Xuất hiện loạt chiêu trò lừa đảo "bủa vây" tân sinh viên
Cập nhật lúc 18:26, Thứ ba, 27/08/2024 (GMT+7)
Nhiều trường đại học ở TP HCM đã phát đi cảnh báo về việc một số đối tượng lợi dụng hình thức nhắn tin, gọi điện để lừa đảo sinh viên và phụ huynh nhằm trục lợi bất chính trong mùa tuyển sinh.
Theo đó, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF), đã gửi công văn tới Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) để đề nghị điều tra và xử lý các đối tượng lan truyền thông tin lừa đảo nhập học. Đây là một động thái mạnh mẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của tân sinh viên và ngăn chặn hành vi lừa đảo trên mạng xã hội.
|
|
Trường Đại học Công Thương TP HCM phát cảnh báo (Ảnh: HUIT). |
Trường Đại học Công Thương TP HCM (HUIT) đã nhận được nhiều phản hồi từ phụ huynh và thí sinh về các tin nhắn lừa đảo có nội dung chúc mừng trúng tuyển và yêu cầu nhập học. Nhà trường khẳng định không gửi các tin nhắn này và đã nhanh chóng đưa ra cảnh báo trên fanpage chính thức để tránh việc sinh viên và phụ huynh bị lừa.
Trường Đại học Sài Gòn cũng ghi nhận tình trạng một số thí sinh nhận được tin nhắn yêu cầu đóng lệ phí nhập học với số tiền lên đến gần 7 triệu đồng vào một tài khoản không xác định. Trường đã lên tiếng khẳng định không yêu cầu thí sinh đóng lệ phí qua các kênh không chính thống và chỉ nhận thanh toán thông qua hệ thống của trường.
Trường Đại học Sài Gòn phát đi thông tin về việc một số thí sinh trúng tuyển nhận được tin nhắn yêu cầu đóng lệ phí nhập học năm 2024 với số tiền 6.953.000 đồng vào số tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn trong tin nhắn lừa đảo.
Trên trang Facebook chính thức, Đại học Sài Gòn khẳng định hiện nay, nhà trường không chủ động gọi điện, gửi tin nhắn hay thư điện tử yêu cầu thí sinh phải đóng lệ phí nhập học năm 2024.
|
|
Trường Đại học Sài Gòn phát thông tin cảnh giác. |
Tương tự, Trường Đại học Mở TP HCM cảnh báo về việc các đối tượng lừa đảo giả mạo tài khoản ngân hàng của trường để yêu cầu tân sinh viên chuyển khoản phí nhập học. Trường lưu ý rằng tất cả các khoản phí chỉ được thanh toán qua các kênh chính thức như ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, hoặc qua các ứng dụng theo hướng dẫn của trường.
Trước khi công bố điểm chuẩn đại học năm 2024, nhiều trường đại học cũng đã ra cảnh báo các trang thông tin không chính thống để phụ huynh và tân sinh viên cảnh giác.
Các trường đại học khuyến cáo phụ huynh và thí sinh không nên tham khảo các nguồn tin không chính thống và không nhấn vào các đường dẫn không thuộc về kênh chính thức của trường. Những lời mời gọi từ các nhóm lạ hoặc các cá nhân không rõ danh tính trên mạng xã hội cần được xử lý thận trọng để tránh bị lợi dụng hoặc đánh cắp thông tin.
Sự cảnh giác và thận trọng là cần thiết để bảo vệ quyền lợi và tránh trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi trong mùa tuyển sinh này./.
Xuân Trường