Tham dự phiên tòa giả định có TS. Phùng Văn Hải - Phó Chánh án, Thẩm phán TAND TP HCM; TS. Sỹ Hồng Nam - Phó Chánh Văn phòng TAND TP HCM; TS. Nguyễn Hữu Hậu, Kiểm sát viên cao cấp, VKSND cấp cao tại TP HCM; đồng chí Trần Đoàn Bích Trâm, Kiểm sát viên, VKSND TP HCM.
Về phía Học viện Tư pháp có TS. Trương Thế Côn – Phó Giám đốc Học viện; TS. Lê Thị Thuý Nga - Trưởng Khoa Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư…
|
|
TS. Nguyễn Hữu Hậu - Kiểm sát viên cao cấp, VKSND cấp cao tại TP HCM góp ý tại phiên tòa giả định. |
Trong phiên tòa hình sự, theo cáo trạng của VKSND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, bị cáo Ngô Thành Luân (SN 1997) bị truy tố ra trước TAND quận Hoàn Kiếm để xét xử về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.
Trình bày quan điểm của Viện kiểm sát về việc xử lý đối với bị cáo Ngô Thành Luân, Kiểm sát viên nhấn mạnh đề nghị HĐXX xem xét, cân nhắc quyết định hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình trạng tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em và có diễn biến phức tạp.
Hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tâm sinh lý lành mạnh của trẻ em, được Đảng và Nhà nước ta xác định là loại tội phạm gây nguy hiểm, bức xúc cho toàn xã hội, đặc biệt là đối với gia đình có trẻ em bị xâm hại tình dục.
|
|
TS.Trương Thế Côn, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp phát biểu. |
Phiên tòa dân sự liên quan đến vụ án ly hôn. Theo hồ sơ vụ án, anh Huy và chị Mai là vợ chồng, trong quá trình chung sống, thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân do bất đồng về quan điểm tính cách lối sống, cách ứng xử trong ngoài gia đình, họ hàng, bạn bè, vợ chồng không có sự tôn trọng lẫn nhau, thường xuyên cãi vã, chỉ trích, thường xuyên xô xát do chị Mai thường xuyên ghen tuông, xúc phạm chồng.
Mặc dù đã được hai bên gia đình động viên, khuyên nhủ góp ý nhưng tình cảm vợ chồng và mối quan hệ vẫn không thay đổi làm cho cuộc sống gia đình ngột ngạt gây ảnh hưởng đến tất cả các thành viên trong gia đình. Anh Huy và chị Mai đã ly thân nhau từ tháng 8 năm 2019 đến nay không ai quan tâm đến ai, kể cả về vật chất và tinh thần…
Trên cơ sở kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, HĐXX đã ra phán quyết về việc ly hôn, nuôi con và các vấn đề liên quan khác trong vụ án.
|
|
Phiên tòa giả định do học viên lớp đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư đóng vai, với sự hướng dẫn chuyên môn, góp ý từ các giảng viên và các chuyên gia đầu ngành. |
Để tổ chức phiên tòa giả định về người chưa thành niên, bộ môn Đào tạo chung Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên tại TP HCM đã lựa chọn học viên đóng vai từ các học viên lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư khóa 6.1 và 6.2 tại TP HCM, hướng dẫn học viên diễn tập, trong đó đặc biệt lưu ý các kỹ năng cần thiết nhằm đảm bảo thủ tục tố tụng tại phiên tòa thật sự thân thiện với người chưa thành niên.
Học viện Tư pháp cũng đã liên hệ với TAND TP HCM để có thể sử dụng phòng xét xử của Tòa án trong quá trình diễn án nhằm giúp phiên tòa gần gũi hơn với thực tiễn tư pháp. Quá trình chuẩn bị, đóng vai và tham dự phiên tòa này là cơ hội để các bạn học viên học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng về tư pháp người chưa thành niên, bổ trợ rất tốt cho việc học tập trong chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp.
Theo TS.Trương Thế Côn, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, trong thời gian vừa qua, dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã hỗ trợ Học viện Tư pháp tổ chức rất nhiều hoạt động như xây dựng học phần về tư pháp cho người chưa thành niên, biên soạn tài liệu, hồ sơ tình huống về tư pháp người chưa thành niên trong lĩnh vực hình sự, đào tạo giảng viên nguồn và đào tạo cho học viên Học viện tư pháp về tăng cường tiếp cận tư pháp cho người chưa thành niên là bị hại, nhân chứng trong tố tụng hình sự… và hôm nay là phiên tòa giả định dân sự và hình sự về người chưa thành niên.
Thông qua phiên tòa giả định, học viên lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư có cơ hội học hỏi, tích lũy một cách trực quan, thực tế các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong thủ tục xét xử thân thiện với người chưa thành niên. Các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tương lai cũng có cơ hội nhìn nhận sâu sắc hơn về tính dễ bị tổn thương của người chưa thành niên, cân nhắc lợi ích tốt nhất của các em khi ra quyết định tại các phiên xử án./.