Các trường ĐH, CĐ có quyền lựa chọn phương án thi và xét tuyển khác nhau. Điều này sẽ kéo theo việc tự chủ toàn diện sẽ có nhiều điều khó đoán định.
 
Lời Tòa soạn:
 
Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội công bố vào đầu tháng 7/2014, thất nghiệp trong nhóm lao động có bằng Đại học (ĐH) trở lên là 162.400 người. Như vậy, trong qúy I/2014, lượng lao động có trình độ ĐH thất nghiệp đã tăng thêm hơn 90.000 người, so với con số 72.000 người đến cuối quý IV/2013.
 
Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng, trên thế giới không ít những nước, trong đó có Việt Nam đã và đang lãng phí nhân tài, nguồn lao động trẻ phục cho phát triển đất nước. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do việc đào tạo nhân lực ở các trường ĐH chưa đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập với quốc tế.
 
Từ những yêu cầu cấp thiết giải quyết việc làm, cơ cấu ngành nghề và giảm lãng phí nguồn nhân lực quốc gia, cuối tháng 10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017. Theo đó, các trường ĐH công lập sẽ được tự chủ một cách toàn diện về chỉ tiêu tuyển sinh, tài chính, quản lý và chịu trách nhiệm trước xã hội về nguồn nhân lực đào tạo ra. Việc thí điểm này như là một bước đột phá để các trường nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi cho Ngân sách Nhà nước.
 
Tuy nhiên, việc đổi mới, đột phá không phải lúc nào cũng thuận lợi và suôn sẻ. Những bất cập, khó khăn cũng như giải pháp để đổi mới hệ thống giáo dục ĐH khi các trường được và sẽ phải tự chủ một cách toàn diện sẽ được báo Điện tử VOV giới thiệu trong loạt bài viết với chủ đề: Tìm lời giải cho các trường ĐH, CĐ công lập tự chủ toàn diện.

 

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục Đại học (ĐH) công lập. Việc đổi mới này nhằm hướng tới tự chủ toàn diện cho các trường ĐH, CĐ trong cả nước trên tất cả các phương diện tự quyết định trong tuyển sinh, tài chính, học phí, quản lý…

 
Thực hiện Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, bước đầu tiên của quá trình tự chủ toàn diện trong các trường ĐH, trong năm 2014, Bộ GD-ĐT đã chính thức giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ.
 
Được tự chủ trong tuyển sinh là các trường ĐH, CĐ có quyền quyết định phương án thi tuyển, có quyền ra đề thi, tuyển chọn, mở ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu của địa phương và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, nguồn lực của trường mình…
 
ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực làm căn cứ xét tuyển sinh vào ĐH Quốc gia làm hai đợt trong năm, vào tháng 5 và cuối tháng 7
ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực làm căn cứ xét tuyển sinh vào ĐH Quốc gia làm hai đợt trong năm, vào tháng 5 và cuối tháng 7
 
Đối với các trường ĐH, CĐ công lập có uy tín, thương hiệu đã sẵn được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất thì khi được tự chủ tuyển sinh sẽ giúp cho họ phát triển hơn nếu được Chính phủ mở rộng cho tự chủ tài chính, tự quyết mức thu học phí. Nhờ đó mà các trường có thể nâng cao điều kiện giảng dạy, mở rộng ngành nghề, cơ sở đào tạo, thu hút giảng viên giỏi từ trong và ngoài nước về giảng dạy nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Khi chất lượng giảng dạy tăng lên thì những trường này có thể trở thành những trường có thương hiệu trong khu vực và thế giới. Và nhờ vậy, họ có thể thu hút học sinh, sinh viên từ nước ngoài đến học tập…
 
Còn đối với các trường ngoài công lập, nếu như vẫn tổ chức kỳ thi ĐH, CĐ như năm 2014 trở về trước, họ không tuyển được đủ sinh viên vì “vướng” vào quy định điểm sàn do Bộ GD-ĐT đưa ra. Theo ý kiến của nhiều trường, điểm sàn không hề khách quan, hầu hết thí sinh đều chọn trường công lập để học vì tâm lý “trọng công khinh tư” cũng như mức học phí rẻ hơn.
 
