(BVPL) - Đại học Chu Văn An (Hưng Yên) thành lập, Chủ tịch HĐQT tự phong chức hiệu trưởng tạm quyền cho mình. Nhưng quá hạn luật định 1 tháng để bầu, bổ nhiệm hiệu trưởng chính thức đã lâu mà hiệu trưởng “tạm” vẫn tại vị, thậm chí sa thải các hiệu phó, trưởng khoa khác…
Sự việc được một số cổ đông sáng lập và giảng viên Trường ĐH Chu Văn An gửi đơn thư đến báo Dân trí phản ánh. Cụ thể, ĐH Chu Văn An thành lập năm 2006. Đến tháng 4/2012, ông Dương Phan Cường trở thành Chủ tịch HĐQT nhà trường.
Số cổ đông sáng lập, sở hữu hơn 43% vốn góp thành lập trường tố cáo việc ông Cường ban hành quyết định cử bản thân mình làm hiệu phó phụ trách nhà trường (tương đương hiệu trưởng) từ tháng 7/2012 tới nay.
Từ thời điểm đó đến nay, ông Cường đã ký nhiều văn bản, quyết định khác nhau với nhiều tư cách, lúc là hiệu phó phụ trách nhà trường, lúc là quyền hiệu trưởng, lúc lại “chính danh” hiệu trưởng… để miễn nhiệm, bổ nhiệm các hiệu phó, chủ nhiệm khoa cũng như ký nhiều bằng tốt nghiệp cho sinh viên.
|
Đại học Chu Văn An (Hưng Yên). |
Đối chiếu theo quy định trong quyết định số 63 và quyết định số 61 của Thủ tướng về quy chế bổ nhiệm lãnh đạo quản lý trường trong trường hợp này, việc ông Dương Phan Cường tự cử bản thân làm hiệu trưởng “tạm” không sai nhưng thời hạn “tạm quyền” không quá 1 tháng để tiến hành việc cử hiệu trưởng chính thức theo quy định.
Ngoài ra, điều kiện để Chủ tịch HĐQT có thể được kiêm nhiệm giữ chức vụ hiệu trưởng phải đủ các tiêu chuẩn theo quy định đối với nhà giáo và hiệu trưởng trường ĐH (có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín trong giới khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã có ít nhất 5 năm tham gia giảng dạy và quản lý giáo dục đại học). Trong khi đó, ông Cường chưa từng đứng trên bục giảng hay làm quản lý ở lĩnh vực này trước đó.
Như vậy, ông Dương Phan Cường đã tự gia hạn vô thời hạn cho mình làm hiệu trưởng nhà trường khi đã quá thời hạn “tạm quyền” nửa năm nay. Tính đến thời điểm này, ông Dương Phan Cường đã “tạm quyền hiệu trưởng” được hơn 6 tháng. Vấn đề đặt ra, các văn bằng, chứng chỉ cấp cho sinh viên, các quyết định nhân sự… do ông Cường ký có giá trị pháp lý?
Ông Đặng Văn Tỉnh, thành viên HĐQT, cổ đông sáng lập Trường ĐH Chu Văn An trình bày, là thành viên sáng lập trường, ông Tỉnh được Đại Hội đồng cổ đông giao nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng vào tháng 3/2012, phụ trách công tác Tổ chức - Hành chính - Quản trị; phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn và hoạt động xây dựng và nghiệm thu công trình xây dựng trường ĐH Chu văn An.
Tuy nhiên, sau kỳ Đại hội cổ đông tháng 4/2012 mà ông Cường trở thành Chủ tịch HĐQT, ngày 13/7, ông Cường đã ra quyết định số 170 về việc thôi giữ chức vụ Phó hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2012-2017 đối với ông Tỉnh.
“Quyết định số 170 không chỉ gây bất ngờ đối với tôi mà còn khiến nhiều cán bộ, giảng viên, nhân viên của nhà trường ngỡ ngàng. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tôi đã gửi nhiều đơn, thư khiếu nại đến ông Chủ tịch HĐQT, Ban kiểm soát nhà trường, UBND Tỉnh Hưng Yên về việc ông Dương Phan Cường vi phạm các quy định pháp luật về giáo dục, lao động, quản lý cán bộ… Trong lúc chờ kết luận giải quyết khiếu nại, ông Cường vẫn ép tôi dời vị trí công tác” - ông Tình trình bày.
Theo đó, ngày 14/11/2012, ông Tỉnh nhận thông báo lần thứ 3 qua đường bưu điện do Chủ tịch HĐQT Dương Phan Cường ký, với nội dung buộc ông phải bàn giao công việc và bàn giao phòng làm việc. Ông Tỉnh gửi đơn đề nghị khẩn cấp lần thứ 2 tới UBND tỉnh Hưng Yên, Trưởng ban kiểm soát, các đơn vị trong nhà trường kiến nghị về việc làm sai nguyên tắc và có biểu hiện trái pháp luật của ông Dương Phan Cường, yêu cầu dừng việc ép ông bàn giao công việc và thu phòng khi chưa giải quyết đơn thư khiếu nại.Ông Tỉnh cũng yêu cầu Trưởng Ban kiểm soát kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp của sự việc.
Nghịch lý ở chỗ, cơ sở để ông Dương Phan Cường ra quyết định miễn nhiệm phó hiệu trưởng với ông Tỉnh cũng là vì không đủ điều kiện quy định với hiệu phó (như đối với hiệu trưởng) mà chính ông Cường cũng không đạt.
Hơn nữa, ngoài ông Đặng Văn Tỉnh, cả 3 Phó hiệu trưởng còn lại cũng đều không đủ tiêu chuẩn, vì các ông này cũng chưa từng đứng trên bục giảng.
Ngày 21/11, ông Tỉnh cũng buộc phải chủ động làm việc với lãnh đạo nhà trường nói rõ quan điểm chưa thể bàn giao lại công tác khi các đơn thư khiếu nại của ông chưa được các cấp giải quyết theo quy định. Ông Tỉnh khẳng định, chỉ bàn giao khi quyền và lơi ích hợp pháp của ông đươc giải quyết thỏa đáng.
Cuối tháng 6/2012 ông Cường cũng đã ký quyết định miễn nhiệm chức Trưởng khoa Công nghệ Thông tin của TS. Dương Xuân Thành và yêu cầu
TS. Thành bàn giao công việc cho trợ lý khoa dù hợp đồng lao động của ông Thành được ký từ năm 2008 với ĐH Chu Văn An là hợp đồng không xác định thời hạn, công việc là Chủ nhiệm khoa. Tuy nhiên, ông Cường không đưa ra được bất cứ lý do hợp pháp nào để chấm dứt hợp đồng lao động với TS.Thành.
P.Thảo
Theo Dantri