Một buổi sáng đầu tháng 2 năm 2006, Hội trường tầng 8, nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngợp trời hoa. Người mới bước vào hội trường dễ nhầm đây là một cuộc giao lưu do Đài truyền hình tổ chức vì trên sân khấu có một chiếc bàn và một chiếc ghế mây có lưng dựa được dành cho cử tọa. Trên ghế là một vị khách khá xa lạ với lớp trẻ, nhưng lại quen thuộc với lớp cán bộ từ tầm trung niên trở lên. Ông ăn mặc giản dị: bộ com lê đã cũ. Chiếc áo trắng bên trong cũng ngả màu. Hôm nay là ngày người ta tổ chức mừng thọ ông 80 tuổi.

 

Sau bài diễn văn chúc mừng ông, đại diện cho các thế hệ cán bộ và sinh viên lên phát biểu cảm tưởng. Ông được ca ngợi như một nhân vật tiêu biểu trong số các giáo sư đầu ngành của trường. Ông chính là Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn.

Ngồi trong Hội trường rộn ràng tiếng cười nói và ngan ngát hoa tươi, tôi bỗng nhớ lại một kỷ niệm cách đây gần ba mươi năm. Hôm đó vào ngày Hiến chương các nhà giáo 20-11, theo sự phân công của chi đoàn cán bộ giảng dạy, một cán bộ trẻ tổ Hán Nôm là anh Nguyễn Duy Chính (hiện nay đã mất) nhận nhiệm vụ viết bài về Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Do quá vô tư, anh đã hồn nhiên ca ngợi mối tình của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn với người bạn đời người Nga của ông. Thế là, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đang ngồi ở một căn phòng trong ký túc, nghe anh Chính thao thao nói về mối tình của mình qua loa phóng thanh, liền nhăn mặt bảo: “ Ông Chính ông ấy đang bôi bác gì tôi ngoài Hội trường?”...

 

Vợ chồng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn.
Vợ chồng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn.


Vào những năm đó, việc nhắc đến tên Phó Giáo sư Nô-na Xtan-kê-vich trong các cuộc họp lớn được xem là một việc tế nhị. Lại càng không nên nhắc đến mối tình của bà và Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Tất cả những chuyện liên quan đến hai người chỉ được xì xầm qua tai người này hay người kia. Trong sinh viên, những chuyện đó được khúc xạ nhiều chiều và đôi khi nhuốm màu huyện bí như một thứ thâm cung bí sử. Kỳ thực nó cũng chỉ là một câu chuyện tình như mọi cuộc tình, cũng lãng mạn, đắm say, cũng mang đầy yếu tố của cuộc đời thường nhật, chỉ có điều gian truân hơn, phức tạp hơn. Cũng chính vì thế, sau bao cuộc thăng trầm của lịch sử, nay nhìn lại càng thấy nó đẹp hơn và lý tưởng hơn. Đó là cuộc tình vượt lên thời gian với một sức mạnh và sự kiên trì hiếm có.

Chắc hẳn đã suy nghĩ tới điều này, cho nên khi đến lượt mình phát biểu, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã dành một thời lượng đáng kể để nói về điều bí ẩn trong mối tình của ông. Ông bảo, bây giờ ông cần nói vì tuổi đã cao, nếu không nói thì chẳng may sẽ có lúc muốn nói mà không nói được. Khi đó, phải đem theo cả những điều bí ẩn sang thế giới bên kia thì hối tiếc lắm.

Tôi rất hồi hộp vì sau bao nhiêu năm sống gần Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, hôm nay bỗng thấy ông lại công nhiên cho thiên hạ biết về chuyện riêng của mình. Biết bao nhiêu thế hệ học trò tò mò muốn biết về thiên tình sử của ông. Hôm nay, chuyện đó mới được công khai.


Theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thì thời đó, những người trực tiếp tác thành cho ông và bà Nô-na  Xtan-kê-vích gồm các nhân vật như: Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn, ông Tôn Quang Phiệt, ông Tôn Gia Ngân. Còn ở nước ngoài có I-li-a Ê-ren-bua. Sở dĩ có sự tham kiến của I-li-a Ê- ren-bua là vì khi tình hình diễn biến căng quá, Nô-na Xtan-kê-vích đã viết thư xin ý kiến. Sau đó, Nô-na Xtan-kê-vích nhận được thư trả lời của Ê-ren-bua với sự ủng hộ hoàn toàn.

Thời đó, việc lấy vợ Tây là một chuyện “động trời”. Lại càng “động trời” hơn với một người làm giáo viên và đã từng có vợ rồi. Nó không phải là chuyện của cá nhân mà là chuyện của quốc gia.

