Hồi bố tôi còn trên chiến khu, hai mẹ con tôi tá túc ở nhà ông ngoại. Trước nhà ông ngoại tôi là một khu vườn rộng mênh mông. Tiếng là vườn nhà nhưng chẳng mấy khi dính hơi tay người chăm bón thành thử cây cối mọc um tùm, chủ yếu là chuối cùng xoan, nhãn.
Khu vườn như bị quên lãng, thi thoảng dăm bữa, nửa tháng, nghe tiếng chào mào loét choét mới hay trong vườn có buồng chuối chín cây. Kề liền trước mặt vườn là một cái ao có cái tên rất lạ: ao Binh. Mấy vị cao niên ở làng tôi bảo, cái ao đó do làng đào ra để dùng vào việc công của làng. Có người lại bảo, ao đó do quân Cờ đen đào ra để dành cho quân lính tắm táp như cầu Binh địa liền với ao Sen là nơi quân Cờ đen tập trận. Nếu tách ao Binh ra một mình thì ao Binh cũng là ao to nhất nhì trong làng. Góc ao phía vườn nhà tôi có cây vối lưu niên. Mẹ tôi bán chè mạn nên bác cả tôi, buổi sáng sau bữa sớm để kịp ra đồng thường uống trà “vì cái giống trà làm cho người ta tỉnh táo, hút điếu thuốc cũng đượm giọng hơn”. Thành thử, lá vối chỉ dành cho bác gái tôi thỉnh thoảng ra hái mang về phơi khô rồi cho dân làng. Quả vối ngọt lừ rút cuộc cũng chỉ dành cho đám chào mào và rụng xuống ao. Ba chị em tôi thích quả vối lắm nhưng cũng đành chịu vì vườn thì rậm rạp, ao Binh thì nghe hai bác và mẹ tôi bảo, dưới có nhiều con nam lắm mà đứa nào cứ ra nghịch bên bờ ao, hay cầu ao thì nam rút chân. Phía giáp đồng đối diện với vườn nhà tôi là một luỹ tre um tùm, dưới gốc tre có một cái hõm không rõ do chuột đào bới, hay nước ao ăn vào mà sâu hoắm. Mẹ tôi, bác gái thì bảo đó là hang của con nam. Cậu tôi tủm tỉm cười, nói nhỏ với tôi đấy là hang của một cặp vợ chồng chim cuốc. Tôi tin cậu tôi hơn vì vào những chiều hè khi ngày chỉ còn sót lại vài tia nắng yếu ớt thì vọng từ bên kia ao, tiếng cặp vợ chồng cuốc lại gióng giả vang lên không rõ để gọi hè, gọi con hay là báo hiệu đêm tối sắp đến. Thỉnh thoảng đi theo cậu ra phía bờ ao, tôi cũng nhìn thấy mấy con cuốc con đen sì lon ton chạy theo cuốc mẹ rồi lủi mất hút. Đúng là cuốc lủi. Thấy tôi trố mắt có vẻ thích thú, cậu tôi bảo “để hôm nào cậu bắt cho con”. Thế là vào một buổi chạng vạng chiều, cậu tôi lần sang bờ đối diện, rồi chui vào bụi tre. Nấp kín xong, cậu tôi bắt chước tiếng cuốc gọi con. Tiếng “luốc, cuốc cuốc” của cậu tôi dìu dặt vang trên mặt ao sao mà tha thiết, quyến rũ đến vậy. Buổi tối, khi mang đôi cuốc con về thả vào lồng cho tôi chơi, cậu bảo: “Nghe tiếng cậu, đám cuốc con lầm tiếng mẹ gọi từ đâu đến cứ nhảy lên vai cậu chờ mẹ. Mà này, lúc nào con chơi chán, để cậu mang trả vào tổ cho mẹ nó khỏi tội”…
