Tổng cộng kinh phí để triển khai đề án chương trình-sách giáo khoa mới mà Bộ GD-ĐT đưa ra là 778,8 tỷ đồng, trong đó, khoảng 462 tỷ đồng để thẩm định, tập huấn SGK… Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng quá tốn kém vừa không trúng vào điểm yếu của giáo dục phổ thông hiện nay.
Nên tham khảo nước ngoài
GS.TS Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc tổ chức biên soạn, CT-SGK cần cải tiến không nên quá cồng kềnh và tốn kém như đề xuất. Cần nghiên cứu hoàn thiện CT-SGK phổ thông tiếp cận với CT, SGK phổ thông các nước tiên tiến, phù hợp với Việt Nam trên cơ sở CT, SGK đang sử dụng. Đổi mới nhưng phải kế thừa, chỉnh sửa để, theo kịp kiến thức hiện đại như vậy sẽ thuận lợi hơn.
Để tiếp cận với CT, SGK tiên tiến của thế giới, cần lựa chọn và dịch CT, SGK các môn khoa học tự nhiên còn các môn khoa học xã hội cần nghiên cứu đổi mới phù hợp với Việt Nam.
Theo GS Hương cần huy động các thầy cô giáo có kinh nghiệm, có trình độ ở các trường đại học sư phạm lớn làm nòng cốt. Huy động nghiên cứu sinh, thạc sỹ, đang học tập ở một số cơ sở nước ngoài tham gia cùng với giáo sư Việt kiều tham gia dịch, biên soạn CT, SGK đổi mới. Mạnh dạn lựa chọn một số giáo viên trẻ ở các trường sư phạm và các trường đại học ra nước ngoài nghiên cứu học tập làm nòng cốt đào tạo đội ngũ giáo viên ở các cơ sở đại học sư phạm. Đổi mới đào tạo giáo viên sư phạm vẫn là hạt nhân để đổi mới CT, SGK phổ thông.
GS.TS Trần Đình Sử cho rằng, xây dựng CT và SGK chỉ là kế hoạch dạy học, còn SGK chỉ là tài liệu dạy và học mà thôi, không có gì là quá khó, nhất là khi chúng ta đã có kinh nghiệm biên soạn CT theo Nghị quyết 40 của Quốc hội năm 200 và đã có những bộ sách tốt của giai đoạn hiện hành. Chỉ cần tham khảo một số kinh nghiệm của một số nước là có thể làm được.
GS Sử cho hay, cái khó là làm sao có đội ngũ giáo viên có phương pháp mới tương ứng với CT, lôi cuốn học sinh vào phương thức đào tạo mới tạo ra hiệu quả như toàn dân mong muốn.
“Theo tôi, Chính phủ nên nhìn vào mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục như một bộ máy vận hành tổng thể để chỉ đạo dự thảo đề án. Không nên coi CT và SGK là một khâu trong bộ máy ấy như là khâu quan trọng nhất, quyết định nhất, dễ rơi vào phiến diện. Việc thực hiện Nghị quyết 40/2000, Quốc hội ta đã làm như thế này rồi và đã hạn chế rất nhiều hiệu quả, chẳng lẽ chúng ta lần này lặp lại vết xe cũ” - GS Sử kiến nghị.
Tận dụng tối đa trí tuệ của các nhà khoa học
PGS.TS Nguyễn Thám, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Huế cho biết, chủ trương một CT với nhiều bộ SGK được nhiều người tán thành vì tạo ra tính dân chủ cho cả người học và người dạy, tránh được sự độc quyền trong giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, với phương án, khuyến khích tổ chức và cá nhân biên soạn SGK, Bộ GD-ĐT chỉ biên soạn những SGK mà các tổ chức cá nhân không đăng ký biên soạn. Đề án không nghiêng về phương án này vì sợ thiếu tính chủ động. Sở dĩ có nỗi lo này vì trong tư duy vẫn cho rằng SGK là xương sống trong giáo dục phổ thông. Cần phải tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến. Cơ quan giáo dục chỉ ban hành và quản lý CT đào tạo; SGK chỉ là tài liệu học tập, tác giả nào viết tốt thì người dạy và người học sử dụng.
Về việc biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo CT mới (sách giáo viên), theo PGS Nguyễn Thám, đây là cách làm có sẵn, làm hạn chế khả năng sáng tạo của giáo viên. Chỉ nên có tài liệu vắn tắt thực hiện CT; giáo viên đủ năng lực để tổ chức dạy học; ai không đủ năng lực tự đào thải khỏi ngành Giáo dục.
PGS.TS Trần Diên Hiển, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội kiến nghị: “Bộ chỉ đạo xây dựng một chương trình chuẩn, chi tiết cho từng môn học ở mỗi cấp học. Kèm theo CT là chuẩn đầu ra cho mỗi môn học. Cơ quan quản lý nhà nước quản lý chuyên môn bằng chương và chuẩn đầu ra cho từng môn học, từng lớp và mỗi cấp học.
Theo đó, Bộ thành lập Hội đồng thẩm định SGK cho từng môn học ở mỗi cấp học gồm những nhà khoa học công tâm, có trình độ hiểu về môn học và là nhà sư phạm hiểu biết sâu sắc công tác dạy học ở phổ thông. Khi có CT và chuẩn đầu ra cho mỗi môn học, Bộ kêu gọi, động viên các nhà khoa học, các nhà giáo có nhiệt tình, tâm huyết tham gia biên soạn SGK cho mỗi cấp học.
Bên cạnh đó, cần công khai danh sách Hội đồng thẩm định của mỗi cuốn SGK để gắn trách nhiệm của Hội đồng thẩm định với tập thể tác giả về chất lượng của cuốn sách.
“Làm được như trên sẽ tận dụng tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, nhà giáo, đồng thời giúp giáo viên và cơ quan quản lý giáo dục có nhiều sự lựa chọn về nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh của địa phương mình. Đặc biệt, tạo cơ chế cạnh tranh nâng cao chất lượng dạy và học. Tiết kiệm nhiều nghìn tỷ đồng chi cho các dự án biên soạn SGK, tập huấn giáo viên thay SGK... như lâu nay chúng ta vẫn làm” - PGS.TS Trần Diên Hiển khẳng định.
Theo Dân trí