Bởi thế, ngày Nguyễn Tài Cẩn mới từ Liên xô về nước, ông đã rất nổi tiếng. Khi chúng tôi còn học phổ thông thì câu chuyện tình của ông đã được kể gần như huyền thoại. Đến khi vào đại học, thế nào tôi lại học đúng cái khoa mà có con người mình đã từng nghe danh.Thú thực, ngày đó, chúng tôi rất háo hức muốn biết mặt cô Nô-na-Xtan-kê-vích. Nhưng mãi tới năm cuối mới được học cô. Sau này ở lại làm cán bộ giảng dạy cùng bộ môn, nhiều năm giữ chức thư ký công đoàn tổ, tôi thường xuyên qua lại đưa lương cho vợ chồng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và càng thêm hiểu tình cảm của hai người. Càng hiểu, tôi càng kính phục sâu sắc người phụ nữ Nga đã một đời cống hiến cho ngành Việt ngữ học ở Việt Nam và là cầu nối quan trọng cho sự giao lưu văn hoá giữa hai dân tộc Việt Nam và Liên Xô (nay là Nga) trong những năm tháng đất nước ta trải qua những cuộc chiến khốc liệt nhất. Bà không chỉ là người bạn đời, mà còn là một đồng nghiệp, một trợ thủ đắc lực cho Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn trong cuộc đời hoạt động khoa học của mình.

Phó Giáo sư Nô-na Xtan-kê-vích là một người phụ nữ Nga tuyệt vời. Ngay từ những năm sơ tán, sự xuất hiện của bà trên vùng rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên đã tạo nên sự ngạc nhiên và kính trọng của dân vùng sở tại. Không quản hy sinh, gian khó, cả hai đợt hành quân sơ tán từ Thủ đô về vùng núi rừng phía Bắc, bà luôn đội mũ sắt, khoác ba lô cùng lăn lộn với giáo viên và sinh viên Văn khoa đi khắp mọi miền, hoà đồng cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước oanh liệt. Bao nhiêu thế hệ cán bộ và sinh viên đến nay vẫn còn nhớ hình ảnh một người phụ nữ Nga tận tuỵ, buổi sáng cắp giáo án lên lớp giảng bài, buổi chiều mặc quần thâm, đội nón, lội xuống ruộng dưới chân đồi cắt rau khoai về nuôi lợn. Giữa khu sơ tán, bà nổi bật lên như một biểu tượng của tình hữu nghị Xô-Việt, của sự chia sẻ chân tình nhất của tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp, tình đồng chí. Khắp cả một vùng đồng quê, đâu đâu cũng ngợi khen, kính phục bà. Không kính phục sao được, khi bà từ một đất nước xa xôi vạn dặm, sống trong cuộc sống của một nước văn minh công nghiệp lại có thể chịu đựng được những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến ở xứ sở lạc hậu đói nghèo. Đã đói nghèo lại chiến tranh, bom đạn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Hết ăn sắn, ăn khoai lại ăn bo bo, mì luộc... nhưng bà không hề hé răng kêu khổ. Bà vẫn vui lòng nhận một suất tem phiếu cán bộ thời bao cấp như tất cả mọi cán bộ giảng dạy đại học Việt Nam. Trong khi, nhiều phụ nữ châu Âu khác cũng lấy chồng Việt Nam đã không chịu nổi khó khăn gian khổ, lấy cớ đưa con về phép rồi không bao giờ quay trở lại Việt Nam nữa. Bà Nô-na vẫn một lòng một dạ, thuỷ chung son sắt với đất nước Việt Nam, với người chồng mà bà yêu quí. Điều đó thực là một sự phi thường.

Từ vùng miền núi hoang vu, tên tuổi vợ chồng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn như một huyền thoại. Người ta thấy lạ, thấy nể một người con gái Nga dịu dàng, duyên dáng mà lại rất trí tuệ. Những ngày đó, người dân địa phương thấy một cán bộ giảng dạy đại học mà lội bùn, cắt dây khoai nuôi lợn đã là việc rất đặc biệt rồi. Còn đây, người phụ nữ đó lại tóc vàng, mắt xanh, nói tiếng Việt rất chuẩn, mà cũng làm đủ mọi việc từ A đến Z như một người nông dân Việt Nam thực thụ thì ai chẳng bái phục. Bái phục bà đã đành, người ta càng bái phục Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Không biết từ con người ông có ma lực gì mà lại có sức cảm hoá tài tình đến vậy?

