Hai đội tuyển Robothon gồm học sinh đến từ Trường Trần Cao Vân và Trường Lê Quý Đôn của thành phố Đà Nẵng đã xuất sắc giành hai chức vô địch ở hạng mục Sơ cấp và Trung cấp tại Cuộc thi Robothon Quốc tế 2016 được tổ chức tại Malaysia.

 


Ngoài ra đội tuyển Việt Nam còn giành hai giải nhì và hai giải ba nhờ các nhóm học sinh đến từ Trường Hoa Lư (Đà Nẵng), Trường Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), Trường Đinh Tiên Hoàng (Thành phố Hồ Chí Minh) và Trường Nguyễn Tất Thành (Hà Nội).

Ban tổ chức cũng trao các giải Khuyến khích cho các đội từ Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), Trường Lý Công Uẩn (Đà Nẵng), Trường Lê Ngọc Hân (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Phù Đổng (Đà Nẵng) và Trường Trần Cao Vân (Đà Nẵng).

Cuộc thi Robothon Quốc tế là hoạt động thường niên được tổ chức luân phiên tại các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Cuộc thi dành cho học sinh từ cấp tiểu học đến trung học tham gia môn học Robotics. Năm nay, cuộc thi Robothon Quốc Tế được tổ chức vào ngày 4/12 tại Khu phức hợp thể thao Taruc của Đại học Tunku Abdul, Malaysia.

Đại diện cho Việt Nam thi đấu tại cuộc thi Robothon Quốc tế 2016 tại Malaysia là các đội đoạt giải cao trong cuộc thi Robothon Quốc Gia vừa qua.

Tổng số đội tham dự là 53 đội tuyển xuất sắc từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.

Trước khi lên đường thi đấu, các đội tuyển Việt Nam sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể đạt được kết quả tốt nhất trên đấu trường quốc tế.

Các đội tuyển được tham gia khóa đào tạo chuyên biệt do các giáo viên đầy kinh nghiệm của DTT – Eduspec trực tiếp giảng dạy nhằm mang đến cho các em những kĩ năng cần thiết và kiến thức đầy đủ nhất cho cuộc thi. Ngoài ra, các đội tuyển còn được học thêm khóa học giao tiếp Anh văn để có thể tự tin trong giao tiếp với các bạn bè quốc tế.

Chủ đề của cuộc thi năm nay là Internet of Things (IoT) – Mạng lưới vạn vật kết nối Internet. Các thí sinh tham gia sẽ lắp ghép và lập trình các robot để thực hiện các nhiệm vụ mô phỏng như thu nhận, trích xuất và phân phối dữ liệu, trích xuất thông tin, tích hợp hệ thống.

Cuộc thi Robothon Quốc tế chính là sân chơi lành mạnh và hữu ích cho các em học sinh và là một bước đệm đưa các em đến gần hơn với khoa học cộng nghệ tương lai. Từ đó có thể thấy rằng thế hệ trẻ em Việt Nam đang rất cần những chương trình học đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các kĩ năng về công nghệ, kỹ thuật … mà chương trình STEM là một điển hình.

STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng STEM) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Kể từ năm 2010 đến nay, DTT Eduspec cũng như Học viện STEM đã nhận ra tầm quan trọng của Giáo dục STEM và quyết định đưa chương trình về Việt Nam, trong đó có bộ môn lắp ráp và điều khiển robot (Robotics) cho học sinh từ cấp Tiểu học.

Trong những năm qua, Robotics đã được đưa vào hơn 100 trường học, đào tạo cho hơn 30.000 lượt học sinh tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh./.
 

Theo Vietnam+

.