Mỗi lần đến Hà Tĩnh, người dân Việt từ Bắc chí Nam không quên viếng mộ 10 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc. Lòng rưng rưng trước những câu thơ của Vương Trọng:
 

 

“Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi
 
Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
 
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
 
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
 
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
 
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi…”.
 
(Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc)


Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) được biết đến như một “túi bom”, “chảo lửa” trong chiến tranh chống Mỹ. Từ năm 1964 đến năm 1972, đây là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, nơi con đường vận tải chiến lược của quân ta đi qua. Địch đánh phá rất ác liệt nơi này, chỉ riêng từ tháng 4 đến tháng 10/1968, địch đã ném gần 50.000 quả bom các loại xuống Ngã ba Đồng Lộc. Để giữ vững mạch máu giao thông, với sự yểm trợ của các đơn vị pháo cao

xạ và công binh quân khu, hơn 1.000 thanh niên xung phong được điều đến tuyến đường huyết mạch này, từ cầu Cơn Bạng đến Khe Giao với nhiệm vụ phá bom, làm đường, thông tuyến. Biết bao xương máu của quân và dân ta đổ xuống Ngã ba Đồng Lộc, trong đó có sự hy sinh đã trở thành huyền thoại của 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Các chị ngã xuống trong lúc san lấp hố bom, sửa đường thông tuyến. Xương máu tuổi đôi mươi của các chị hòa lẫn vào đất mẹ yêu thương.

Viếng mộ 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, rất nhiều người đã không cầm được nước mắt. Tháng 7/1995, sau khi viếng mộ các chị, nhà thơ Vương Trọng có bài thơ Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc:
 

“…Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào
 
Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc
 
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
 
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
 
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
 
Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.
 
Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều
 
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
 
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
 
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được
 
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
 
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
 
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”.


Ba năm sau, bài thơ này được giới thiệu trong một tuyển tập thơ về Ngã ba Đồng Lộc, nhân kỷ niệm 30 năm ngày các chị hy sinh (24/7/1968). Khi đó, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - đại tá Nguyễn Tiến Tuẫn, Giám đốc Công an Hà Tĩnh - đọc được bài thơ này. Người đồng đội cũ của các chị rất xúc động và đã về Hương Sơn tìm 2 cây bồ kết mang đến trồng tại Nghĩa trang Đồng Lộc. Khi nghĩa trang được mở rộng, ông xin phép Ban Quản lý nghĩa trang và nhà thơ Vương Trọng cho khắc lên đá bài thơ trên và đặt dưới bóng cây bồ kết, gần nơi các chị yên giấc nghìn thu. Năm 2009, Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh cho khắc lại bài thơ Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc trên phiến đá có chiều cao 2,5m, rộng 1m. Mặt trước phiến đá là bản tiếng Việt bài thơ này, mặt sau là bản tiếng Anh do dịch giả Trần Đình Hoành dịch.

Đến di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc khi chiều dần buông, thắp hương lên mộ 10 cô gái anh dũng đã về với đất mẹ khi tuổi xuân phơi phới và tưởng nhớ hàng nghìn thanh niên xung phong đã ngã xuống trên các cung đường lửa đạn, chợt nghẹn lòng khi nghe tiếng chuông ngân. Từ tháp chuông Đồng Lộc cao vút, tiếng chuông loang ra trong chiều, chạm vào 10 ngôi mộ rưng rưng hương bồ kết, chạm vào những dòng chữ ghi tên bao người đã ngã xuống cho đất nước hồi sinh, chạm vào hố bom - dấu tích của chiến tranh để những người còn sống càng trân trọng hòa bình, tự do, độc lập. Tiếng chuông chạm vào hàng thông vi vút trên đồi, chạm vào trời xanh Can Lộc, thì thầm lời cầu nguyện cho những người con bất tử trong lòng dân.
 

Theo Báo Phú Yên