Về chuyện tình yêu của ông có nhiều tình tiết mà người đời thêm bớt  theo thời gian đến mức trở thành huyền thoại. Ngày chúng tôi tựu trường đã được nghe không ít những chuyện ly kỳ về vợ chồng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Nhưng có một chuyện tôi được nghe ông trực tiếp kể là, ngày cụ Nguyễn Tài Đức thân phụ ông mới ra Hà Nội, vì không mấy thiện cảm với người con dâu “Tây”, cụ đã làm một việc rất khinh suất. Một buổi tối sáng trăng, cụ ra đầu hè vạch quần tè ngay một bãi, cố ý để xem cô con dâu phản ứng thế nào. Liệu cô có khinh bố chồng là người quê kệch và thiếu văn hoá không? Thấy vậy, Nguyễn Tài Cẩn nhanh trí chạy ra đầu hè và cũng làm một việc giống hệt cha. Sau đó ông giải thích, tiểu tiện đầu hè là một thói quen của cư dân nông nghiệp có truyền thống văn minh lúa nước. Nghe xong, bà gật gù, tỏ ra tâm đắc và coi cái việc đã xảy ra là một việc bình thường.

Tất cả những ai gặp bà đều có một cảm nhận giống nhau. Bà là một người phụ nữ đôn hậu nhưng trí tuệ và lịch lãm. Không những bà là hiện thân của một tính cách Nga, mà còn là một phụ nữ thấm nhuần mọi đạo lý, thuần phong mỹ tục của văn hoá Việt. Chính con người bà, tính cách và phẩm chất của bà đã cảm hoá được người cha chồng là cụ đồ nho Nguyễn Tài Đức. Lúc vợ chồng Nguyễn Tài Cẩn mới về nước, cụ Nguyễn Tài Đức phản đối rất quyết liệt. Mặc dù chỉ có Nguyễn Tài Cẩn là con trai duy nhất, nhưng cụ nhất định không chịu rời Nghệ An ra Hà Nội sống với vợ chồng người con trai mà cụ yêu quý. Nhưng dần dà, nghe bà con họ mạc kể lại, nghe đồng nghiệp của con miêu tả, ông đã đồng ý ra sống với vợ chồng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và đã cùng vợ chồng ông sơ tán lên Bắc Thái.

 

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn tại lễ mừng ông thượng thọ 80 xuân.
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn tại lễ mừng ông thượng thọ 80 xuân.


Ngày mừng thọ Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn tuổi 80, lúc trở về khoa Ngôn ngữ học, ông hào hứng kể lại, sau này cụ Nguyễn Tài Đức rất quý cô con dâu người nước ngoài. Bởi vậy, khi đứa con trai đầu lòng của vợ chồng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn ra đời có một cụ đồ nho vốn là bạn với cụ Nguyễn Tài Đức đem đến một bài thơ chúc mừng. Cụ Đức nhân đó đã họa lại bằng một bài thơ đầy ngụ ý nói rõ việc xì xào bàn tán bên ngoài nay không còn ý nghĩa gì cả. Bài thơ đại ý có những câu:

Ngoài cuộc xin đừng liên lẹo
Tan sòng mới biết ai được bài
Muôn năm hữu nghị tình Xô-Việt
Con cháu đầy nhà chút chít lai..


Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và bà Nô-na Xtan-kê-vích có được hai người con trai, đều tốt nghiệp đại học tại Liên xô (cũ) và lập nghiệp ở đó. Lúc về hưu, bà Nô na quyết định trở về nước sống với các con. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn  đành rời quê hương yêu dấu của ông để sống ở trời Âu những năm tháng tuổi già. Điều đó cũng hợp với lẽ đời. Cả thời tuổi trẻ, bà Nô-na đã hy sinh tận tuỵ vì sự nghiệp của chồng, không sợ gian khổ, chẳng ngại đạn bom. Nay đất nước hoà bình, đời sống toàn dân sung sướng, bà chọn con đường trở về nước để được sống gần gũi các con lẽ nào Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn không ủng hộ? Đành rằng, trong một góc thầm kín của con tim, tâm hồn nhà nho Nguyễn Tài Cẩn không dễ gì xa gốc rễ, cội nguồn. Nhưng vì tình yêu, vì con cái, ông phải chấp nhận cái cảnh sống ở xứ người lúc về già. Đó là nỗi buồn riêng thăm thẳm trong ông. Theo anh Nguyễn Huy Hoàng (nguyên cán bộ giảng dạy khoa Văn) kể lại, dạo ông còn ở Xanh-pê-téc-bua, một lần anh Hoàng và mấy người bạn Việt Nam đến thăm, ông mừng quá, không kịp mặc quần áo rét chạy ra hiên đón, hấp tấp thế nào ông trượt chân trên tuyết bị ngã sưng cả gối khiến ai cũng rất thương.

Mấy năm trước lúc ông qua đời, gia đình Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn chuyển về Matxcơva nên có điều kiện gặp gỡ giao lưu với người Việt nhiều hơn. Nhưng vốn tính ham làm việc, những năm tháng tuổi già, ông vẫn không hề nghỉ ngơi, trái lại còn làm việc nhiều hơn trước. Có đến một nửa số đầu sách và những công trình quan trọng khiến ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đã được ông viết trong giai đoạn này.
 

Nguyễn Hữu Đạt