Trước thềm năm học 2024 - 2025, thị trường sách giáo khoa và đồ dùng học tập trên các sàn thương mại điện tử trở nên sôi động. Ghi nhận trên một số sàn thương mại điện tử như: Shopee, tiktok… có khá nhiều loại sách giáo khoa, sách tham khảo để phụ huynh lựa chọn. Thậm chí, có những ưu đãi giảm tới 45% tùy loại.

Nhiều phụ huynh chia sẻ việc lựa chọn mua sách giáo khoa trên mạng do thuận tiện, tiết kiệm thời gian. Nhưng không mấy ai được chỉ cách phân biệt được thế nào là sách giáo khoa giả để phân biệt.

leftcenterrightdel
Phụ huynh có thể dễ dàng lựa chọn từ sách lẻ đến trọn bộ với nhiều mức giá khác nhau.

Theo cô giáo Đào Thị Thanh Bình – Giáo viên trường Tiểu học Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, việc sử dụng sách giả, sách lậu ảnh hưởng lớn đến việc truyền đạt, tiếp thu kiến thức của cả giáo viên và học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

“Đối với học sinh tiểu học, đối tượng mà mới tiếp cận đến sách giáo khoa, việc sử dụng sách giả, sách lậu có thể dẫn đến thiếu hụt kiến thức cho các con. Hơn nữa, nó còn khiến hình thành thói quen xấu cho học sinh về tư duy dùng đồ giả. Do đó, việc tìm hiểu và mua đúng sách cho con là trách nhiệm của mỗi phụ huynh”, cô Bình chia sẻ.

Vừa qua, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Hậu Giang đã bắt gần 80.000 quyển sách giáo khoa giả mạo nhãn, bao bì hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam các loại từ lớp 01 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo tại Khu dân cư Tây Đô EcoPark, huyện Châu Thành, tổng trị giá hàng hóa thu giữ trên 1,3 tỷ đồng.

Nhận diện vấn đề này, Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã phối hợp với Nhà Xuất bản giáo dục trưng bày, phân biệt hàng thật - giả đối với sách giáo khoa lậu.

leftcenterrightdel
Nếu không được hướng dẫn, bằng mắt thường rất khó để có thể phân biệt đước sách thật và sách in lậu.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, vấn nạn này đang ảnh hưởng rất lớn đến nhiều đối tượng, trong đó thiệt thòi nhất là học sinh.

“Thiệt hại của sách giả, sách lậu là rất lớn, nó không chỉ ảnh hưởng đến doanh số, lợi nhuận mà nó còn gây hậu quả nghiêm trọng với cộng đồng. Như chúng ta biết, sách giả họ dùng công nghệ scan lại để in nên màu sắc có những sai lệch, nó dẫn đến sai lệch về mặt nhận thức, kiến thức của giáo viên và học sinh”, ông Tùng chia sẻ.

Từ năm 2010 đến nay đã có trên 37 triệu bản sách giáo dục và hơn 18 tấn sách giáo dục in lậu dở dang đã bị phát hiện và xử lý tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Vấn nạn này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà xuất bản, đặc biệt là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và học sinh.

Ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: “Nếu như người tiêu dùng các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử thì chúng ta phải đặc biệt lưu ý xem sách đấy có phải từ nguồn Nhà xuất bản Giáo dục hay không, nhà xuất bản có uy tín hay không. Khi mua các sản phẩm sách giáo khoa, nếu người dân nghi ngờ là hàng giả, hàng lậu thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng”.

Để ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi nạn in lậu sách, thời gian tới cần phải có thêm những biện pháp mạnh mẽ, triệt để và đồng bộ hơn nữa.

Duy Minh