Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có hướng dẫn giáo viên đánh giá học sinh tiểu học bằng lời nói thay điểm số sẽ được áp dụng từ 15/10 tới.
Đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.
Kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất. Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
Các nội dung đánh giá cụ thể: quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; Sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh; Sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh;
Đối với đánh giá thường xuyên giáo viên quan sát, theo dõi một số đối tượng trong lớp để tập trung nhận xét. Thời gian đầu, mỗi tiết học nhận xét khoảng 5 học sinh, sau đó ngày càng nhận xét nhiều hơn, chi tiết hơn với nguyên tắc 100% học sinh được đánh giá nhận xét thường xuyên.
Tùy theo sự tiếp thu của học sinh mà giáo viên quyết định viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh hay chỉ nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh. Không nhất thiết các tiết dạy viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh.
Hàng ngày, giáo viên căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học, hoạt động giáo dục để nhận xét. Giáo viên có biện pháp cụ thể để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ học sinh khắc phục những thiếu sót. Khuyến khích nhận xét bằng lời nói trực tiếp hay viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh.
Hàng tuần, giáo viên lưu ý đến những học sinh có nhiệm vụ chưa hoàn thành để giúp đỡ học sinh biết cách hoàn thành kịp thời.
Hàng tháng, giáo viên ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn học, hoạt động giáo dục khác.
Bài kiểm tra không cho điểm 0
Việc đánh giá cuối học kì và cuối năm học đối với các môn: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc được thực hiện bằng bài kiểm tra.
Đề bài kiểm tra được thiết kế theo ba mức độ: Học sinh nhận biết hoặc nhớ, nhắc lại đúng kiến thức đã học; diễn đạt đúng kiến thức hoặc mô tả đúng kĩ năng đã học bằng ngôn ngữ theo cách của riêng mình và áp dụng trực tiếp kiến thức, kĩ năng đã biết để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập;
Học sinh kết nối, sắp xếp lại các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết tình huống, vấn đề mới, tương tự tình huống, vấn đề đã học.
Học sinh vận dụng các kiến thức, kĩ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề mới, không giống với những tình huống, vấn đề đã được hướng dẫn hay đưa ra những phản hồi hợp lí trước một tình huống, vấn đề mới trong học tập hoặc trong cuộc sống.
Bài kiểm tra định kì được cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân.
Kết quả cuối kì hoặc cuối năm ghi vào học bạ với các nội dung:
Quá trình học tập từng môn học, hoạt động giáo dục khác: Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành; Mức độ hình thành và phát triển năng lực: Đạt hoặc Chưa đạt; Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất: Đạt hoặc Chưa đạt và các thành tích khác của học sinh được khen thưởng trong học kì, năm học.
Nội dung khen thưởng cho học sinh ghi cụ thể trong giấy khen: thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác. Đặc biệt không có danh hiệu học sinh Giỏi, học sinh Tiên Tiến.
Học sinh được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học phải đạt các điều kiện: Đánh giá thường xuyên đối với tất cả các môn học, hoạt động giáo dục: Hoàn thành;Đánh giá định kì cuối năm học các môn học theo quy định: đạt điểm 5 (năm) trở lên; Mức độ hình thành và phát triển năng lực và Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất: Đạt
Theo Vietnamnet