Kề liền với ao Binh là ao Sen. Hai ao nối với nhau bằng một cái đập nhỏ đã lở đi nhiều nên hai ao gần như dính vào nhau. Ao Sen là cái ao to nhất làng tôi kế liền với dốc Thuỵ chạy giữa luỹ tre rậm rì và cây sung cổ thụ để làm nên một góc làng hoang liêu, cổ tích khiến đám trẻ chúng tôi ngay cả giữa trưa hè cũng không dám một mình đi qua. Những người có tiếng bôn ba ở làng còn bảo ao Sen có lẽ cũng thuộc loại to nhất tổng, có khi nhất phủ Hoài Đức chứ không bỡn. Khi tôi về ở nhà ông ngoại thì ao Sen đã không còn cây, hay bông sen nào mà chỉ có những súng, bèo của mấy nhà quanh ao nuôi lợn. Vậy mà không hiểu sao ao này lại mang tên loài hoa đẹp và thanh khiết nhất các loài hoa xứ này. Tôi không rõ ao Sen có to nhất tổng, nhất phủ hay không nhưng trong mắt tôi khi đó, ao Sen mênh mông và bát ngát lắm. Đứng từ đầu ao nhìn vào, những hôm trời chớm thu, sương mờ giăng giăng mặt ao thì khó mà nhìn rõ người, trâu bò đi cuối ao. Còn vào hôm đẹp trời, nơi cuối ao giáp với mạn cầu Binh, thấy người chỉ nhỏ bằng đầu đũa lao xao. Còn bề rộng của ao Sen thì…: Hồi đó, cậu tôi đang vào độ tuổi đôi mươi, bắp tay, bắp chân cuồn cuộn, ngực nở từng tảng, từng giật giải Nhất trong Giải vật Hội Chèm đã cõng tôi trên vai bơi qua ao Sen. Cậu tôi đang sung sức là thế mà mẹ tôi làm xong hai con gà trong ngày giỗ ông ngoại, cậu mới bơi sang được bờ bên kia. Ao Binh ngoài mấy chiếc cầu ao ghép bằng tre, ván thì còn có một cầu ao bằng gạch cho dân làng giặt giũ và làm gà, vịt. Còn ao Sen thì hồi bé có lần tôi đếm, quanh ao có đến năm cái cầu ao bằng gạch do làng xây. Lũ trẻ chúng tôi vào vụ hè có dễ ngày nào chí ít cũng phải hai lần xuống ao ì ùm: Buổi trưa, đi bắt cua về tráng giỏ cua sạch bùn, tắm táp, buổi chiều, chúng tôi lại đá bóng bưởi trên bãi cỏ cạnh nhà cụ Đội Kèn (cụ đã từng lên chức đội trong đội thổi kèn của quân Pháp). Mỗi bận hứng lên, cụ lại mang chiếc kèn đồng có buộc giải lụa đỏ bạc màu thổi gióng lên mấy khúc la vầy (nhạc duyệt binh Pháp) mở đầu cho trận bóng bưởi của chúng tôi. Đá chán chê, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại, chúng tôi lao ngay xuống ao Sen. Mặt ao thì nóng như nước đun sôi vậy mà càng lặn sâu càng mát rượi… Bây giờ nhớ lại mới thấy lạ một điều, quanh ao làng tôi bờ lúc nào cũng sum suê bóng của những luỹ tre, rặng ổi, cây nhãn, cây vối lưu niên... khiến ao luôn mang vẻ âm u, thanh tịch khiến lũ trẻ chúng tôi càng tin về những con nam dưới ao rút chân là thế.
