Có lẽ, tất cả các bậc phụ huynh đều phần nhiều hiểu được tác hại của các thiết bị điện tử đối với con cái mình. Vấn đề nhìn thấy ngay đó là tác hại đối với đôi mắt của trẻ. Còn vấn đề có tính lâu dài, đó là sự ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi và quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Mặc dù hậu quả đều được nhìn thấy rất rõ, nhưng rất nhiều phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh ở các đô thị, vì lý do này hay lý do khác mà dần dần phải chấp nhận 1 thực tại: đó là không thể kiểm soát, thậm chí là bất lực trước thực trạng con cái mình lạm dụng sử dụng các thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh, máy tính bảng…

Bà B.T.P ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), là bà của 2 cháu nhỏ (1 cháu 4 tuổi, 1 cháu 2 tuổi) chia sẻ: “Gia đình tôi bán hàng bận nhiều việc, không có thời gian trông coi 2 cháu nên nhà có mấy cái điện thoại thì đưa cho mỗi đứa một cái. Cho xem thì các cháu chỉ ngồi im xem thôi, không khóc, không quấy gì hết. Biết là không tốt cho các cháu nhưng gia đình tôi đành phải chấp nhận”.

leftcenterrightdel
Để trẻ sử dụng điện thoại, máy tính bảng quá sớm và không phù hợp sẽ dễ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường (ảnh: Nguyễn Hải). 

Tương tự, chị P.T.H (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con nhỏ 12 tuổi, chia sẻ: “Ban đầu thì mỗi ngày khi đi học về tôi cho cháu dùng ipad để chơi game, xem các chương trình giải trí trong vòng 1 đến 2 tiếng. Nhưng dần dần cháu thành thói quen, đi học về là lúc nào cũng sử dụng quá giờ quy định, tôi có cấm nhưng cháu lại có thái độ bực tức, không nghe lời và còn dùng trộm khi tôi không để ý”.

Theo nhiều nghiên cứu, việc lạm dụng điện thoại sẽ khiến trẻ có thể mắc nhiều bệnh nguy hiểm như: tăng khả năng mắc bệnh tâm thần, nguy cơ mắc ung thư cao, thị lực kém, mắc các bệnh về mắt, chậm phát triển, kém thông minh, hạn chế khả năng giao tiếp, đau cổ, thoái hoá cột sống, thiếu ngủ, giảm trí nhớ, học tập suy giảm…

Thầy Lê Đình Chuyên, Giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Chính trị cho biết: Não bộ của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, hộp sọ mỏng và chứa nhiều dung dịch. Do vậy, nếu sử dụng điện thoại trong thời gian dài có thể khiến cho não bộ của trẻ bị tổn thương, gây rối loạn chức năng phản xạ của não, tư duy thiếu linh hoạt, nhạy bén, khả năng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp chậm được thiết lập…

Để hạn chế nguy cơ các bệnh lý do sử dụng thiết bị công nghệ gây ra, giảng viên Lê Đình Chuyên góp ý: các bậc phụ huynh cần phải nghiêm ngặt quản lý các trẻ. Bên cạnh đó, cần thiết lập thời gian sử dụng trong ngày, không để trẻ tiếp xúc với các video xấu, độc; các chương trình không phù hợp với độ tuổi và nên hướng dẫn trẻ cách tiếp xúc và sử dụng điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị điện tử khác một cách phù hợp.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải quan tâm, xem tivi cùng trẻ, lựa chọn những chương trình hay, ý nghĩa, phù hợp để trẻ học tập và noi theo. Thời gian rảnh, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ tham gia các trò chơi ngoài trời như: Đá  bóng, bơi lội, múa, hội hoạ…

Nguyễn Hải