Theo quyết định của TP Hà Nội, học sinh lớp 7 đến 12 tại những khu vực dịch cấp độ 1 và 2 của thành phố được quay lại trường học trực tiếp từ ngày hôm nay (8/2), sau hơn 8 tháng các em không đến trường, học online tại nhà.

leftcenterrightdel
 Học sinh Trường THCS Láng Hạ (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đo thân nhiệt học sinh trước khi vào trường. 

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 17,1 triệu trong số hơn 22,6 triệu học sinh cả nước được học trực tiếp trong tuần này, tăng khoảng 1,4 triệu so với trước Tết Nguyên đán.

Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi các tỉnh, thành trên cả nước đã lên kế hoạch đưa toàn bộ học sinh các lớp trở lại trường trong tháng 2.

TP Hà Nội và 62 tỉnh, thành đã cho toàn bộ học sinh THPT đến trường học trực tiếp ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Riêng đối với khối THCS, 57/63 địa phương cho 100% học sinh trở lại trường học từ hôm nay.

Đáng chú ý, TP Hà Nội là địa phương cho học sinh tạm dừng đến trường học trực tiếp trong thời gian dài và quy mô nhiều cấp học vì dịch COVID-19 so với các tình, thành khác trên cả nước.

Ngoài học sinh khối 7 đến khối 12 đến trường ngày hôm nay, TP Hà Nội vẫn còn nhóm học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học trực tuyến tại nhà (dự kiến học trực tiếp trong tháng 2) và khối mầm non (chưa có kế hoạch trở lại trường).

leftcenterrightdel
Tiết học đầu tiên sau thời gian dài học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19 của học sinh Trường THCS Láng Hạ.  
leftcenterrightdel
Học sinh vui mừng ngày trở lại trường học.  

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, thầy Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THCS Láng Hạ (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: “Nhà trường và phụ huynh rất phấn khởi khi con được trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài các em ở nhà học trực tuyến.

Học sinh từ khối 7 đến khối 9 của trường đi học gần như 100%, chỉ còn một ít học sinh thuộc diện F0, F1 ở nhà học trực tuyến. Điều này cho thấy, các em háo hức và mong chờ được đi học trở lại.

Để đón học sinh trở lại trường học, nhà trường đã chuẩn bị rất chu đáo và kỹ lưỡng công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như diễn tập ứng phó với hai tình huống.

Thứ nhất, trong trường hợp học sinh bị F0 các con vẫn được theo dõi trực tiếp bài giảng trên lớp thông qua hệ thống camera được lắp trong lớp học.

Thứ hai, trường hợp thầy cô giáo bị F0, các thầy cô vẫn dạy ở nhà thông qua phần mềm zoom chiếu lên máy chiếu trên lớp cho các con học trực tiếp tại lớp, có giáo viên trợ giảng và quản lý học sinh trên lớp”.

Thầy Nguyễn Trung Kiên cũng cho biết, sau thời gian dài học sinh nghỉ ở nhà học online, bởi vậy, một số em còn quen nếp sinh hoạt ở nhà nên có phần bỡ ngỡ nhưng nhà trường đã bố trí giáo viên tiết dạy tiết 1 làm công tác tư tưởng và chia sẻ cùng các em. Về cơ bản các  hoạt động vào nề nếp nhanh.  

Nhà trường và phụ huynh rất ủng hộ và phấn khởi trước chủ trương mở cửa trường học, các con được đến trường học trực tiếp. Học sinh từ lớp 7 đã được tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 nên việc mở cửa trường học là cần thiết.

Thầy Nguyễn Thế Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, TP Hà Nội) cũng cho biết, sau thời gian dài nghỉ học vì dịch COVID-19, học sinh lớp 7 đến lớp 9 quay trở lại trường học trực tiếp, các em rất phấn khởi và vui mừng khi gặp lại thầy, cô và các bạn.

Thầy Nguyễn Thế Hảo cũng cho biết, để đón học sinh trở lại trường, ngay từ trước Tết Nguyên đán nhà trường đã diễn tập các phương án phòng, chống dịch COVID-19 để các em được đảm bảo an toàn khi trở lại trường.

Sáng nay, các thầy cô và Ban Giám hiệu nhà trường đã đến rất sớm để làm công tác chuẩn bị đón các em trở lại trường một cách an toàn và khoa học. Còn gì vui hơn khi cánh cổng trường được mở rộng để đón các em trở lại trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đánh giá, việc mở cửa lại trường học phải là ưu tiên cao nhất của các quốc gia. Chi phí cho việc đóng cửa các trường học là rất lớn và có nguy cơ cản trở thế hệ trẻ em trong khi làm gia tăng sự chênh lịch trình đại dịch.

Do đó, việc mở lại trường học và giữ cho trường học luôn được mở cửa nên là ưu tiên hàng đầu, vì ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, với các biện pháp phòng ngừa thích hợp, rủi ro sức khỏe đối với trẻ em và nhân viên giáo dục có thể được giảm thiểu. Mở cửa trường học trở lại là biện pháp tốt nhất mà các quốc gia có thể thực hiện để bắt đầu khắc phục tình trạng gián đoạn việc dạy và học.

Khảo sát, tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế và giáo dục cũng như lắng nghe ý kiến của các em học sinh, sinh viên cho thấy, việc học ở nhà quá lâu để lại nhiều hệ lụy tiêu cực, tác động tới tâm lý, thể chất của các em, tác động tới cả chất lượng dạy và học. Ở thời điểm này, dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát.

Tỷ lệ tiêm vắc xin cho người lớn và cho lứa tuổi từ 12-18 tuổi cũng rất cao. Ngành Y tế đã có thuốc điều trị và đã có kinh nghiệm thực tế trong phòng chống dịch, cũng như gia tăng khả năng điều trị COVID-19, ý thức và sự hiểu biết của người dân về dịch bệnh đã tốt hơn.

Trong điều kiện đó, việc đưa học sinh trở lại trường học lúc này là hết sức cần thiết và cần phải được triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời, cương quyết đối với tất cả các bậc học từ mầm non đến đại học. Đây không chỉ là chuyện mở của trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.

Một số hình ảnh học sinh Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội: 

leftcenterrightdel
Học sinh vui mừng trở lại trường.  
leftcenterrightdel
 Các em được thầy cô lì xì đầu năm mới. 
leftcenterrightdel
Học sinh xếp hàng vào trường theo hướng dẫn đảm bảo phòng, chống dịch.  

Một số hình ảnh Trường THCS Thống Nhất, THCS Mạc Đĩnh Chi thuộc quận Ba Đình, TP Hà Nội: 

leftcenterrightdel
Học sinh xếp hàng đo thân nhiệt bằng máy tại cổng THCS Thống Nhất. 
leftcenterrightdel
 Học sinh được hướng dẫn từ cổng trường. 
leftcenterrightdel
Các em xếp hàng giữ khoảng cách, kiểm tra thân nhiệt. 

 

 

 

Vũ Phương