Hiệu trưởng một trường THCS chia sẻ, việc khó nhất ở trường hiện nay là làm sao để học sinh tập trung vào học tập thay vì yêu đương, mơ mộng. “Có lẽ học sinh ngày nay tiếp xúc với truyện ngôn tình quá nhiều nên chuyện yêu đương trong trường học ngày càng phổ biến. Dù là tình yêu học trò nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.

 

 Học sinh tuổi teen rất quan tâm đến sách về lứa tuổi của mình
Học sinh tuổi teen rất quan tâm đến sách về lứa tuổi của mình


“Vướng” chuyện tình cảm từ lớp 6

Với nhiều bậc phụ huynh, việc con mình mới học lớp 6 đã “bập” vào chuyện tình cảm là điều khó tưởng tượng nổi. “Mới qua bậc tiểu học, ở nhà còn nhõng nhẽo, chưa biết tự lập từ ăn mặc đến sinh hoạt cá nhân mà lại bảo biết để ý bạn này, có tình cảm với bạn kia thì thật khó hình dung”, chị Nguyễn Phương Loan, phụ huynh học sinh trường THCS Alpha tâm sự khi được giáo viên mời đến trường để bàn biện pháp giải quyết chuyện tình cảm của con.

Việc này cũng không còn lạ lẫm với các thầy cô đứng lớp. Cô Nguyễn Phương Anh, giáo viên một trường THCS cho biết, diễn biến tâm lý học trò tuổi dậy thì rất đa dạng. Chuyện các em thích bạn khác giới cũng khá phổ biến, dù chỉ là tình yêu học trò, nhanh đến, nhanh đi.

Một lý do thực tế mà các thầy cô rút ra được từ các trường hợp “yêu” sớm là học sinh kể cả nam hay nữ đều rất tò mò tìm đọc những cuốn truyện ngôn tình. Không chỉ sách in, phim hay truyện online cũng đầy rẫy khiến bố mẹ hay thầy cô khó có thể ngăn con em mình tiếp cận với thể loại  này.

Hệ quả của nhiều mối tình học trò  khiến bố mẹ, thầy cô khá đau đầu. “Nếu là người tích cực, khi có đối tượng quan tâm, các con có thể có mục đích phấn đấu, cố gắng chỉn chu hơn, học tập cũng tốt hơn. Tuy nhiên, đa phần là các con chểnh mảng học hành, hay vui buồn thất thường, dẫn tới việc học tập cũng bị ảnh hưởng.

Các thầy cô đều rất vất vả để cải thiện những trường hợp học trò lơ đãng, bỏ ngoài tai bài giảng vì vướng chuyện tình cảm”, một giáo viên trường THCS Nguyễn Phong Sắc, quận Hai Bà Trưng cho biết. Cô Phương Anh cũng chia sẻ, lớp 7, 8 là giai đoạn học trò có nhiều vấn đề nhất, một phần xuất phát từ tâm lý lứa tuổi, một phần vì tác động bên ngoài, trong khi thiếu sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời từ gia đình.

Thay cấm bằng định hướng

Trước những vấn đề của tuổi dậy thì, việc ngăn cấm các em đọc sách, xem phim ảnh hay lên mạng… gần như là không thể. Do đó, làm thế nào để hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực đến các em là vấn đề mà cả nhà trường và gia đình cùng quan tâm. Cô Lê Thị Loan, giáo viên trường THCS Cầu Giấy cho biết, người lớn không nên cấm các con mà thay vào đó phải định hướng để các con tìm đến những hình thức sinh hoạt có ích.

“Tôi phụ trách thư viện của trường với hơn 10.000 cuốn sách. Qua tìm hiểu, tôi thấy rất nhiều con hỏi đến các sách truyện ngôn tình hoặc truyện tiểu thuyết người lớn... Tuy nhiên, đa số các con ở lứa tuổi này vẫn đều thích những tác phẩm văn học được chuyển thể thành phim, sách về tuổi mới lớn, sách về quan hệ các thành viên gia đình... Vì vậy, không thể nói là các con không quan tâm đến sách truyện chính thống mà thư viện trường hay tủ sách gia đình có trang bị những cuốn sách đúng nhu cầu lứa tuổi hay không thôi”, cô Loan chia sẻ.

Một trong những cuốn sách, theo cô Loan, được nhiều học sinh tìm đọc nhất thời điểm này là cuốn “Cuộc chiến tuổi dậy thì”. Cuốn sách có nhiều nội dung hài hước, dí dỏm, thích hợp với lứa tuổi mới lớn. Do thấy học sinh rất thích tác phẩm này nên nhà trường đã mời tác giả đến giao lưu, chia sẻ những hiểu biết về tuổi dậy thì, định hướng các con biết cách nói chuyện với bố mẹ, chia sẻ tâm tư.

Cô Loan cho biết: “Có nhiều cuốn sách khác cùng chủ đề này, đều trở thành những tác phẩm “hot” được nhiều phụ huynh, học sinh tìm kiếm như “Tuổi dậy thì không gì phải sợ” hay cuốn “Bố mẹ đã cưa đổ tớ như thế nào” của Đỗ Nhật Nam...”.

Hiện nay, nhiều trường đang rất chú trọng đầu tư cho tủ sách thư viện và cùng phụ huynh phối hợp duy trì tủ sách lớp học. Từ đó, các con được định hướng, chia sẻ thông tin để tìm đến những cuốn sách phù hợp. Cô Nguyễn Phương Anh cho biết, học sinh hiện đã hình thành thói quen hàng tuần đọc sách ở thư viện.

“Các con được đọc theo chủ đề, có đánh giá, chia sẻ sau các giờ đọc. Các bạn mượn sách thư viện về thường có thêm phần đánh giá, suy nghĩ về tác phẩm. Từ đó, các bạn khác sẽ tò mò, bị thuyết phục một cách tự nhiên khi tìm đọc những tác phẩm trong thư viện”.

 

Hội thi nhân viên thư viện giỏi


 “Chào mừng Ngày sách Việt Nam 21-4”, các trường phổ thông của Hà Nội đồng loạt tổ chức hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, ngày hội đọc sách, quyên góp sách, trưng bày giới thiệu sách trong tháng 4 và tháng 5-2016.

Cũng nhân dịp này, 500 nhân viên thư viện của các trường THCS Hà Nội đã tham gia hội thi nhân viên thư viện giỏi toàn thành phố với việc giới thiệu hàng trăm cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi học sinh phổ thông.

Khai mạc vòng chung kết của hội thi ngày 12-4, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, cán bộ phụ trách thư viện không chỉ thực hiện việc quản lý sách, truyện… mà cần phải tạo sự cuốn hút để học sinh đến với thư viện, tạo cho các em thói quen đọc sách.

Duy An

 

Theo An ninh thủ đô

.