Học càng cao…thất nghiệp càng nhiều?
Cập nhật lúc 19:54, Thứ tư, 12/04/2017 (GMT+7)
Bản tin khảo sát thị trường lao động quý 4/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy số cử nhân thất nghiệp là hơn 200.000 người, Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tình trạng cử nhân thất nghiệp, phần nhiều do việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu, chưa xác định được ngành học phù hợp với yêu cầu thị trường lao động. (thất nghiệp, chính sách, lao động, dạy nghề, bộ đội xuất ngũ)
(BVPL) - Bản tin khảo sát thị trường lao động quý 4/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy số cử nhân thất nghiệp là hơn 200.000 người, Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tình trạng cử nhân thất nghiệp, phần nhiều do việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu, chưa xác định được ngành học phù hợp với yêu cầu thị trường lao động.
Thời gian gần đây, nhận thức của xã hội về việc làm có phần thay đổi, một phần do công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, một phần do các cơ chế chính sách của Nhà nước đã từng bước đi vào cuộc sống, như: Học sinh tham gia học nghề được miễn giảm học phí, chính sách dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ, chính sách dạy nghề cho phụ nữ. Điều này cũng khiến xu hướng chọn học nghề gia tăng.
Năm 2017, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh 2,2 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 540.000 người, sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người. Tổng cục Dạy nghề cũng triển khai 3 điểm đột phá chính nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong toàn hệ thống.
Tại Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh năm 2016 và thực hiện nhiệm vụ năm 2017, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết, 3 điểm đột phá trong triển khai chính sách giáo dục nghề nghiệp gồm: Đổi mới cơ chế quản lý, đặc biệt là giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tự chủ về nhân sự, bộ máy, giao nhiệm vụ kế hoạch, đăng ký hoạt động, tổ chức đào tạo theo các chuẩn và văn bản hướng dẫn của Nhà nước về GDNN.Trong tự chủ về kinh phí có 3 mức: Tự chủ về chi đầu tư, tự chủ về chi thường xuyên, tự chủ chi một phần đầu tư và một phần chi thường xuyên.
Ông Nguyễn Hồng Minh còn cho hay, tới đây, hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (trừ các trường sư phạm) thuộc sự quản lý về Nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH, công tác đào tạo sẽ giảm bớt khối lượng về lý thuyết. Bởi theo kết quả của Bản tin khảo sát thị trường lao động cho thấy một nghịch lý: Học càng cao thì thất nghiệp càng nhiều. Học sinh cao đẳng ra trường trước ngày 31/12/2016 thường thất nghiệp vì nhóm này học lý thuyết nhiều nhưng thực hành ít. Điều này cũng đúng với hệ trung cấp chuyên nghiệp. Nhưng với trình độ cao đẳng nghề, về cơ bản, rất ít học sinh ra trường thiếu việc làm. Đặc biệt ở những trường nghề chất lượng cao và ngành nghề trọng điểm. Hệ thống trường nghề trung cấp cũng có thời gian thực hành nhiều nên quy mô việc làm cũng không thấp.
Do việc quy định về giáo dục nghề nghiệp mới thực hiện. Theo định hướng, tỉ lệ đào tạo thực hành dự kiến sẽ từ 50% trở lên, chủ yếu ở lĩnh vực kinh tế, kinh doanh. Nhưng với lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, tỉ lệ này sẽ còn phải cao hơn nữa. Hiện nay, nhiều trường cao đẳng có chính sách liên thông lên đại học (ĐH) giúp học sinh nâng cao trình độ. Biên bản bàn giao giữa 2 Bộ là Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định: Việc học liên thông lên bậc cao hơn với đối tượng thuộc ngành cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp vẫn thực hiện như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện hành. Sau ngày 1/1/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (chủ trì) và Bộ LĐ-TB&XH đang cùng nhau xây dựng quy định liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên ĐH và trình Chính phủ ban hành trong Quý 2/2017. Khi cơ chế hình thành, quyền lợi của người tham gia học sẽ được đảm bảo hơn. Tính từ thời điểm này, phải sau 2-3 năm nữa mới có người tốt nghiệp hệ trung cấp và cao đẳng theo chương trình giáo dục nghề nghiệp mới. Khi đó, những quy định liên thông do 2 Bộ cùng xây dựng như đã nêu trên mới được áp dụng.
Còn ở cấp ĐH để tháo gỡ có tính căn bản hơn, Nhà nước cần có những chính sách chặt chẽ hơn về tuyển sinh ĐH. Chúng ta phải xác định được nhu cầu của thị trường lao động đối với từng trình độ đào tạo, ĐH trong những năm tới cần bao nhiêu? Ngành nào cần nhiều, ngành nào cần ít? Hiện, chúng ta chưa nắm được con số thực tế. Nhiều người học vẫn chủ yếu vì nhu cầu cần bằng cấp và cảm tính chứ chưa học để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đây là nguyên nhân khiến học sinh, phụ huynh vẫn có tư duy chọn học ĐH, nhưng không biết thực sự có tìm được việc làm sau khi học hay không.
Trần Mai
.