Tính toán thời gian học bù phù hợp
Tuy trước đó, các tỉnh, TP đã thông báo cho HS đi học ngày 17/2 nhưng sau khi nhận được văn bản trên thì lập tức 'đổi chiều' cho HS nghỉ học. Đến tối 15/2, tất cả 63 tỉnh, TP đã thông báo cho HS nghỉ để phòng chống dịch Covid-19; Trong đó 56 tỉnh, TP cho HS nghỉ đến hết tháng 2/2020.
|
|
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành. (Ảnh: Bộ GD&ĐT) |
Nhiều phụ huynh thắc mắc trước “kỳ nghỉ Tết huyền thoại” kéo dài, sau đó HS sẽ được bố trí học bù như thế nào? Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết: Trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT, mỗi học kỳ đều có một tuần đệm, như là tuần dự phòng để đảm bảo có thể linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương (khung thời gian năm học của Bộ là 37 tuần, trong khi chương trình học được thiết kế chỉ 35 tuần). Do đó, các địa phương, nhà trường có thể sử dụng quỹ thời gian này và thời gian kéo dài năm học để bố trí dạy học bù.
Ngoài ra, chương trình 35 tuần được thiết kế học 1 buổi/ngày. Đối với các trường có đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày thì việc bố trí dạy bù sẽ thuận lợi hơn. Đối với các trường dạy 1 buổi/ngày, tuỳ điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, có thể bố trí lần lượt cho mỗi lớp HS được học bù một số buổi mỗi tuần để bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình học.
|
|
Học sinh đeo khẩu trang đến lớp. Ảnh Dân trí |
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, học bù nhưng cũng phải có thời gian hợp lý để học sinh nghỉ ngơi. Địa phương, nhà trường cần tính toán thời gian học bù phù hợp, hài hòa giữa việc học và nghỉ ngơi. Trong thời gian học bù, các em có thể phải học vất vả hơn bình thường nhưng cũng không nên quá sức; Còn nếu ép quá sẽ ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả việc học.
“Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng của HS, giáo viên. Trong trường hợp cá biệt, HS phải nghỉ quá dài, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án đặc thù theo thẩm quyền; Trường hợp vượt thẩm quyền, Bộ sẽ xin ý kiến cơ quan cấp trên để giải quyết” - ông Thành cho hay.
Theo công văn số 431/BGDĐT-GDTC gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc kéo dài thời gian nghỉ học HS, sinh viên, học viên do dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương xem xét tiếp tục cho HS, sinh viên, học viên nghỉ học đến hết tháng 2/2020.
Căn cứ tình hình thức tế nghỉ học của các địa phương trong cả nước, Bộ GD-ĐT quyết định điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học 2019-2020 và các mốc thời gian kế hoạch năm học chung của ngành; Đồng thời sẽ có hướng dẫn chi tiết các địa phương xây dựng phương án điều chỉnh hoạt động dạy học, bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện chương trình giáo dục và đào tạo.
|
Xác định thời điểm để tổ chức thi THPT Quốc gia
Hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có hướng dẫn về tổ chức thi THPT Quốc gia. Tùy tình hình diễn biến dịch bệnh và thời gian HS tạm nghỉ học tại các địa phương, Bộ sẽ xác định thời điểm tổ chức kỳ thi phù hợp với thời điểm kết thúc năm học 2019-2020.
Lý giải về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ sẽ cân nhắc trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho HS, nhưng khả năng lớn là không cần thiết phải lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia.
Hiện tại, chỉ có tỉnh Vĩnh Phúc là nơi công bố dịch phải xem xét việc HS nghỉ thêm. Với các địa phương khác, căn cứ vào tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của cơ quan y tế, UBND tỉnh thì mới quyết định việc có cho HS nghỉ tiếp hay không. Đối với những địa phương HS nghỉ 2 tuần sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến tiến độ dạy học của các nhà trường.
“Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn về việc tổ chức học bù và lưu ý riêng với các địa phương có HS nghỉ học quá 2 tuần vì bệnh dịch” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.