Sửa để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 125/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc ban hành Nghị định số 125/2011/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các trường đào tạo, bồi dưỡng hoạt động hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho các nhà giáo và người học tại các trường đào tạo, bồi dưỡng.
Tuy nhiên, thực trạng về hệ thống văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của các trường đào tạo, bồi dưỡng chưa thống nhất, còn chồng chéo và đã lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Hệ thống tổ chức của các trường đào tạo, bồi dưỡng còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo, thiếu tính quy hoạch trong xây dựng hệ thống; chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động còn nhiều bất cập; chồng chéo thực hiện nhiệm vụ giữa các trường đào tạo, bồi dưỡng ở Trung ương và địa phương; trong cùng một bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nhiều đầu mối cùng thực hiện một chức năng.
Cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các trường chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ bồi dưỡng; quản trị nội bộ còn yếu kém. Tổ chức bộ máy bên trong của các trường đào tạo, bồi dưỡng chưa phù hợp, thiếu sự đồng bộ. Cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức chưa hợp lý; chất lượng chưa cao. Quan điểm, định hướng xây dựng đội ngũ nhà giáo chưa hợp lý so với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Một số nhà giáo còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nặng tính hàn lâm, lý thuyết. Chưa quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Ý thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp tham gia công tác bồi dưỡng chưa cao.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình bồi dưỡng được phân công, phân cấp của các trường đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế. Một số trường đào tạo, bồi dưỡng của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và trường chính trị tỉnh vẫn chưa đủ năng lực tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chủ yếu thực hiện các khóa bồi dưỡng cho đối tượng phát triển đảng, phổ biến tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, chưa đủ năng lực thực hiện các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc biên soạn tài liệu theo nhiệm vụ được phân công còn thiếu sự chủ động, có tâm lý chờ đợi, sử dụng các bộ tài liệu mẫu sẵn có do các cơ quan Trung ương biên soạn, ban hành. Năng lực biên soạn chương trình, tài liệu của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu, quy trình thực hiện chưa bài bản, chuyên nghiệp. Năng lực tổ chức bồi dưỡng của các cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Các khóa bồi dưỡng vẫn được thực hiện theo tư duy lớp học càng đông càng tốt dẫn đến việc bồi dưỡng kỹ năng còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện cơ chế tự chủ còn hình thức; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chưa hợp lý. Đa số vẫn trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước.
Ngoài ra, thực tế hiện nay có một số trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang như: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Dân tộc, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng… không phải là cơ sở giáo dục đại học nhưng được cho phép đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, với những bất cập như trên, đến nay, sau gần 10 năm thực hiện thì một số nội dung quy định tại Nghị định số 125/2011/NĐ-CP không còn phù hợp, cần phải thay thế cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Dự thảo Nghị định có 9 điều (giảm 4 điều so với Nghị định số 125/2011/NĐ-CP), được xây dựng trên cơ sở kế thừa hợp lý các quy định của Nghị định số 125/2011/NĐ-CP, đồng thời có sửa đổi, bổ sung, thay thế một số nội dung để phù hợp với những quy định mới của Đảng và pháp luật về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức - chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.
Về vị trí pháp lý của trường đào tạo, bồi dưỡng, dự thảo Nghị định nêu rõ: Trường đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành và Nghị định này.
Cụ thể, trường của cơ quan nhà nước hoạt động theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập và theo quy định của Nghị định này, trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Trường của tổ chức chính trị hoạt động theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập và theo quy định của Nghị định này, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ; Tỉnh ủy, Thành ủy và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Huyện ủy, Quận ủy, Thành ủy, Thị ủy và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
|
Giảng viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội - VKSND tối cao thảo luận đề tài khoa học. (Ảnh: Yến Nhi) |
Trường của tổ chức chính trị - xã hội hoạt động theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập và theo quy định của Nghị định này, trực thuộc cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.
Trường của lực lượng vũ trang nhân dân hoạt động theo quy định của lực lượng vũ trang nhân dân và theo quy định của Nghị định này, trực thuộc các cấp quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, nằm trong tổ chức, biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam.
Quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của trường đào tạo, bồi dưỡng
Về nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm: Tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam quản lý và hướng dẫn thực hiện; tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo chương trình do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý và hướng dẫn thực hiện.
Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức theo chương trình do Bộ Nội vụ quản lý và hướng dẫn thực hiện.
Tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành của viên chức theo thẩm quyền quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, UBND cấp tỉnh.
Tổ chức biên soạn tài liệu các chương trình bồi dưỡng theo quy định; cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật và được cấp có thẩm quyền giao.
Về nhiệm vụ đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, bao gồm: Các trường đào tạo, bồi dưỡng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, có chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học do cơ quan có thẩm quyền giao trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan tới hoạt động đào tạo và bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở giáo dục đại học.
Trong đó cơ quan quản lý trực tiếp quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục đại học.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định việc mở ngành đào tạo theo đề nghị của trường đào tạo, bồi dưỡng và ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp.
Đối tượng đào tạo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang; phù hợp với sứ mạng và mục tiêu của trường đào tạo, bồi dưỡng.
Về nhiệm vụ đào tạo các trình độ của giáo dục nghề nghiệp, gồm: Các trường đào tạo, bồi dưỡng có chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục nghề nghiệp do cơ quan có thẩm quyền giao, được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan tới hoạt động đào tạo và bảo đảm chất lượng thực hiện theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó cơ quan quản lý trực tiếp quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định việc mở ngành nghề đào tạo theo đề nghị của trường đào tạo, bồi dưỡng và ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp.
Đối tượng đào tạo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang; phù hợp với sứ mạng và mục tiêu của trường đào tạo, bồi dưỡng.
Về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, gồm: Tổ chức nghiên cứu khoa học; tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận làm cơ sở khoa học phục vụ công tác hoạch định đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Tham gia giải quyết những vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương và đất nước; thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Về các nhiệm vụ khác bao gồm: Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm, tài chính, tài sản của trường đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin tuyển sinh, đào tạo, cấp phát văn bằng, chịu sự giám sát của xã hội, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao, theo quy định của Đảng và pháp luật có liên quan.
Về tổ chức thực hiện, dự thảo Nghị định nêu rõ: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, VKSND tối cao, TAND tối cao, Kiểm toán Nhà nước, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kiểm tra, hướng dẫn các trường đào tạo, bồi dưỡng thuộc, trực thuộc đảm bảo thực hiện đúng quy định của Nghị định này; định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền quản lý nhà nước của các bộ về hoạt động của các trường đào tạo, bồi dưỡng. |