Việc tự chủ mức thu học phí đang được thí điểm tại 4 trường đại học đầu tiên trên cả nước. Mức học phí dự kiến phải đủ chi phí đào tạo cho các trường đại học công lập vào năm 2018.
Co kéo để tự chủ tài chính
Là một trong 6 trường đầu tiên được giao thí điểm tự chủ toàn phần, ĐH Hà Nội đã không được hỗ trợ ngân sách từ năm 2008. Các khoản chi thường xuyên của trường đều phụ thuộc vào học phí và các nguồn thu khác. Theo ông Bùi Kim Cương, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Hà Nội, cơ chế còn nhiều bất cập nên việc thực hiện tự chủ tài chính còn thiếu thực chất. “Không được thu học phí theo nhu cầu mà phải thu theo mức trần của Nghị định 49 từ năm 2010. Điều này khiến các trường phải co kéo mới đủ chi. Trường chúng tôi đành phải lấy ngắn nuôi dài, tức là dùng các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài bù cho chương trình đào tạo chính quy” – ông Bùi Kim Cương cho biết.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng thừa nhận, chỉ tự chủ chi mà không được tự chủ thu là khó khăn cho các trường. Họ buộc phải mở rộng các hệ đào tạo không chính quy, liên kết đào tạo nên chất lượng không cao như mong muốn. TS Nguyễn Trường Giang, chuyên gia tham vấn của Bộ GD-ĐT chỉ rõ, chính sách học phí của Việt Nam đã giữ nguyên trong thời gian hơn 10 năm và đến năm 2010 mới điều chỉnh với lộ trình tăng dần 20-25% mỗi năm. Tuy nhiên, đến năm 2015, học phí cũng chỉ đáp ứng được từ 40%-50% chi phí đào tạo cần thiết.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định quy định cơ chế hoạt động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để lấy ý kiến rộng rãi. Theo đó, đến năm 2015, học phí sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập. Đến năm 2016, ngoài những mục trên, sẽ có thêm chi phí quản lý chung của đơn vị. Đến năm 2018, học phí sẽ gồm đủ chi phí và mức tích lũy hợp lý cũng như chi phí khấu hao tài sản cố định.
Nhìn nhau tăng học phí
Đi trước một bước, có 4 trường đại học được giao thí điểm tự chủ tài chính gồm trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Hà Nội. Theo cơ chế thí điểm, cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động (chi thường xuyên và chi đầu tư) được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện. Quyền tự chủ này cho phép các trường quyết định mức học phí bình quân tối đa bằng mức trần học phí do Nhà nước quy định cộng với khoản chi thường xuyên ngân sách Nhà nước cấp bình quân cho mỗi sinh viên công lập trong cả nước.
Có được cơ chế này, 4 trường đại học nói trên đang lập đề án để trình duyệt và triển khai vào năm 2015. Tuy nhiên, việc tăng học phí lên mức nào vẫn đang được các trường cân nhắc để đảm bảo thu hút được sinh viên. Theo ông Bùi Kim Cương, tăng học phí phải phù hợp với năng lực đào tạo của trường, đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. “Chúng tôi dự kiến chia học phí thành 3 khung cho 3 nhóm ngành, căn cứ vào mức độ xã hội hóa. Mức thu thấp nhất dành cho nhóm ngành khó tuyển sinh, mức trung bình cho nhóm ngành ổn định và mức cao nhất là với những ngành “hot”. Trường cũng không quyết định mà yêu cầu các khoa tự chọn khung học phí phù hợp với điều kiện hoạt động. Đề án nếu được duyệt vào cuối năm nay thì sẽ kịp áp dụng trong năm 2015” – ông Bùi Kim Cương cho biết. Như vậy, nếu được phê duyệt, mức tăng học phí của trường này sẽ khoảng 1 đến 1,5 triệu đồng/năm học.
Tương tự, bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương cho biết, đề án tự chủ tài chính của trường đang được xây dựng với nhiều nét mới. Trường ĐH Ngoại thương dự kiến, lộ trình tăng học phí chỉ áp dụng với sinh viên mới nhập học, còn sinh viên các khóa cũ vẫn áp dụng mức học phí theo quy định tại Nghị định 49 của Chính phủ. Dự kiến, mức học phí mới có thể sẽ tăng thêm 50% so với hiện tại, khoảng 9 triệu đồng/sinh viên/năm đối với chương trình đại trà. Năm học 2015 - 2016 có thể thu ở mức từ 11-12 triệu đồng/sinh viên/năm.
Theo ANTĐ