Các cơ sở đào tạo không nên vì muốn có được số lượng giảng viên chất lượng cao hay đạt tiêu chí mở ngành nghề mà để xảy ra“chạy đua” lên GS, PGS.

Đầu Xuân Ất Mùi này, tin vui đến với ngành Giáo dục là Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước vừa công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) năm 2014 cho 644 nhà giáo (trong đó có 59 GS, 585 PGS). Số lượng này đã góp phần nâng tổng số nhà giáo được công nhận chức danh GS, PGS trên cả nước là 11.097 người.
 

 Vinh danh các Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2014.
Vinh danh các Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2014.


Ngành Giáo dục vui mừng vì nếu có nhiều nhà giáo được công nhận chức danh GS, PGS thì có nghĩa là sẽ giúp cho các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) có thêm đội ngũ giảng viên chất lượng cao phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, các trường ĐH, CĐ còn hy vọng, nếu có thêm GS, PGS sẽ góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ kế cận để họ mở rộng, phát triển ngành nghề đào tạo. Bởi theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường ĐH, CĐ nào muốn mở mã ngành đào tạo thì phải đảm bảo ít nhất có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ làm giảng viên cơ hữu (giảng viên giảng dạy ổn định, nằm trong biên chế của trường).

Trong năm 2014, Bộ GD-ĐT đã thông báo có 207 ngành trình độ ĐH của 71 cơ sở đào tạo phải dừng tuyển sinh do không đáp ứng điều kiện quy định về trình độ giảng viên. Vì vậy, nhiều trường ĐH, CĐ coi đội ngũ giảng viên có trình độ, chất lượng, học hàm, học vị cao như là “huyết mạch” sống của mình.

Thế nhưng trên thực tế, số lượng GS, PGS được công nhận ngày càng tăng nhưng với dân số hơn 90 triệu dân như nước ta mới chỉ có xấp xỉ 1,2 GS hoặc PGS trên/10.000 dân (kể cả số GS, PGS đã mất hoặc đã nghỉ hưu), không quá 5,6% giảng viên đại học là GS hoặc PGS và 416 sinh viên/1 GS hoặc PGS. Trong khi đó, ở CHLB Đức, số lượng và cả chất lượng GS cao hơn Việt Nam nhiều (trong 10.000 dân có 3 GS và cứ 59 sinh viên có 1 GS). Như vậy, đội ngũ GS, PGS ở nước ta, khá “mỏng” về số lượng và cả chất lượng.

Bài toán đặt ra ở đây là trong khi số lượng GS, PGS ở nước ta còn “mỏng” về số lượng mà các trường ĐH, CĐ lại đang thiếu trầm trọng đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ, chất lượng cao thì phải giải quyết như thế nào? Liệu rằng, chỉ để bù đắp số lượng giảng viên đạt chuẩn hay để đạt tiêu chí mở ngành nghề của hàng trăm trường ĐH, CĐ có thể xảy ra tình trạng “lạm phát” hay “chạy đua” lên GS, PGS hay không?

Ngoài ra, việc phong tặng chức danh GS, PGS hiện nay còn quá chú trọng đến tiêu chí nghiên cứu sinh phải có một số lượng nhất định các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Theo chia sẻ của một người từng làm lãnh đạo Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, hiện nay đang có tình trạng có một số trường ĐH sẵn sàng “mạnh tay” bỏ ra 300 triệu đồng để được có được 1 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế.

Nên chăng, các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu nên đầu tư cho công tác đào tạo, hỗ trợ các nghiên cứu sinh, nhà khoa học triển khai đề tài, công trình nghiên cứu phục vụ hữu ích cho phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân hơn là “chạy đua” để có được những bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế để lấy uy tín?.
 

Theo VOV News

.