leftcenterrightdel
Hội nghị triển khai chương trình GDPT mới 

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì sự thành bại của chương trình GDPT mới phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo, những người sẽ thực hiện chương trình. Bộ trưởng cho rằng, có hai nhiệm vụ sẽ được ngành đặt ra trong thời gian tới. Thứ nhất là công tác hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng để giải quyết yêu cầu của đội ngũ nhà giáo. Thứ hai là chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình. Rút kinh nghiệm từ những lần đổi mới trước, lần này Bộ GD-ĐT phối hợp với các Bộ liên quan chuẩn bị đội ngũ nhà giáo cũng như cơ sở vật chất giảng dạy. Những yếu tố này đang được triển khai ở các mức độ khác nhau. Thành công phụ thuộc rất nhiều vào sự nhịp nhàng phối hợp giữa các bên liên quan.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) cho biết, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Theo báo cáo của các Sở GD-ĐT, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người. 

Ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, cho hay: Sở GD&ĐT đã chỉ đạo toàn ngành làm tốt công tác truyền thông tới cấp uỷ chính quyền, nhân dân và toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hiểu rõ và có nhận thức đúng về chương trình cũng như yêu cầu cần thực hiện chương trình giáo dục mới. Địa phương cũng tiến hành rà soát thực trạng thừa thiếu và nhu cầu tuyển dụng giáo viên một cách cụ thể; tham mưu với Tỉnh uỷ Nghị quyết về vấn đề này.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Chử Xuân Dũng thì ngành GD&ĐT thành phố đã chuẩn bị rà soát đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đồng ý đầu tư xây mới 22 trường; bên cạnh đó tiếp tục đầu tư hàng năm cho cơ sở vật chất trường lớp. Sở GD&ĐT cũng đồng thời chú trọng chỉ đạo các nhà trường đổi mới trong dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, tạo nền tảng thực hiện chương trình mới thông qua dạy học tích hợp liên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, triển khai giáo dục STEM, chương trình địa phương, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học thông qua các hội thi, hội giảng trên toàn thành phố…

Đại diện ngành Giáo dục Hà Nội cũng mong Bộ GD&ĐT sớm ban hành nội dung chương trình bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình mới. Đặc biệt, nếu có thể, công bố 1 bộ SGK sớm, giúp giáo viên tự nghiên cứu, các nhà trường tự bồi dưỡng, từ đó tăng tính chủ động. Đề nghị sớm có các quy định tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất, phòng học bộ môn…

Thông tin về nguồn kinh phí thực hiện chương trình, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất Phạm Hùng Anh cho biết, có 4 nguồn kinh phí để triển khai chương trình GDPT mới gồm: trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác cùng nguồn vốn ngân sách T.Ư cho sự nghiệp giáo dục...Ông Phạm Hùng Anh cũng nhấn mạnh thêm, các địa phương còn khó khăn như vùng sâu, vùng xa còn nhiều phòng học tạm, điểm trường nhỏ lẻ cần đẩy nhanh quá trình dồn dịch lại thành các điểm trường chính để đầu tư đạt chuẩn.

Lê Sử