tâm nghiên cứu chuyên biệt, những phương tiện kỹ thuật chuyên dụng và chương trình đào tạo về khảo cổ học dưới nước nói chung và khảo cổ học biển đảo nói riêng.
Vậy thì hoạt động chính của đơn vị này ra sao? Bà Liên cho hay từ năm 2013 đến nay, công việc chính của Phòng Khảo cổ học dưới nước vẫn chủ yếu là triển khai các công tác xây dựng lực lượng, nâng cao nhận thức về lĩnh vực khảo cổ học dưới nước… thông qua các đợt tập huấn.
Tất nhiên, cũng nhờ tính chất chuyên môn hóa mà hướng tiếp cận của Phòng Khảo cố học dưới nước đã bao hàm rộng hơn. Không chỉ dừng lại nghiên cứu dưới nước mà còn về lịch sử hàng hải, lịch sự phát triển của các khu vực ven biển, ven sông.
Có thể kể đến một số địa điểm cơ bản như khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh) liên quan đến thương cảng, Bạch Đằng (Hải Phòng) liên quan đến các trận thủy chiến hay như ở Hội An, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Bà Liên cho hay, hiện Viện Khảo cổ học đang có những đề tài cấp Bộ nghiên cứu ở dọc miền Trung liên quan đến các cảng biển cổ. Trong tương lai Viện sẽ tiếp tục mở rộng các khu vực nghiên cứu tiếp theo như ở miền Nam.
Khối lượng công việc cũng như những dự định thì lớn, nhưng theo TS Lê Thị Liên, từ ngày thành lập đến nay Phòng Khảo cổ học dưới nước chưa được trang bị bất kỳ một thiết bị gì. Không chỉ có vậy, Phòng cũng chưa được cấp bất kỳ một nguồn kinh phí thường niên nào cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu dưới nước.
Trong khi kinh phí là vô cùng cần thiết để khai quật tàu đắm, để gìn giữ và bảo quản di vật… nếu không những cổ vật dưới lòng biển sẽ bị “chảy máu” ra nước ngoài. Đây sẽ là những mất mát lớn đối với khoa học, cũng như làm thiếu những mảng nhất định trong lịch sử.
Vì thiếu kinh phí nên hoạt động của Phòng Khảo cổ bấy lâu gần như hoàn toàn phải dựa vào sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Họ vào làm việc tại Việt Nam bằng các nguồn từ chính cá nhân hoặc từ các quỹ hỗ trợ. Bản thân họ cũng đang phải cố gắng tiết kiệm để dành một phần cho công tác nghiên cứu việc khảo cổ dưới nước cho Việt Nam.
Hiện nay, Viện Khảo cổ học đang xin các nguồn hỗ trợ từ chính các địa phương với các cuộc khai quật, khảo sát nhỏ. Bà Liên chia sẻ thêm: Bản thân những hỗ trợ của Viện Khảo cổ cho các đề tài cấp Bộ cũng chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu, còn tài chính cũng như trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu dưới nước đang là thiếu thốn lớn nhất của chúng tôi.
Mơ về bảo tàng văn hóa biển
Không phải cho đến bây giờ, mà từ nhiều năm trở về trước việc đầu tư bảo tàng văn hóa biển luôn là khát khao của người dân. Ở những nơi mà chúng tôi đã có dịp đặt chân tới, như đảo Hòn Dáu (Đồ Sơn- Hải Phòng), cả khách du lịch và ngư dân quanh vùng đều mong muốn có một bảo tàng đèn biển.
Bởi với một phòng truyền thống nhỏ bé hiện có chưa đủ phản ánh về lịch sử về “thủ phủ” đèn biển của Việt Nam một thời. Hay ở vùng Bình Thuận- nơi có nhiều xác tàu đắm, cùng nhiều di vật biển đã được trục vớt thì nhu cầu về một bảo tàng biển ở địa phương cũng là những mong mỏi của cả cộng đồng.
|
Hiện vật khảo cổ tàu đắm Cù Lao Chàm. (ảnh tư liệu). |
Tương tự như vậy, ở đảo Cù Lao Chàm nếu chỉ trưng bày mẫu sinh vật biển trên hòn đảo này sẽ là chưa đầy đủ để giúp du khách hình dung về một di tích văn hoá lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng cổ Hội An- Quảng Nam. Mà lớn hơn thế đó phải là một bảo tàng văn hóa biển.
Ở tầm lớn hơn, nhu cầu về một Bảo tàng Di sản biển Việt Nam cũng đã được các chuyên gia đề cập, bởi di sản biển chính là những dấu mốc văn hóa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước.
Từ năm 2014, tại Hội nghị “Thông báo Khảo cổ học lần thứ 49” của Viện Khảo cổ học, các chuyên gia đã khẳng định: Cuộc khai quật khảo cổ học tại quần đảo Trường Sa (diễn ra vào cuối tháng 6/2014) đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Cụ thể, đoàn khảo cổ đã tiến hành khai quật tại các đảo: Trường Sa Lớn, Nam Yết, Phan Vinh và Sơn Ca. Tại đảo Trường Sa Lớn, đoàn đã tiến hành khảo sát toàn bộ bề mặt đảo và mở một hố thám sát có diện tích 1m2. Kết quả, hiện vật thu lượm khi khảo sát bề mặt đảo gồm một mảnh bát thời Trần, hai mảnh gốm men trắng vẽ lam thời Lê và nhiều mảnh sành thuộc thế kỷ XVIII-XIX.
Cùng với đó, hiện vật trong hố thám sát thu được gồm bốn mảnh gốm thô thời tiền sử… Những hiện vật khảo cổ của người Việt ở quần đảo Trường Sa thể hiện sự hiện diện sớm, liên tục của người Việt trên quần đảo này.
Nhưng TS Lê Thị Liên cho rằng: Chúng ta đang sở hữu những “hiện vật chết”. Đó là những hiện vật sau các cuộc khai quật khảo cổ dưới nước chỉ được giới nghiên cứu biết đến. Những câu chuyện quanh chúng, những thông điệp cha ông về biển, về đảo, đều không đến được với công chúng.
Đó chính là lý do khiến chúng ta cần đến một Bảo tàng Di sản biển. Còn theo TS. Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội TP Đà Nẵng), việc lập Bảo tàng Di sản biển là cách để người Việt nhìn lại ký ức chinh phục biển của ông cha mình và hiểu bổn phận của mình ngày hôm nay.
Đồng quan điểm này, TS Phạm Quốc Quân cho rằng nên thành lập Viện Nghiên cứu Di sản biển. Cơ quan này là một phúc hợp, bao gồm các trung tâm nghiên cứu khác nhau mà trong đó, khảo cổ học dưới nước chỉ là một bộ phận. Theo ông, ngoài Phòng Khảo cổ học dưới nước, Viện Nghiên cứu Di sản biển còn có bảo tàng, các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về thuyền bè, thương mại đường thủy, các trung tâm bảo quản và lưu trữ tư liệu...
TS Lê Thị Liên cho biết, trong năm 2016, Viện Khảo cổ học dự tính sẽ thực hiện một cuộc khai quật ở khu vực Vân Đồn – tại một làng cổ nơi mà theo truyền thuyết Trần Khánh Dư luyện quân. Hiện nay, qua các đợt khảo sát đã phát hiện các tầng văn hóa thú vị có bộc lộ những di vật, đặc biệt là đồ gốm sứ thời Trần, đặc biệt là các khu vực bến bãi. Tiếp đó, Viện tiếp tục thực hiện các cuộc tập huấn, hội nghị bảo tồn văn hóa dưới nước ở Hội An. |
Theo Đại đoàn kết