Làng tôi thuở ấy nhiều ao lắm. Ngoài ao Sen, ao Binh, rồi ao Đình, ao Chùa trong làng cứ vài nhà lại quần tụ quanh một chiếc ao. Các cụ bảo, ngày xưa mỗi bận làm nhà người ta vật thổ lấy đất làm nền, nung gạch, nung ngói. Hố đấu mưa xuống cho nước, trồng quanh bờ đấu búi tre, cây nhãn, cây ổi, cây roi, cây vối .. thế là thành cái ao, thả bèo lấy cái nuôi lợn. Ăn cơm xong ra cầu ao rửa bát. Chiều chiều con trai nhảy xuống ao hò hét bơi lặn, con gái đánh bóng quần cho phồng lên nổi lềnh bềnh trên mặt nước chọc ghẹo nhau chí choé. Mưa xuống, những con rãnh, lạch nhỏ trong làng chảy thông ao nọ sang ao kia, đám cá rô, cá diếc, cá trê động nước nổi lên cho đám con trai bắt. Giáp Tết sau đợt tát ao bắt cá, lại thả nước về ao để người mổ lợn, mổ gà, rửa lá dong, lá chuối, đãi gạo, đãi đỗ chuẩn bị một cái Tết sum vầy sau một năm vất vả... Và tôi yêu người con gái thon thả, má lúm đồng tiền một thời, nay đã là bà nội phục phịch của đám cháu nội đông đúc cũng bởi quả doi (roi) rơi xuống mặt ao lấm tấm bèo dâu nhà ông ngoại…
Vậy mà về làng bây giờ, lòng cứ thấy nao nao. Một nỗi buồn mênh mang, không định rõ. Cật vấn mãi trong độ sâu của tâm khảm, cứ nghĩ hay đó là sự trầm mặc của kẻ đã sống lâu trên mặt đất, dưới gầm trời chao chát này, ít nhiều nhận ra sự đời đa đoan. Cái chênh chao muôn mặt của lẽ sống. Nghĩ mãi, nghĩ mãi mới hay, nỗi buồn mênh mang ấy là bởi sự đổi thay của một ngôi làng mà tôi đã từng sống những năm tháng bì bõm với ao Sen, ao Binh, ao nhà cô láng giềng, ao nhà người vợ bèo tấm, tao khang. Chao ôi, làng tôi một thời nhiều ao thế. Nước ao làng tắm mát cả một tuổi thơ đâu chỉ riêng tôi với những mộng mơ, những bần thần những buổi chiều vàng quạch ráng, nàng ngồi xoay lưng về phía ta, bên cầu ao chênh vênh rửa bát, đãi đỗ, má lúm đồng tiền đỏ màu doi chớm chín... Con rô rạch theo lạch nước, những con nam lấp ló trong nỗi sợ ban chiều... Tất cả đã biến mất, đã vĩnh viễn bị chôn vùi dưới những nhà ống lênh khênh lợp mái tôn, những tường nhà đổ bê tông trơ lỳ, lạnh lẽo. Cậu tôi đã ngoại tám mươi, thều thào bảo: “Ngày xưa chỉ cần phạm một chút đất công, ao làng thì không biết có sống nổi ở làng không. Thời nay, cứ kẻ trơ tráo, kẻ có tiền là được lợi”. Cũng còn may, làng tôi có ông chủ tịch còn kém con trai thứ nhà tôi một tuổi có bằng cử nhân văn hoá từng đọc tiểu thuyết “Vết xoáy trước ngực làng” của tôi kể về làng Chèm cách đây non thế kỷ, chắc tiếc cái ao to nhất làng, nhất tổng nên xin huyện cho làng dự án khoanh ao. Chao ôi, ao Sen mênh mông, hoang dã một thời giờ bị lấn chiếm nay chỉ còn tí tẹo lại thêm tường hoa bao quanh nom như một bể cá cảnh của một gã trọc phú bỏ quên bên góc làng đang bê tông hoá. Cái ao đẹp như trong tranh Nguyễn Phan Chánh đằng bố vợ tôi cũng đã lấp lại để chia đất cho mấy cậu em vợ. Chiếc ao ngay trước luỹ tre đã từng lềnh bềnh những trang bản thảo của tôi khi tôi lao xe đạp xuống buổi dọn nhà nay đã lấp bằng để thành những dãy nhà xây của khu chợ kiên cố.
Trời! Thế là ao làng tôi đã mất rồi. Chớm mưa, người làng Chèm bì bõm lội trên đường làng ram ráp xi măng vì không còn nơi cho nước chảy xuống. Những đứa trẻ làng tôi sẽ chẳng bao giờ được thoả thích bơi lội trong nước ao mát lạnh những buổi chiều hè, không còn được bắt cá rạch từ ao lên ngày mưa. Người con gái không còn được làm duyên khi rửa chân, rửa bát, đãi đỗ bên cầu ao cho những chàng trai ngắm nhìn. Ao mất hết rồi và những con nam huyền bí mãi mãi không còn trong lời doạ ngọt ngào của người mẹ. Tiếc thay…
Tản văn của Nguyễn Hiếu