(BVPL) - Đại bộ phận học sinh không thích học môn lịch sử nhưng đâu phải chỉ có các em, ngay cả giáo viên bộ môn và thậm chí chính Bộ GD-ĐT dường như cũng sợ môn học này.
Quá nhiều điểm 0!
Lê Thanh Hiền, HS Trường THPT Marie Curie - TPHCM, cho biết khi Bộ GD-ĐT chưa công bố các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013, em và nhiều bạn khối 12 trong trường tin rằng sẽ không có lịch sử bởi môn này đã thi năm 2012. “Dẫu thế, tụi em vẫn lo lắng nếu phải thi môn sử, nay thì đã thấy quá nhẹ nhõm rồi” - Hiền phấn khởi.
Nhiều giáo viên khẳng định HS sợ thi sử là có lý do. Cô Nguyễn Thị Thiên Minh, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TPHCM, cho biết dạy sử mà vắn tắt thì HS chẳng hiểu gì cả, do vậy, giáo viên vẫn phải giảng bài chi tiết, đầy đủ. Thực tế, HS vẫn thích học sử nhưng lại sợ phải thi môn này vì nội dung ôn tập quá dàn trải, lượng kiến thức nhiều nên sẽ mất nhiều thời gian học và nhớ.
Dù Bộ GD-ĐT khẳng định 3 môn còn lại trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT được bắt ngẫu nhiên song điều đó vẫn không đánh tan nghi ngờ của dư luận rằng ngay cả bộ này cũng sợ ra môn lịch sử. Bởi lẽ, nhiều năm qua, điểm thi của môn sử rất thấp, luôn bị dư luận săm soi. Kết quả điểm môn sử của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 cho thấy nhiều trường ĐH có trên 98% bài thi dưới điểm trung bình, thậm chí có trường chỉ 1 thí sinh đạt điểm trung bình môn này.
Năm 2012, những trường ĐH có thi khối C thì môn sử chiếm lĩnh nhiều điểm 0 nhất. Ở ĐH Đà Nẵng, trong 1.947 bài thi môn sử, chỉ có 61 bài điểm trên trung bình, 45 bài nhận điểm 0… Lý do dẫn đến nhiều điểm 0, theo các giáo viên chấm thi, là vì rất nhiều bài thi sử có nội dung lan man, lạc đề, lấy sự kiện này cắm vào mốc thời gian nọ, sai kiến thức cơ bản…
Lỗi do đâu?
Cô Nguyễn Thị Thiên Minh cho rằng lịch sử không đơn thuần như những môn khác. Học sử là để biết về quá khứ hào hùng của cha ông, qua đó xây dựng lòng yêu nước, hiểu trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc. Môn sử còn giúp HS xây dựng nền tảng văn hóa, tư tưởng triết học qua từng giai đoạn lịch sử của nhân loại, của quốc gia. Thế nhưng, những hiểu biết về lịch sử của HS hiện nay quả thật đáng buồn.
Theo PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TPHCM, trình độ của giáo viên môn lịch sử THPT còn hạn chế là nguyên nhân chủ yếu. Bởi lẽ, những kiến thức được trang bị khi còn là sinh viên trong trường ĐH chỉ là cơ bản so với biển kiến thức mênh mông của khoa học lịch sử.
Đội ngũ giáo viên lịch sử ở các trường phổ thông ít chịu cập nhật kiến thức mới, phương pháp mới để đáp ứng yêu cầu của chương trình.
Ngoài ra, chương trình đào tạo giáo viên lịch sử hiện nay ở các trường sư phạm còn quá nặng về giáo dục đại cương, trong khi số tín chỉ dành cho đào tạo nghiệp vụ sư phạm, thực tập sư phạm lại quá thấp. Song, cũng cần nhìn nhận một thực tế là chương trình sách giáo khoa còn nặng. Giáo viên chưa thể đóng vai trò cầu nối để chuyển tải những nội dung của chương trình đến HS một cách tốt nhất nên vẫn còn tình trạng đọc - chép.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trong hội nghị khoa học về lịch sử tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 8-2012 đã nhận định thực trạng dạy và học lịch sử trong các trường phổ thông gây nhiều bức xúc. Điều này không chỉ được phản ánh qua điểm số ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ mà còn qua kết quả điều tra xã hội học, qua các sân chơi truyền hình và dư luận xã hội.
Đại bộ phận HS không thích học sử, coi đó là môn học của các sự kiện, năm tháng, là môn học của trí nhớ, phải học thuộc lòng, khô khan, nhàm chán...
GS Phan Huy Lê cho rằng thái độ đó thật đáng buồn nhưng hoàn toàn không thuộc trách nhiệm của HS mà là của nền giáo dục. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nội dung và phương pháp giảng dạy, sách giáo khoa và cả trong công việc đào tạo đội ngũ giáo viên môn sử.
Theo Người Lao Động