(BVPL) - Sự bùng nổ của các cơ sở đào tạo với các chuyên ngành được cho là “hot” như: quản trị kinh doanh, maketting, ngân hàng, tài chính, kế toán, luật… đã khiến tỷ lệ thất nghiệp ngày càng đông đảo do nguồn cung lao động vượt quá khả năng đáp ứng của thị trường.
 


Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của những người qua đào tạo cử nhân cao còn do việc lựa chọn ngành học của sinh viên đa phần rất “cảm tính”, không có sự cân nhắc về khả năng bản thân, diễn biến nhu cầu thị trường. Sự bùng nổ của các cơ sở đào tạo với các chuyên ngành như: quản trị kinh doanh, maketting, ngân hàng, tài chính, kế toán, luật… đã khiến cho đội quân thất nghiệp ngày càng đông đảo do nguồn cung lao động vượt quá khả năng đáp ứng của thị trường. Có giai đoạn ra đường là gặp cử nhân quản trị kinh doanh, maketting, ngân hàng, tài chính… Hơn nữa, trong quá trình đào tạo, sinh viên lại không được trang bị đầy đủ, đồng đều các kỹ năng cho công việc tương lai, nhất là trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin… và các kỹ năng làm việc hiện đại. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đào tạo, nhất là ở các trường ngoài công lập “không đúng và trúng” vì các trường ngoài công lập sẵn sàng cấp bằng vì lợi nhuận nên số người tốt nghiệp cao nhưng không có kỹ năng để làm việc.

Thị trường lao động đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng đòi hỏi lao động phải năng động, có trình độ, bám sát hơn với sự thay đổi từng giờ, từng ngày của nền kinh tế - xã hội. Sinh viên đang theo học và những sinh viên ra trường nếu không lưu ý và đáp ứng được các yêu cầu của thị trường thì con số hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng trước tốc độ hội nhập và cơ giới hóa mạnh mẽ.

Thách thức thị trường việc làm trong tương lai

Kết quả tại điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2015 với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, mặc dù đa số lao động trẻ (58,6%) làm công việc được trả lương, song hơn 1/3 thanh niên vẫn làm những công việc dễ bị tổn thương như lao động tự làm hoặc lao động làm cho gia đình không được trả lương; và gần một nửa thanh niên làm việc được trả lương nhưng không có hợp đồng bằng văn bản.

Khoảng 80% lao động trẻ làm các công việc phi chính thức – những công việc thiếu tiếp cận bảo trợ xã hội và sự bảo vệ về pháp luật căn bản, cũng như các quyền lợi của người lao động. Đó là một phần do sức ép từ tình trạng thất nghiệp khiến người lao động trẻ phải chấp nhận mọi loại hình công việc không phù hợp với bằng cấp để có thu nhập. Giám đốc ILO Việt Nam đã nhận định, việc đảm bảo việc làm chất lượng cho thế hệ trẻ vẫn là thử thách lớn của Việt Nam.

Dự báo, lực lượng lao động Việt Nam sẽ tăng từ 55,5 triệu người năm 2016 lên 62 triệu vào năm 2025. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 chỗ làm việc và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là một hướng để tăng năng suất lao động. Toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đem đến nhiều thách thức về giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động của Việt Nam.

Theo nghiên cứu mới nhất của ILO: 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa. Trong khi đó, 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện – điện tử có thể bị thay thế bởi robot. Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dự báo, trong 5 – 10 năm tới, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động đặt ra rất bức xúc khi tự động hóa sẽ kéo theo tình trạng mất việc làm gia tăng, đây là bài toán rất nan giải.
 

Minh Đức

.