Ngoài ra, khi biết điểm thi ĐH, CĐ, nhiều học sinh có điểm cao nổi bật ở 1 môn nhưng 2 môn còn lại không đạt tiêu chuẩn do tiêu chí điểm sàn của Bộ cũng không được tuyển chọn vào học. Do đó, trường ĐH, CĐ ngoài công lập muốn lấy thí sinh này vào học cũng không được. Vì vậy, giao quyền tự chủ tuyển sinh và đặc biệt là được dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển được coi là giải pháp “gỡ khó” cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Như vậy là với việc cho phép các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ công lập cũng như ngoài công lập sẽ bình đẳng hơn trong việc tiếp cận với nguồn tuyển sinh “đầu vào”.
 
Trường “tốp” đầu hào hứng với tuyển sinh riêng
 
Để tạo cơ hội cho các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh, tháng 9/2014, Bộ GD-ĐT đã “chốt” phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 để các trường dựa trên kết quả của kỳ thi này thực hiện công tác xét tuyển. Còn nếu trường ĐH, CĐ nào không sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì phải xây dựng đề án tuyển sinh riêng của trường mình cũng như tổ chức thi thêm các hình thức khác nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.
 
Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT chốt phương án thi THPT quốc gia năm 2015 để các trường ĐH, CĐ lấy đó làm căn cứ thực hiện công tác tuyển sinh, nhiều trường tốp trên (có uy tín, chất lượng đào tạo) và trường có tính đặc thù về văn hóa, âm nhạc, thể thao… lại cho rằng, cần phải tổ chức một kỳ thi riêng hoặc phải tổ chức thêm các hình thức khác ngoài việc dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và học bạ của học sinh THPT.
 
Là một trường có thương hiệu, uy tín đào tạo lâu năm, từ nhiều năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội đã chuẩn bị một phương án tuyển sinh riêng với mục tiêu là chọn được thí sinh phù hợp nhất vào học các chương trình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Phương án tuyển sinh riêng của trường cũng là để đánh giá được năng lực của người học một cách toàn diện và chính xác nhất, làm căn cứ để chọn lựa thí sinh có chất lượng tốt nhất vào học các chương trình đào tạo của trường.

 

 PGS.TS Nguyễn Kim Sơn
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, để thực hiện phương thức tuyển sinh riêng, ĐH Quốc gia Hà Nội phải xây dựng được bộ đề nguồn rất phong phú, hoàn toàn đáp ứng được cho việc kiểm tra, đánh giá cho số đông người học.
Ngoài những trường “tốp” đầu như ĐH Quốc gia Hà Nội muốn tổ chức thi riêng thì những trường có tính chất đặc thù như: Âm nhạc, nghệ thuật, thể thao… cũng không thể dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để thực hiện tuyển sinh. Bởi vì đây là những trường đặc thù chọn lọc nguồn tuyển “đầu vào” chủ yếu dựa trên việc tìm kiếm thí sinh có năng khiếu đối với từng chuyên ngành cụ thể. Các trường này không thể lấy thí sinh học giỏi về các môn văn hóa nhưng lại không có chút yêu thích và năng khiếu gì về ca hát, đóng phim, hội họa, thể thao…
 
Thạc sĩ Mai Anh, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Âm nhạc Huế cho biết, năm 2015, nhà trường không lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để thực hiện công tác tuyển sinh mà sẽ kết hợp tổ chức thi tuyển các môn Năng khiếu và xét tuyển môn Ngữ văn. Trong đó, Học viện sẽ xét tuyển dựa vào điểm tổng kết môn Ngữ văn lớp 12 THPT, với yêu cầu thí sinh đạt từ 5,0 điểm trở lên (tính hệ số 1). Điểm thi môn Năng khiếu nhân hệ số 2.
 
Theo Thạc sĩ Mai Anh, việc Học viện phải tổ chức thêm đợt thi Năng khiếu, mà trong đó môn Năng khiếu được ưu tiên nhân hệ số 2 là nhằm chọn lọc những thí sinh có năng khiếu âm nhạc tốt nhất vào học ở trường.
 
Nhiều trường còn “dè dặt”…
 
Mặc dù được tự chủ tuyển sinh và Bộ GD-ĐT không hề hạn chế các trường tuyển sinh riêng nhưng đa số các trường ĐH, CĐ bày tỏ quan điểm hoàn toàn ủng hộ chủ trương tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả của kỳ thi này sẽ là căn cứ quan trọng để các trường thực hiện công tác tuyển sinh.
 
