Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư về 10 điều sinh viên không được làm. Trong đó gây chú ý và tranh luận nhiều nhất là quy định về hành vi: “Đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng intenet”.
|
Ảnh minh họa. |
Xã hội phát triển, việc học sinh, sinh viên tiếp cận với mạng xã hội để trao đổi, trò chuyện không còn là điều xa lạ. Tuy nhiên, cũng từ sự phát triển mạnh mẽ ấy mà đã có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra. Chẳng hạn như ở Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông – Hà Nội) đã từng phải đình chỉ học một nữ sinh 10 ngày vì xúc phạm giáo viên trên facebok. Hay chính các phụ huynh cũng có những hành vi sai trái khi chia sẻ, bình luận về lớp học, giáo viên của con trên mạng xã hội, ảnh hưởng không chỉ đến bản thân mà đến cả con cái của mình.
Ví dụ, việc chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu (35 tuổi, TP HCM) chê cà vạt của con xấu, như “dây treo trên cổ”, đã khiến nhà trường và phụ huynh xảy ra tranh cãi, con bị trả học bạ.... Bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp các phụ huynh lập nhóm kín than phiền về trường học, giáo viên của con trên facebook...
Để quán triệt về việc này, nhiều trường từ phổ thông đến đại học đã đưa ra các quy định về việc sử dụng mạng xã hội. Tại Trường THPT Lê Lợi, ngay từ năm học 2014 – 2015 đã đưa ra nội quy: Học sinh không được xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, người khác và học sinh, kể cả trên các trang mạng xã hội.
Hay Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) quy định: Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt; Tuyệt đối không dùng facebook để nói xấu bất cứ ai; Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó; Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân facebook sẽ bị quy trách nhiệm...
Về quy định này, Ban giám hiệu Trường Lương Thế Vinh nhận định: Mọi việc đều có hai mặt. Facebook là mạng mà vui buồn đều có thể sẻ chia. Tuy nhiên, việc chia sẻ này làm như thế nào là đúng tùy thuộc vào sự thông minh, hiểu biết của mỗi người.
Bên cạnh đó, các trường ĐH cũng quán triệt cụ thể. Tại ĐH Xây dựng, lãnh đạo nhà trường cho biết: Chúng tôi đã nhắc nhở những sinh viên đưa lời bình luận dung tục, bậy bạ trên mạng từ rất lâu rồi. Và hoàn toàn không ủng bộ việc nói bậy, nói đệm, phát ngôn bừa bãi ở sinh viên. Bởi thế cần có sự sát sao của của phía nhà trường, gia đình và xã hội…
Cùng với các quy định đã có của một số trường, việc đưa ra một Thông tư có chỉ đạo rõ ràng về vấn đề này, theo nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là điều cần thiết. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến nhận định, không thể cấm học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội, bởi đó là quyền tự do cá nhân. Đặc biệt, nhiều phụ huynh và học sinh, khi trao đổi về quy định này có ý kiến phản biện rằng khó khả thi. Bởi theo nhiều phụ huynh và cả sinh viên, những quy định nêu ra rất khó để quản lý được hoàn toàn.
Một học sinh, sinh viên có thể sở hữu vài ba tài khoản trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo... thì rất khó để nhà trường kiểm tra. Có sinh viên cũng lý luận lại rằng: Chúng em đôi khi đọc được trên mạng những thông tin rất tiêu cực nhưng cũng chẳng biết đó là ai. Làm thế nào để nhà trường hay Bộ GD&ĐT có thể kết luận được, đó có phải là học sinh, sinh viên hay không?
Nói về vấn đề này, TS Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ công tác Học sinh Sinh viên (Bộ GD&ĐT), khẳng định: Vai trò của các trang mạng xã hội trong việc kết nối cá nhân là cần thiết. Việc sử dụng facebook mang đến nhiều thuận lợi khi trở thành cầu nối thân thiết gắn học trò và giáo viên. Cụ thể, một số trường đã khuyến khích các em có facebook riêng để tư vấn hiệu quả về tâm lý, sức khỏe, tình bạn, tình yêu hoặc những khúc mắc thầm kín, riêng tư.
Phía Bộ GD&ĐT cũng nhận định, đây là quy định rất khó quản lý. Tuy nhiên Bộ GD&ĐT sẽ khảo sát, đánh giá để có những giải pháp cụ thể trong việc sử dụng facebook, cũng như tư vấn tâm lý cho các học sinh, sinh viên về những lợi ích cũng như tác hại của mạng xã hội. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT khẳng định rằng, việc đưa ra quy định trên không hề hạn chế quyền tự do ngôn luận của các em. Ngược lại, Bộ mong muốn các nhà trường tuyên truyền, giáo dục để các em thực hiện đúng quyền tự do ngôn luận được pháp luật cho phép, không được lợi dụng quyền tự do ngôn luận để làm những gì trái pháp luật.
Theo Đại đoàn kết