Gian lận điểm thi: Bộ GD-ĐT nhận trách nhiệm trong khâu chấm thi, giám sát
Cập nhật lúc 17:40, Thứ ba, 28/05/2019 (GMT+7)
Để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ÐT trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi.
Trong báo cáo với Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội về đổi mới công tác tổ chức thi và tuyển sinh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua 4 năm thực hiện ổn định với một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật theo từng năm, Kỳ thi THPT quốc gia đã đáp ứng yêu cầu thi cử gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh và xã hội...
Tuy nhiên, việc ra đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi, xét tuyển ÐH, CÐ hằng năm vẫn còn một số bất cập, cần rút kinh nghiệm, hoàn thiện để kết quả thi đảm bảo tính khách quan, trung thực.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đề thi ngoài mục đích xét tốt nghiệp THPT còn là căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển sinh nên có tính phân hóa cao, có những câu hỏi có độ khó hơn so với yêu cầu của học sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Với việc để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi ở một số địa phương như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ÐT trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi.
Bên cạnh đó, phần mềm chấm thi trắc nghiệm tuy cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước.
Bộ trưởng Nhạ cho biết, trên cơ sở tổng kết, đánh giá, nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia các năm trước, nhất là năm 2018, Bộ GD-ĐT đã cầu thị tiếp thu ý kiến của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục để thực hiện những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để tổ chức trong các năm 2019, 2020.
Tiếp tục hoàn thiện và ổn định kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ; khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong giáo dục, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.
Theo Dân trí