Sự quan ngại chưa muốn tuyển sinh riêng của phần lớn các trường ĐH, CĐ là có cơ sở vì khi tổ chức thi riêng, các trường phải tự lo đảm bảo kinh phí, nguồn lực cán bộ, giảng viên đủ năng lực, trình độ để ra đề thi đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, độ an toàn chọn lựa thí sinh. Để làm một bộ đề thi đảm bảo chất lượng, các trường phải có thời gian, lộ trình chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu tìm kiếm, đào tạo cán bộ ra đề cho từng môn học cũng như tích lũy bộ ngân hàng đề thi đạt chuẩn, đánh giá được số đông thí sinh. Mặt khác, khi thực hiện phương án thi riêng, một số trường ĐH, CĐ không có đủ số lượng giảng viên chuyên môn nên rất khó chấm thi cho từng môn học.

 

Tiến sĩ Trần Quang Huy
Tiến sĩ Trần Quang Huy
Tiến sĩ Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội cho biết, việc lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở để xét tuyển sẽ giảm đáng kể tốn kém, khó khăn trong khâu tổ chức thi, giảm áp lực cho thí sinh. Khi một trường nào đó tự tổ chức thi riêng, chắc chắn việc ra đề thi sẽ rất phức tạp, gặp rủi ro không ít và chi phí tăng lên rất nhiều. Vì thế, nếu kết quả của kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT, các địa phương thực hiện nghiêm túc thì sẽ rất tốt cho nhiều trường ĐH, CĐ lấy đó làm căn cứ thực hiện công tác tuyển sinh.
 
Mặc dù là một trường đầu ngành trong đào tạo đội ngũ luật sư cho cả nước nhưng năm 2015, ĐH Luật Hà Nội vẫn ưu tiên lựa chọn phương án lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để thực hiện công tác tuyển sinh. Bởi lẽ hiện nay, do một số khó khăn nên ĐH Luật Hà Nội không tự chấm thi mà thường phải mời giáo viên của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, ĐH Giao thông Vận tải… đến chấm. Vì vậy, nhà trường không muốn có nhiều đợt thi để tránh gây áp lực cho trường.
 
Ngoài những lo ngại về đội ngũ ra đề thi và chấm thi cũng như các yêu cầu cần thiết để đảm bảo có một đề thi chất lượng, nhiều trường ĐH, CĐ còn “dè dặt” với phương án tuyển sinh riêng vì họ lo ngại, theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh đăng ký vào trường tuyển sinh riêng thì sẽ không được sử dụng kết quả đó để xét tuyển sang trường ĐH, CĐ khác. Vì vậy, có thể sẽ ít thí sinh lựa chọn thi vào những trường tổ chức thi riêng (ngoại trừ những thí sinh có học lực Khá, Giỏi muốn được học vào những trường có uy tín, chất lượng cao). Nếu như ít thí sinh đăng ký thi thì cũng có nghĩa là trường ĐH, CĐ không đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh và điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn tuyển “đầu vào”.
 
Lo ngại về chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và từng dự trù phương án có thêm vòng thi phụ để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, nhưng đến thời điểm này, khi công bố phương án tuyển sinh năm 2015, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông chỉ căn cứ trên điểm của kỳ thi quốc gia.
 
Theo lý giải của PGS.TS Lê Hữu Lập, người phát ngôn Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, nếu có thêm một vòng thi phụ sẽ đặt trường trong nguy cơ rủi ro lớn, gây phức tạp cho cả thí sinh. Với tâm lý xét tuyển sẽ giảm áp lực thi cử, nên việc tổ chức phần thi phụ cũng khiến thí sinh không còn hào hứng đăng ký xét tuyển, trong khi hiện nay các em có rất nhiều sự lựa chọn đăng ký vào ĐH, CĐ. Nếu lượng thí sinh đăng ký vào trường giảm, trường sẽ khó khăn đảm bảo chỉ tiêu người học, ảnh hưởng đến chất lượng thí sinh “đầu vào”.
 
Ngoài việc được tự chủ về chỉ tiêu tuyển sinh, trong tương lai gần, các trường ĐH, CĐ công lập sẽ được và phải tự chủ một cách toàn diện. Như vậy, mức thu học phí sẽ quyết định rất lớn tới sự tồn tại và phát triển của từng trường. Vấn đề này sẽ được báo Điện tử VOV phân tích rõ hơn trong Bài 2: Tự chủ Đại học: Các trường khó quyết mức thu học phí mới./.
 
Theo VOV
 
.