“Tôi cho rằng những bức ảnh do phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ghi lại những thời khắc của chiến dịch Điện Biên Phủ chính là những nhân chứng sống mãi với lịch sử cho mọi thế hệ.”
 

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại những chuyện lịch sử qua ảnh từ 60 năm trước. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại những chuyện lịch sử qua ảnh từ 60 năm trước. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)


Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đánh giá như vậy tại lễ khai mạc triển lãm “Điện Biên Phủ-60 năm Bản hùng ca,” diễn ra chiều nay (5/5), tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Những bức hình chụp bằng trái tim

Triển lãm do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức nhằm giới thiệu ý nghĩa lịch sử, tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sỹ, cán bộ dân công hoả tuyến và đồng bào các dân tộc đã hi sinh quên mình cho độc lập tự do của dân tộc bạo vệ tổ quốc.

Theo đó, 120 bức ảnh báo chí màu và đen trắng được chia làm hai phần. Phần một Chiến dịch Điện Biên Phủ, với 60 bức ảnh đen trắng chọn lọc từ hàng ngàn bức ảnh tư liệu của (TTXVN), ghi lại những khoảnh khắc tiêu biểu nhất của trận quyết chiến chiến lược trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Còn phần hai có tiêu đề Điện Biên hôm nay, gồm 60 bức ảnh của phóng viên TTXVN, phản ánh những thành tựu và sự đổi mới trên vùng đất Điện Biên - Chiến trường xưa trong 60 năm qua.

“Lòng dũng cảm, sự trung kiên với nghề, kỹ thuật tạo hình vững vàng cùng ý chí đi cùng chiến thắng của dân tộc đã giúp các phóng viên TTXVN khắc họa bằng ánh sáng và đường nét một Điện Biên Phủ hào hùng trong khói lửa với từng chi tiết sống động của mỗi mũi tiến công, mỗi thước hào lấn sâu, mỗi trận chiến giành giật từng góc hầm, khoảnh đất…” ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc TTXVN nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Đức Lợi, hình ảnh những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt người lính khi đọc thư nhà giữa hai trận đánh trong chiến hào còn nghi ngút khói, hình ảnh những chiến sĩ quân y của ta tận tình cứu chữa cho tù binh địch ngay giữa chiến trường… không chỉ được ghi lại bằng một trình độ nghề nghiệp điêu luyện mà còn bằng cả một trái tim nhạy cảm và giàu lòng nhân ái.

Đặc biệt, hình ảnh lá cờ quyết chiến quyết thắng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho các cánh quân tung bay trên sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, do phóng viên Triệu Đại của TTXVN ghi lại sẽ sống mãi cùng non sông, đất nước, sống mãi trong trái tim mỗi con người đất Việt.

 

1
Người dân Thủ đô không rời mắt trước những hình ảnh quý về chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)


Tác giả vô danh làm nên lịch sử...

“Trong số hàng ngàn bức ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ có không ít bức vô danh. Những tác phẩm ấy là của các nhà báo TTX chưa kịp ghi tên, của cả những người lính cầm máy vừa từ chiến trường trở về trao lại bản quyền cho TTX sau ngày hoà bình lập lại. Những bức ảnh ấy chỉ mang một cái tên giản dị: Ảnh TTXVN. Tên tuổi của các anh, những tác giả của các bức ảnh lịch sử ấy đã hòa chung vào cái tên Điện Biên Phủ, một cái tên đã vượt qua ranh giới của một địa phương, một quốc gia để đi vào lịch sử thế giới,” ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Đánh giá cao sáng kiến trưng bày các tác phẩm ảnh đầy ý nghĩa vô giá đó, mà ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xúc động nói: “Sáng kiến này rất có ý nghĩa đối với những người là sản phẩm của Điện Biên Phủ-những người sinh ra vào thời điểm đó và sau đó được dịp ôn lại lịch sử đất nước.

Chắc chắn trong số đó nhiều bức ảnh không trả lời được ai là tác giả vì họ đã hy sinh, đã trở thành những tài sản chung của dân tộc. Chúng tôi rất mong những phóng viên TTXVN nói chung và phóng viên ảnh nói riêng sẽ tiếp tục rèn luyện, nâng cao tay nghề và phát huy truyền thống là đơn vị truyền thông sớm nhất đất nước, ra đời sau 2/9/1945, có mặt khắp các mặt trận thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, để lại những bức ảnh cho đất nước, cho các thế hệ mai sau”./.
 

Theo Vietnam+

.